Tín dụng - Ngân hàng

Ẩn số chính sách mới của Mỹ tác động thế nào đến tỷ giá?

Hạnh Lê 15/12/2024 2:07

Những chính sách mới của chính quyền Mỹ dự báo tác động mạnh đến toàn cầu và Việt Nam, trong đó có tỷ giá USD/VND.

Nhận định về biến số này trong năm 2025, ông Trịnh Hà - chuyên gia chiến lược của Exness Investment Bank đề cập đến 2 yếu tố cần theo dõi là quá trình cắt giảm lãi suất tại Mỹ và rủi ro lạm phát.

Mr THA
Ông Trịnh Hà - chuyên gia chiến lược của Exness Investment Bank

Với yếu tố thứ nhất, chuyên gia chiến lược của Exness Investment Bank cho rằng, chính sách của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thực hiện từng bước, theo lộ trình nhất định. Đặc biệt, cân nhắc kỹ những yếu tố bất ổn của nền kinh tế có thể ảnh hưởng đến nước Mỹ hoặc làm gia tăng lạm phát. Ngân hàng Trung ương Mỹ FED dự kiến năm 2025 tiếp tục duy trì cắt giảm lãi suất, song với rủi ro gia tăng lạm phát, tốc độ cắt giảm lãi suất có thể giảm đi.

Theo ông Trịnh Hà, trong tuần, chỉ số CPI của Mỹ tăng lần thứ 2 liên tiếp. Ngoài yếu tố mùa vụ, bản chất nền kinh tế Mỹ là sức mạnh tiêu dùng vẫn được duy trì. Chỉ số tỷ lệ tiết kiệm trên tổng thu nhập giảm liên tục, hiện tại đã ở mức thấp hơn trước khi dịch COVID-19 xảy ra.

Nền tảng tiêu dùng khá mạnh mẽ có thể ảnh hưởng đến lạm phát, kể cả khi chính quyền chưa áp thuế. Do đó, chuyên gia chiến lược của Exness Investment Bank nhận định FED tính toán tốc độ giảm lãi suất.

Trong 1-2 năm tới, sau khi áp dụng các biện pháp thuế, FED có thể sẽ tiếp tục cân nhắc con số về lạm phát cốt lõi. Tuy nhiên, trong chính sách của Tổng thống Donald Trump có yếu tố làm giảm lạm phát. Đó là nới lỏng chính sách về khai thác dầu khí - yếu tố quan trọng tác động giảm giá dầu, khí… có thể làm giảm bớt phần nào áp lực lạm phát.

Ngoài ra, khi FED tiếp tục cắt giảm lãi suất, thu nhập của doanh nghiệp và người dân được cải thiện, thúc đẩy các kênh đầu tư khác, lạm phát duy trì ổn định hơn. Trong dài hạn, lãi suất cân bằng dài hạn (neutral interest rate) có thể cân bằng ở mức cao hơn, khoảng 3 -3,5% để phần nào kiểm soát được lạm phát tăng lên, phần khác hỗ trợ nền kinh tế, giảm áp lực cho doanh nghiệp và người dân về chi phí đầu vào của những khoản đầu tư.

ty gia
Khi lạm phát loại trừ yếu tố mùa vụ cuối năm, đồng USD có thể hạ nhiệt

Với yếu tố thứ 2 là áp lực tỷ giá, theo ông Trịnh Hà, quá trình cắt giảm lãi suất và rủi ro gia tăng lạm phát tác động trái ngược nhau. Đồng USD duy trì sức mạnh, gây áp lực gia tăng lên tỷ giá USD/VND.

“Trong ngắn hạn, khi các biện pháp tăng thuế của ông D.Trump được áp dụng, các mô hình định giá cho thấy đồng USD đang được định giá ở mức cao. Khi lạm phát trong thời gian tới loại trừ được yếu tố mùa vụ cuối năm, áp lực sẽ giải toả phần nào, đồng USD có thể hạ nhiệt” - ông Trịnh Hà phân tích.

Vấn đề này dưới góc nhìn của ông Barry Weisblatt David - Giám đốc khối Phân tích của công ty CP chứng khoán VNDIRECT có nhiều điểm tương đồng khi chuyên gia này cho rằng, rủi ro lớn nhất không đến từ thương mại mà đến từ lạm phát.

“Kịch bản trước đây của chúng tôi về dự báo FED có thể hạ lãi suất 3 lần trong năm tới nhưng với rủi ro lạm phát gia tăng từ chính sách của ông Trump và chỉ số DXY (đo lường sức mạnh của đồng USD) cao khiến kịch bản có thể thay đổi” -ông Barry Weisblatt David nói.

Trước đây, khi chỉ số DXY giảm xuống dưới 100 thì chứng khoán Việt Nam đã tăng tương đối, song khi tỷ giá tăng lại thì Ngân hàng Nhà nước đã phải can thiệp. Đại diện của VNDIRECT cũng để ngỏ rủi ro Ngân hàng Nhà nước phải tăng lãi suất nếu áp lực tỷ giá vượt ngoài tầm kiểm soát do những biến động về chính sách thương mại của Trump trong năm tới.

Hạnh Lê