Nghiên cứu - Trao đổi

Phát triển thị trường Fintech: Cần tháo gỡ khung pháp lý

Gia Nguyễn 16/12/2024 04:30

Mặc dù doanh nghiệp Fintech tại Việt Nam đã có những đóng góp tích cực thời gian qua, tuy nhiên, để thị trường này thực sự phát triển, theo chuyên gia, cần tháo gỡ khung pháp lý.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong các ngành kinh tế. Trong bối cảnh đó, Fintech đang nổi lên như một động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của kinh tế - xã hội, tuy nhiên, sự phát triển của lĩnh vực này cũng đặt ra thách thức cần giải quyết.

phat-trien-thi-truong-fintech-15.12.1.jpg
Những năm gần đây, Fintech đang nổi lên như một động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của kinh tế - xã hội - Ảnh minh họa: ITN

Tại Việt Nam, thời gian qua các ngân hàng và doanh nghiệp Fintech đã chủ động hợp tác nhằm gia tăng khả năng tiếp cận dịch vụ cho khách hàng, tối ưu hóa quy trình và tiết giảm chi phí. Nhiều ngân hàng lớn của Việt Nam đã xem doanh nghiệp Fintech là đối tác quan trọng trong công cuộc cung cấp các sản phẩm tài chính đổi mới sáng tạo tới khách hàng. Qua việc hợp tác với Fintech, các ngân hàng có thể tiếp cận với công nghệ và nền tảng tiên tiến, cho phép họ tiếp cận các phân khúc thị trường mới và đáp ứng được nhu cầu luôn luôn thay đổi.

Ngược lại, chính các doanh nghiệp Fintech Việt Nam cũng đang đổi mới, đa dạng các sản phẩm và dịch vụ phù hợp với nhu cầu của nhóm người dùng chưa có tài khoản ngân hàng cũng như khó tiếp cận tới dịch vụ tài chính, đồng thời thu hẹp khoảng cách giữa dịch vụ ngân hàng truyền thống và nền kinh tế số.

Mặc dù doanh nghiệp Fintech tại Việt Nam đã phát triển nhanh và đóng góp tích cực vào công cuộc phổ cập tài chính toàn diện, tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, nếu so với các mô hình tiên tiến nhất của Fintech thế giới, thì Fintech tại Việt Nam còn ở phía sau với vị trí khá cách biệt.

phat-trien-thi-truong-fintech-15.12.2.jpg
Và để thị trường này thực sự phát triển, theo chuyên gia, cần tháo gỡ vướng mắc về khung pháp lý - Ảnh minh họa: ITN

Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp Fintech thuộc top đầu của Việt Nam như MoMo, ShopeePay, Viettel Money thông qua ví điện tử đã cung cấp đa dạng các dịch vụ bao gồm thanh toán hóa đơn, các dịch vụ thiết yếu phục vụ đời sống và chuyển tiền. Các ví điện tử đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các giao dịch không dùng tiền mặt và giúp người dân trước đây gặp khó khăn khi tiếp cận dịch vụ ngân hàng có thể sử dụng các dịch vụ thanh toán, tài chính.

Tuy nhiên, với mô hình hiện tại, các công ty Fintech chỉ được giới hạn trong lĩnh vực thanh toán, trong khi có tiềm năng rất lớn khi phối hợp với ngân hàng để cung cấp các dịch vụ tài chính số vi mô, đặc biệt là mô hình ngân hàng số để phục vụ các đối tượng yếu thế theo xu hướng chung của thế giới.

Theo nghiên cứu của Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) mới đây, một số dịch vụ mà ngân hàng số các nước đang thực hiện gồm nhận tiền gửi nội tệ - rút tiền mặt; cho vay; nhận và đổi ngoại tệ… hiện nay ở Việt Nam đều chưa được thử nghiệm và thực hiện…

Nhìn nhận về thực tế đã nêu, không ít ý kiến cho rằng, vướng mắc lớn nhất của các doanh nghiệp Fintech là khung pháp lý. Các quy định pháp lý cần được phát triển theo hướng rõ ràng và nhất quán nhằm khuyến khích đổi mới sáng tạo, đồng thời quản lý rủi ro liên quan đến các công nghệ tài chính mới. Đáng chú ý, Việt Nam đang nỗ lực thiết lập một cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox).

Một cơ chế thử nghiệm có kiểm soát sẽ bảo đảm các công ty Fintech có thể đổi mới sáng tạo một cách có trách nhiệm, theo hướng ứng dụng công nghệ để cung ứng dịch vụ tài chính toàn diện cho các nhóm đối tượng yếu thế - Đây là cơ sở để khuyến khích sự hợp tác giữa các tổ chức tài chính truyền thống và doanh nghiệp Fintech, giúp hai bên tận dụng những lợi thế của nhau.

Về vấn đề này, TS Phạm Minh Tú - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá, khuôn khổ pháp lý chưa bắt kịp sự xuất hiện của các sản phẩm dịch vụ tài chính, tổ chức cung ứng mới.

“Các sản phẩm dịch vụ tài chính số cần được đa dạng hóa, thiết kế phù hợp hơn để đáp ứng nhu cầu của một số phân khúc khách hàng là đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện”, TS Phạm Minh Tú phân tích.

Đồng thời cho rằng, vấn đề là do khung pháp lý chưa hoàn thiện, nên bản thân các tổ chức cung ứng dịch vụ cũng rất dè dặt trong việc phát triển và mở rộng các sản phẩm dịch vụ. Vì vậy, các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam cần phải bổ sung, chỉnh sửa để phù hợp với xu thế phát triển tài chính toàn diện số.

Cần đẩy nhanh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý đầy đủ điều chỉnh các sản phẩm dịch vụ, các tổ chức cung ứng sản phẩm dịch vụ tài chính số. Theo đó, quy định rõ các vấn đề liên quan đến sản phẩm dịch vụ tài chính số, tổ chức cung ứng; hoàn thiện quy định cho hoạt động Fintech (sớm ban hành Nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng); tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt…

Đồng quan điểm, để phát triển thị trường Fintech, đại diện Công ty CP Tư vấn EY Việt Nam cũng khuyến nghị, đối với cơ quan quản lý Nhà nước, cần thúc đẩy việc xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số trong ngành ngân hàng, trong đó, cần chú ý đến việc áp dụng các thông lệ quốc tế; sớm ban hành cơ sở pháp lý cho sandbox dựa trên cơ sở pháp lý là Luật Các tổ chức tín dụng 2024. Đặc biệt, cần nâng cao cơ sở hạ tầng công nghệ như hạ tầng mạng để bảo đảm internet tốc độ cao, có hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây bảo mật cho ngân hàng và công ty Fintech.

Gia Nguyễn