Kinh tế

Ngành chăn nuôi heo sẽ bước vào giai đoạn chuyển đổi quan trọng

Đình Đại 15/12/2024 03:30

Cùng với sự thay đổi về môi trường kinh tế trong nước và toàn cầu, ngành chăn nuôi heo Việt Nam đang và sẽ bước vào giai đoạn chuyển đổi quan trọng.

channuoi.jpg
Mô hình chăn nuôi trang trại đang định hình lại ngành chăn nuôi Việt Nam - Ảnh minh họa.

Việt Nam xếp thứ 5 về tiêu thụ thịt heo mổ nội địa

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong quý III/2024, Việt Nam nhập khẩu 221,16 nghìn tấn thịt & sản phẩm từ thịt, với trị giá đạt 473,31 triệu USD, tăng 2,5% về lượng và tăng 14,7% về trị giá so với quý trước và tăng 4,2% về lượng, nhưng giảm 0,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Trong quý III/2024, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nga, Ba Lan, Australia, Hàn Quốc và Brazil là những thị trường lớn nhất cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt cho Việt Nam. Lượng nhập khẩu từ Ấn Độ, Australia, Hàn Quốc, Hoa Kỳ tăng, trong đó tăng mạnh nhất là nhập khẩu từ thị trường Australia với mức tăng 38,3% so với quý trước, còn các thị trường khác giảm. So với quý III/2023, lượng nhập khẩu từ Hoa Kỳ và Ba Lan tăng mạnh, còn các thị trường khác giảm.

Riêng đối với thịt heo, trong quý III/2024, Việt Nam nhập khẩu 32.010 tấn thịt heo, giảm 32,4% so với cùng kỳ, tương đương trị giá 72,51 triệu USD, giảm 39% so với cùng kỳ. Nhập khẩu thịt heo của Việt Nam có xu hướng tăng kể từ tháng 5/2024. Việt Nam nhập khẩu thịt heo chủ yếu từ các quốc gia Brazil, Nga, Canada, Đức và Hà Lan.

Cũng trong quý III/2024, Việt Nam xuất khẩu được 5.300 tấn thịt & sản phẩm từ thịt, tương ứng 24,85 triệu USD, giảm 8,4% so với cùng kỳ về lượng và giảm 12,45 so với cùng kỳ về giá trị. Thịt và sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường thuộc khu vực châu Á. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Hồng Kông ước tính 2.460 tấn, tương đương 15,54 triệu USD, chiếm 62,5% tổng kim ngạch xuất khẩu thịt & sản phẩm thịt của Việt Nam, tăng 5,4% so với cùng kỳ về sản lượng và tăng 9,8% so với cùng kỳ về giá trị.

Theo Tổng cục Thống kê, hiện tại giá heo hơi đang ở mức cao, tính đến ngày 31/11, giá heo hơi toàn quốc daođộng trong khoảng 60.000 - 64.000 đồng/kg, cao hơn 10.000 -12.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Đây cũnglà thời điểm người chăn nuôi tập trung tái đàn, tăng đàn, chăm sóc đàn gia súc, gia cầm để cung ứng nguồn thịt ra thị trường những tháng cuối năm và các kỳ lễ, tết sắp tới.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), nhờ vào thế mạnh mở rộng đàn và việc kiểm soát dịch ASF hiệu quả, sản lượng heo tại Việt Nam năm 2025 sẽ tăng 3,3% so với cùng kỳ (cao hơn mức 2,5% năm 2024) lên mức 3,9 triệu tấn.

Cũng theo số liệu mới nhất của USDA, Việt Nam xếp thứ 5 về tiêu thụ thịt heo mổ xẻ nội địa và duy trì vị thế là quốc gia chuộng tiêu thụ thịt heo lớn. Dựa vào số liệu thịt heo xẻ mổ nội địa, ước tính tốc độ tăng trưởng kép hàng năm của tiêu thụ thịt heo/đầu người khoảng 3,8%/năm vào giai đoạn 2024-2026 và sản lượng xấp xỉ 37 kg/người vào năm 2024.

Năm 2025, tiêu thụ thịt heo sẽ đạt 3,9 triệu tấn

thitheo(1).jpg

Đánh giá về triển vọng của ngành chăn nuôi heo tại Việt Nam, Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho rằng, cùng với sự thay đổi về môi trường kinh tế trong nước và toàn cầu, ngành chăn nuôi heo đang và sẽ bước vào giai đoạn chuyển đổi quan trọng. Dự kiến, ngành sẽ diễn ra một cuộc cải tổ sâu sắc trong giai đoạn 2025 – 2026, cụ thể:

Thứ nhất, những thay đổi về cung cầu thị trường thúc đẩy cải tổ: Người tiêu dùng ngày càng chú ý hơn đến vấn đề sức khỏe và an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất ngày càng tăng, tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp làm giảm hình thức chăn nuôi nông hộ. Trong khi đó, thị phần của các doanh nghiệp chăn nuôi khép kín quy mô lớn ngày càng tăng nhờ lợi thế về chi phí sản xuất và tỷ lệ hao hụt thấp.

Thứ hai, đổi mới công nghệ sẽ đóng một vai trò quan trọng: Công nghệ sẽ được áp dụng nhiều hơn vào lĩnh vực chăn nuôi để nâng cao hiệu quả, đặc biệt là hình thức chăn nuôi trang trại. Các công nghệ được sử dụng để theo dõi sức khỏe cho heo, tối ưu hóa công thức thức ăn và giảm bớt tác động tới môi trường.

Thứ ba, môi trường chính sách thúc đẩy hội nhập ngành: Luật chăn nuôi năm 2018 có hiệu lực từ 2020 nghiêm cấm hành vi chăn nuôi trong khu vực không được phép của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư. Các địa phương có 5 năm chuẩn bị, hạn chót đến ngày 1/1/2025, buộc phải di dời các cơ sở chăn nuôi không phù hợp.

“Quy định này sẽ khiến một số hộ chăn nuôi quy mô nhỏ phải ngừng hoạt động nếu không thể di dời, làm nguồn cung bị thu hẹp. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn mở rộng thị phần”, TPS đánh giá.

Cũng theo TPS, sản lượng thịt heo của Việt Nam trong năm 2025 dự kiến ghi nhận 3,765 ngàn tấn, tăng 3,0% so với năm trước, nhờ dự kiến mở rộng đàn heo sau khi khắc phục hậu quả cơn bão Yagi và dịch tả heo châu Phi được kiểm soát tốt hơn.

Bên cạnh đó, tiêu thụ thịt heo của Việt Nam dự báo khoảng 3,9 triệu tấn vào năm 2025, tăng 3,3% so với cùng kỳ và tăng lên 4,7 triệu tấn vào năm 2030, tương ứng với mức tăng trưởng bình quân 3,1%/năm.

Đơn vị này cũng cho rằng, mô hình chăn nuôi trang trại đang định hình lại ngành chăn nuôi Việt Nam, giúp ngành chăn nuôi của Việt Nam ngày càng bền vững khi giảm bớt tác động của dịch bệnh và biến động giá thức ăn chăn nuôi tới ngành.

“Với lợi thế về quy mô, cơ sở hạ tầng và vốn đã giúp các doanh nghiệp chăn nuôi dễ dàng áp dụng công nghệ cao vào quá trình chăn nuôi, giúp giảm giá thành chăn nuôi, đặc biệt là tiêu tốn ít thức ăn trên 1kg tăng trọng”, TPS đánh giá.

Đình Đại