Đầu tư

Đông Nam Bộ: Dẫn đầu về thu hút FDI, đẩy mạnh xây dựng hệ sinh thái công nghiệp xanh

Kim Huệ 15/12/2024 08:52

Trong top 5 địa phương dẫn đầu về thu hút FDI (tính đến hết tháng 11/2024), Đông Nam Bộ có 04 tỉnh thành gồm TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu.

Các tỉnh thành này tiếp tục được nhiều “đại bàng” FDI chọn làm cứ điểm sản xuất quan trọng, chiến lược và đang chú trọng đẩy mạnh xây dựng hệ sinh thái công nghiệp xanh, đầy đủ dịch vụ hỗ trợ, tiện ích để đáp ứng các tiêu chí phát triển bền vững của nhà đầu tư.

Thu hút nhiều dự án chất lượng

Theo số liệu thu hút FDI của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến hết tháng 11/2024, TP.HCM vẫn dẫn đầu cả nước với 58,45 tỷ USD, tiếp đến là Bình Dương (42,39 tỷ USD), Đồng Nai (37,2 tỷ USD), Bà Rịa-Vũng Tàu (36,49 tỷ USD).

Rsz Hinh 1
Thu hút FDI 11 tháng năm 2024 theo địa phương (Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài)

Đông Nam Bộ đã đón thêm nhiều dự án FDI chất lượng, quy mô lớn và đa phần thuộc lĩnh vực công nghệ cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện môi trường. Riêng 11 tháng năm 2024, TP.HCM thu hút FDI đạt 2,28 tỷ USD, Bình Dương 1,82 tỷ USD, Bà Rịa-Vũng Tàu 1,71 tỷ USD, Đồng Nai 1,67 tỷ USD. Tây Ninh và Bình Phước cũng thu hút được nhiều dự án FDI vào công nghiệp, nông nghiệp.

Trong xu hướng vốn FDI tăng trưởng tích cực, nhiều KCN trong khu vực nhộn nhịp đón nhà đầu tư. KCN Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu) đã đón nhiều dự án lớn trong năm 2024 như Nhà máy Electronic Tripod Việt Nam (Châu Đức) vốn đầu tư 250 triệu USD, MingYue (13,7 triệu USD), Han Yale Industry (8,1 triệu USD), Nhà máy sản xuất ngũ kim nội thất gia dụng (8 triệu USD), Johnshen Global (3 triệu USD)...

Tại Đồng Nai, KCN Long Thành thu hút nhà máy của NIPPN Việt Nam (18 triệu USD), Regza (40 triệu USD), Kongviet Investment Holding (2,5 triệu USD), Shin Yuan Quan International Enterprise (6 triệu USD); KCN Thạnh Phú đã đón thêm một số dự án như IPA Việt Nam (2,7 triệu USD), Fore Intelligence (2 triệu USD)...

Dữ liệu tổng hợp năm 2024 từ 11 KCN trong khu vực Đông Nam Bộ của hệ thống Sonadezi ghi nhận nhiều dự án đầu tư mới, tăng vốn; các dự án từ làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng, sản xuất của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Australia, Đức, Trung Quốc, Canada...

Những tháng cuối năm 2024, Đông Nam Bộ tiếp tục đón hàng loạt tập đoàn đến trao đổi và đề xuất đầu tư dự án lớn như Harbor Star Engineering Global, Coherent, A.P Moller Maersk, Tokyu và nhiều đoàn doanh nghiệp của Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Đức.

Xanh hóa hệ sinh thái phục vụ nhà đầu tư

Quan sát dòng vốn FDI vào Đông Nam Bộ trong thời gian qua, có thể thấy ngày càng nhiều doanh nghiệp đặt ra các tiêu chí về phát triển bền vững (ESG) đối với các KCN.

Rsz Hinh 2
KCN xanh đang là ưu tiên lựa chọn của nhiều doanh nghiệp FDI. Trong hình: Một góc KCN Châu Đức

Bên cạnh các tiêu chí về vị trí, chất lượng hạ tầng, tối ưu về logistics, các doanh nghiệp FDI đã ưu tiên lựa chọn các KCN có hệ sinh thái xanh và đầy đủ tiện ích, dịch vụ. Tập đoàn Lego, Tripod, Boe, Regza, Pandora là những ví dụ điển hình cho xu hướng này.

Ông Cheng-Ming Lu, Tổng giám đốc Tripod Việt Nam cho biết: “KCN Châu Đức được chọn là điểm đến của Tripod do có vị trí chiến lược, quy mô lớn và còn nhiều dư địa để Tripod phát triển các nhà máy vệ tinh xung quanh. Đồng thời, KCN Châu Đức có hạ tầng đáp ứng sản xuất xanh, tích hợp nhiều tiện ích như: sân golf, khu đô thị đa chức năng, nhà ở cho công nhân... giúp các nhà máy thuận lợi trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao”.

Ở góc độ doanh nghiệp hạ tầng KCN, các đơn vị đang đẩy mạnh xanh hóa sản phẩm, dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.

Đơn cử, hệ thống Sonadezi đang hướng đến xây dựng hệ sinh thái bền vững trên nền tảng xanh hóa các lĩnh vực hoạt động. Nổi bật là xanh hóa các KCN hiện hữu và đầu tư dự án mới theo mô hình KCN xanh, khu đô thị xanh, nhà xưởng xanh... Sonadezi cũng tích hợp các dịch vụ, tiện ích, ứng dụng chuyển đổi số và các công nghệ mới, đẩy mạnh các cải tiến, sáng kiến xanh trong vận hành, quản lý KCN.

Theo lãnh đạo Sonadezi, mục tiêu phát triển KCN có hạ tầng xanh, thân thiện với môi trường đã được Sonadezi chú trọng thực hiện từ nhiều năm nay. Nhằm đáp ứng nhu cầu xử lý nước thải công nghiệp gia tăng, nhiều KCN của Sonadezi như Thạnh Phú, Long Thành, Giang Điền, Gò Dầu, Nhơn Trạch 2, Châu Đức, Xuân Lộc... đã đầu tư nâng công suất nhà máy xử lý nước thải tập trung giai đoạn 2, giai đoạn 3.

Đồng thời, hệ thống Sonadezi đang đảm nhận xử lý chất thải cho doanh nghiệp FDI tại nhiều KCN và xử lý hơn 75% chất thải sinh hoạt trên địa bàn Đồng Nai theo phương pháp chủ đạo là tái chế thành mùn compost.

Cùng với đó, các đơn vị thành viên của Sonadezi cũng đẩy mạnh triển khai mô hình cảng xanh, đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng số và kỹ năng xanh, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; phát triển mạng lưới cấp nước sạch quy mô lớn để phục vụ dân cư, các KCN, Sân bay Long Thành, các khu đô thị... qua đó, đồng hành cùng địa phương thu hút FDI xanh.

Rsz Hinh 3
Hệ sinh thái công nghiệp - dịch vụ của Sonadezi

Trong bối cảnh tăng trưởng xanh là xu thế bao trùm trên thế giới và xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn hiện nay, Đông Nam Bộ đã đẩy mạnh phát triển mô hình KCN xanh, KCN sinh thái để thu hút dòng vốn FDI thế hệ mới.

Theo đó, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang thực hiện dự án Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng KCN kiểu mẫu, KCN thông minh theo định hướng sinh thái và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành KCN.

Các tỉnh thành khác như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai cũng đang tích cực phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khoa học-công nghệ, chủ động xây dựng các KCN-đô thị xanh, thông minh, bền vững và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Kim Huệ