Thị trường

Nhiều dự án tái khởi động, thị trường khởi sắc?

Vi Anh 15/12/2024 11:40

Hàng loạt dự án bất động sản đang được tháo gỡ và tái khởi động ra thị trường được xem là tín hiệu tích cực về sự khơi thông của thị trường bất động sản.

melodylinhdam.jpeg
Dự án HaNoi Melody Residences đã bắt đầu mở bán sau 3 năm tạm dừng triển khai.

Sau nhiều năm “đắp chiếu” do vướng pháp lý, loạt dự án bất động sản tại Hà Nội và TP HCM đã được tháo gỡ và chuẩn bị mở bán trở lại, tạo ra nguồn cung lớn cho thị trường.

“Mở khoá” nguồn cung

Tại Hà Nội, vào đầu tháng 11 vừa qua, dự án Hanoi Melody Residences (Linh Đàm) do Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Linh Đàm làm chủ đầu tư đã bắt đầu mở bán đợt đầu khoảng 800 căn hộ, với mức giá 62 - 75 triệu đồng/m2 sau 3 năm tạm dừng triển khai. Hiện dự án đã hoàn tất thủ tục pháp lý; chủ đầu tư cũng đã phối hợp với ngân hàng trong việc giám sát tiến độ, phương thức bán hàng, giải ngân và hỗ trợ vay vốn nhằm củng cố niềm tin với người mua.

Ngoài ra, dọc tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài có ít nhất 5 dự án đang triển khai sau nhiều năm "đắp chiếu", bao gồm: Tổ hợp chung cư TSQ Land, dự án khu đô thị Trung Văn Nam Cường, dự án chung cư QMS... Ở khu vực Hoài Đức, dự án Cienco 5 Tân Lập sau 15 năm bỏ hoang đã bắt đầu được dọn dẹp và thi công phần thô nhiều block liền kề, biệt thự...

Còn tại TP HCM, dự án Gem Riverside nằm trên khu đất 6,7 ha tại quận 2 cũ (nay thuộc TP Thủ Đức) do Tập đoàn Đất Xanh làm chủ đầu tư. Dự án nay đổi tên thành DatXanhHomes Riverside, dự kiến xây 12 toà tháp, cung cấp khoảng 3.200 căn hộ. Tương tự, dự án Lavida Plus của Công ty Quốc Cường Gia Lai tại quận 7 cũng tái khởi động sau nhiều năm đình trệ do gặp vướng về pháp lý.

Sự tái sinh các dự án này được các chuyên gia cho là tín hiệu tích cực đối với thị trường địa ốc, không chỉ giúp các chủ đầu tư tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh mà còn giải “cơn khát” về nhà ở cho người dân.

lavida.jpg
Dự án Lavida Plus của Công ty Quốc Cường Gia Lai tại quận 7 tái khởi động sau nhiều năm đình trệ.

Dấu hiệu phục hồi rõ nét

Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) nhận định, việc tái khởi động các dự án bị đình trệ sẽ được tiếp tục thúc đẩy nhờ sự hỗ trợ từ phía Chính phủ và khối doanh nghiệp tư nhân.

Chính phủ cũng có có nhiều động thái điều chỉnh về chính sách và chỉ đạo hỗ trợ để khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục triển khai các dự án dang dở như giảm thuế, nới lỏng quy định vay vốn... Gần đây nhất là việc cải thiện môi trường pháp lý bằng ba bộ luật mới, giúp từng bước tháo gỡ vướng mắc cho các dự án, đưa thị trường bất động sản vào đà phát triển ổn định.

Bên cạnh đó, quy định mới ràng buộc các chủ đầu tư nếu để dự án “án binh bất động” liên tục trong 48 tháng sẽ bị thu hồi đất mà không được bồi hoàn. Điều này cũng khiến các chủ đầu tư ý thức hơn và gấp rút nỗ lực tái khởi động dự án.

Ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, nhiều dự án tại Hà Nội đã chậm trễ cả chục năm bởi nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, từ thay đổi trong quy định pháp luật, thủ tục pháp lý chưa rõ ràng đến khó khăn tài chính của chủ đầu tư. Việc nhiều lô đất bị bỏ hoang kéo dài đã gây lãng phí lớn, do đó các cơ quan hữu quan cần tập trung tháo gỡ những “nút thắt”, thúc đẩy phát triển kinh tế, mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội và người dân.

Bà Phạm Thị Miền - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam (VARS IRE) đánh giá, sự trở lại của những dự án này sẽ tăng thêm nguồn cung mới cho thị trường trong thời gian tới, đồng thời giảm tình trạng khan hiếm nhà ở bấy lâu nay. Khi nguồn cung dồi dào hơn, thị trường sẽ dần “ấm” lên trong những tháng cuối năm.

Trong giai đoạn chuẩn bị cho năm 2025, nhiều doanh nghiệp trong ngành địa ốc đã xây dựng chiến lược kinh doanh và tài chính vững chắc, sẵn sàng đón nhịp phục hồi. Không ít doanh nghiệp tìm kiếm nguồn vốn mới, đồng thời điều chỉnh định hướng phát triển sản phẩm, ưu tiên các phân khúc nhà ở vừa túi tiền nhằm đáp ứng nhu cầu thực của người dân, qua đó tạo sự bền vững cho thị trường bất động sản.

Vi Anh