Nghiên cứu - Trao đổi

Ứng phó hàng giá rẻ qua TMĐT: Cần chính sách phát triển công nghiệp sản xuất

Gia Nguyễn 15/12/2024 04:30

Để ứng phó với “làn sóng” hàng giá rẻ qua thương mại điện tử (TMĐT) bùng nổ thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng, cần chính sách phát triển công nghiệp sản xuất…

Theo đó, chỉ trong vài tháng gần đây các tập đoàn TMĐT lớn của nước ngoài - với chủ lực là hàng giá rẻ đang có động thái mở rộng vào thị trường Việt Nam. Hàng hóa nước ngoài đến từ các nền sản xuất phát triển, mạng lưới giao vận ngày càng hoàn thiện, nay có thêm sự “hậu thuẫn” từ các mô hình kinh doanh cạnh tranh giá rẻ của những tập đoàn công nghệ lại càng có thêm lợi thế. Tất cả những yếu tố này đang gây sức ép cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam.

ung-pho-hang-gia-re-qua-tmdt-14.12.1.jpg
Chỉ trong vài tháng gần đây các tập đoàn TMĐT lớn của nước ngoài - với chủ lực là hàng giá rẻ đang có động thái mở rộng vào thị trường Việt Nam - Ảnh minh họa: ITN

Thực tế cho thấy, tính đến thị thời điểm hiện tại TMĐT tại Việt Nam gần như bị chiếm lĩnh bởi các sàn ngoại, mà chủ yếu đến từ Trung Quốc. Chẳng hạn, sàn Shopee thuộc Tập đoàn SEA Limited - một tập đoàn công nghệ đa quốc gia dù có trụ sở tại Singapore nhưng cổ đông lớn nhất là Tencent đến từ Trung Quốc; TikTok Shop thuộc sở hữu của ByteDance (Trung Quốc); Lazada thuộc sở hữu của Tập đoàn Alibaba (Trung Quốc). Trong đó, chỉ riêng: Shopee, TikTok Shop, Lazada đã chiếm lĩnh thị trường trong nước vượt trội, tổng giá trị hàng hóa chi phối lên tới hơn 90%.

Với chiến lược phát triển TMĐT xuyên biên giới của nước bạn đã giúp hình thành hàng trăm khu thí điểm TMĐT cùng mạng lưới các tổng kho sát biên giới. Kết hợp với logistics phục vụ TMĐT trong nước liên tục tăng trưởng hai con số mỗi những năm gần đây đã giúp cho thời gian nhận hàng đặt ở nước ngoài có khi bằng thời gian đặt từ trong nước.

Điều này đã giúp cho hàng ngoại dễ tiếp cận hơn với người tiêu dùng Việt. Chỉ tính riêng 1 sàn TMĐT lớn trong quý III năm nay, lượng hàng hóa có kho đặt tại nước ngoài bán vào thị trường trong nước tăng gần 14% so với cùng kỳ. Một nửa số này là hàng giá rẻ, dưới 100.000 đồng… tiềm ẩn nhiều khó khăn đối với doanh nghiệp sản xuất trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất nhỏ và vừa.

ung-pho-hang-gia-re-qua-tmdt-14.12.2.jpg
Nhiều ý kiến cho rằng, cần chính sách phát triển công nghiệp sản xuất để tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước - Ảnh minh họa: ITN

Trước thực tế đã nêu, câu hỏi lớn cần được đặt ra là cần làm gì để các doanh nghiệp trong nước có thể ứng phó, gia tăng sức cạnh tranh với hàng ngoại giá rẻ?

Theo các chuyên gia, nhiều ngành sản xuất như thời trang, mỹ phẩm, hàng điện tử của Việt Nam đang chịu sức ép lớn từ hàng ngoại giá rẻ qua TMĐT. Để gia tăng sức cạnh tranh, hàng Việt cần nâng cao được giá trị gia tăng về tính năng, mẫu mã và nguồn vốn đầu tư và công nghệ chính là yếu tố quyết định. Đặc biệt, cần có chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất.

Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, vai trò của Nhà nước và các hiệp hội thì phải hỗ trợ doanh nghiệp, có thể có những chính sách khuyến khích, để họ làm quen hoặc có cơ sở để kinh doanh trên những sàn TMĐT.

Còn theo TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhiều sàn TMĐT Trung Quốc vào thị trường Việt Nam là một thách thức thực sự đối với các doanh nghiệp trong nước, có thể chúng ta chưa chuẩn bị thật tốt trước diễn biến này.

Nếu để tình trạng này kéo dài nhiều mặt hàng của Việt Nam không đủ sức cạnh tranh. Thậm chí hàng Trung Quốc tràn vào thị trường Việt Nam, thương nhân Việt Nam nhập khẩu hàng Trung Quốc về để kinh doanh, trong khi sản phẩm trong nước lại ế ẩm, không bán được.

Và trước thực tế đã nêu, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, cơ quan Nhà nước cần vào cuộc xem xét nghiêm túc quy định, quản lý chặt chẽ đối với các hàng nhập khẩu hoặc hàng nhận từ các đơn hàng điện tử tính hợp pháp về thuế cũng như tránh hàng giả, hàng nhái, hàng trốn thuế giá rẻ tràn vào. Bên cạnh đó, cần phải nghiên cứu vì sao hàng Trung Quốc giá rẻ, họ có được trợ giá hay không? Từ đó tìm ra giải pháp thích hợp để thúc đẩy nền công nghiệp sản xuất Việt Nam phát triển.

Ngược lại các doanh nghiệp Việt Nam cũng nỗ lực hơn nữa cần tìm phương án nâng cao năng suất sản xuất, chất lượng hàng hóa, thậm chí có thể đưa các mặt hàng thế mạnh, đặc biệt là trái cây Việt Nam như: Sầu riêng, xoài, nhãn, mít,... đến tận tay người Trung Quốc cũng giống như người Trung Quốc mang hàng đến tận tay người Việt Nam.

Đồng quan điểm, không ít ý kiến cũng cho hay, cần tiếp tục rà soát và điều chỉnh đối với một số chính sách để đảm bảo yếu tố cạnh tranh công bằng.

Được biết, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều động thái xúc tiến các giải pháp xây dựng cơ chế kiểm soát chặt với những hàng hoá nhập khẩu qua TMĐT, một cách phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Và mới đây, khi thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã yêu cầu Chính phủ khẩn trương ban hành Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua kênh TMĐT, bảo đảm không cho phép miễn thuế nhập khẩu đối với hàng giá trị nhỏ. Đồng thời, chấm dứt ngay hiệu lực của của Quyết định 78/2010/QĐ-TTg, làm cơ sở cho cơ quan quản lý thuế có căn cứ pháp lý và chế tài quản lý thu đối với các sàn TMĐT nước ngoài bán hàng hoá vào Việt Nam.

Gia Nguyễn