Nghiên cứu - Trao đổi

Tính ngưỡng nợ thuế bị hoãn xuất cảnh: Cần phân nhóm đối tượng

Khôi Nguyên 15/12/2024 11:05

Dự thảo của Bộ Tài chính là đúng đắn nhưng cần điều chỉnh ngưỡng nợ thuế theo quy mô của đối tượng để đảm bảo công bằng, khả thi, tránh gây áp lực không cần thiết…

Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, Bộ Tài chính vừa đưa ra dự thảo quy định các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh với các ngưỡng nợ thuế khác nhau. Theo đó, từ 1/1/2025, cá nhân, chủ hộ kinh doanh nợ thuế quá hạn trên 120 ngày từ 10 triệu đồng trở lên sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh.

tinh-nguong-no-thue-bi-hoan-xuat-canh-can-phan-nhom-doi-tuong-1.jpg
Bộ Tài chính vừa đưa ra dự thảo cá nhân, chủ hộ kinh doanh nợ thuế quá hạn trên 120 ngày từ 10 triệu đồng trở lên sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh. Ảnh minh hoạ

Đề xuất này của Bộ Tài chính nhận được nhiều ý kiến trái chiều do chưa đưa ra căn cứ xác định ngưỡng nợ và thời gian nợ. Mặt khác, có ý kiến cũng cho rằng, việc ngăn cản xuất cảnh trong các trường hợp đi hợp tác kinh doanh hoặc chữa bệnh hiểm nghèo cũng cần được cân nhắc, tránh gây khó khăn không cần thiết và thiếu nhân văn. Quyền tự do đi lại là quyền cơ bản, nên chỉ áp dụng biện pháp này khi thật sự cần thiết, tránh lạm dụng.

Bình luận về vấn đề này, luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty luật S&B Law cho rằng, việc Bộ Tài chính đưa ra mức như trên là chưa hợp lý vì mức nợ thuế với cá nhân là 10 triệu đồng và doanh nghiệp là 100 triệu đồng là quá nhỏ. Đây là mức cào bằng giữa hộ cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ, doanh nghiệp siêu nhỏ và doanh nghiệp lớn.

Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, trong bối cảnh cơ quan thuế còn nhiều biện pháp khác để thu thuế như biện pháp phong tỏa tài khoản của doanh nghiệp, người dân để cưỡng chế thu thuế và biện pháp không cho xuất hóa đơn đối với doanh nghiệp. Tạm hoãn xuất cảnh chỉ nên coi là biện pháp cuối cùng, chỉ nên áp dụng với các cá nhân và người đại diện doanh nghiệp khi họ có ý định xuất cảnh ra nước ngoài và định cư nhằm trốn tránh vĩnh viễn; không nên áp dụng biện pháp này khi mức nợ thuế nhỏ như đề xuất của Bộ Tài chính, nhất là Việt Nam có gần 5 triệu hộ kinh doanh nhỏ và hơn 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

“Vì vậy, Bộ Tài chính nên nghiên cứu lại mức nợ thuế tối thiếu để bị tạm hoãn xuất cảnh, có thể áp dụng nhiều mức khác nhau với nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau, như thế sẽ thuyết phục hơn”, luật sư Nguyễn Thanh Hà kiến nghị.

tinh-nguong-no-thue-bi-hoan-xuat-canh-can-phan-nhom-doi-tuong-2.png
Chuyên gia cho rằng, Dự thảo của Bộ Tài chính là đúng đắn nhưng cần điều chỉnh ngưỡng nợ thuế theo quy mô của đối tượng để đảm bảo công bằng, khả thi, tránh gây áp lực không cần thiết. Ảnh minh hoạ

Đồng quan điểm, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cũng cho rằng việc áp dụng ngưỡng nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh là cần thiết. Tuy nhiên, khi xác định ngưỡng nợ thuế để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh thì nên khoanh vùng theo từng nhóm đối tượng.

Theo luật sư Diệp Năng Bình, xét theo Dự thảo Nghị định thì mức 10 triệu đồng đối với cá nhân, và 100 triệu đối với tổ chức, doanh nghiệp đang cào bằng tất cả hộ kinh doanh, cá nhân và doanh nghiệp. Nhưng tiềm lực tài chính mỗi nhóm lại khác nhau, ví dụ một doanh nghiệp siêu nhỏ thì mức nợ thuế 100 triệu đồng có thể coi là lớn. Nhưng đối với quy mô doanh nghiệp trăm tỷ, ngàn tỷ thì mức nợ thuế 100 triệu đồng lại quá nhỏ.

Mặt khác, theo luật sư Bình, việc xuất cảnh nhiều khi còn phụ thuộc nhu cầu đặc thù của doanh nghiệp. Ví dụ doanh nghiệp có hợp tác nước ngoài, hoạt động ngành xuất nhập khẩu thì nhu cầu xuất cảnh sẽ cao hơn nên nếu ngưỡng quy định nợ quá thấp, cơ hội phục hồi (nếu đang khó khăn) hoặc phát triển doanh nghiệp cũng vì vậy mà nhỏ đi.

Ngược lại, đối với doanh nghiệp quy mô lớn, nợ thuế nhiều nhưng hoạt động chủ yếu trong nước, không có nhu cầu xuất cảnh thì biện pháp cưỡng chế lại không có tính răn đe. Do đó, vị luật sư cho rằng, nên điều chỉnh theo doanh thu hoặc quy mô của từng nhóm đối tượng bằng tính phân loại.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, nhiều chuyên gia cũng nhận định, Dự thảo của Bộ Tài chính là một bước đi đúng đắn, nhưng cần điều chỉnh mức ngưỡng nợ thuế quá hạn theo quy mô và năng lực của từng đối tượng để đảm bảo tính công bằng, khả thi và tránh gây áp lực không cần thiết cho các cá nhân, hộ kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ. Quy định cần đi kèm các cơ chế hỗ trợ và cảnh báo để vừa đạt được mục tiêu thu ngân sách, vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và cá nhân phát triển bền vững.

Quy định phân ngưỡng theo doanh thu không chỉ phù hợp với thực tế mà còn thể hiện tính nhân văn, khuyến khích trách nhiệm tuân thủ thuế trong cộng đồng kinh doanh.

Khôi Nguyên