Công nghệ

Trợ lý ảo: Bước tiến mới trong kỷ nguyên số

Bùi Hiền - Hải Ngân 16/12/2024 00:05

Trợ lý ảo đang là vấn đề nổi bật được các ban ngành, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu quan tâm, giúp con người làm việc hiệu quả, tiết kiệm thời gian, chi phí…

Trợ thủ đắc lực

Là những tập đoàn lớn trong chuyên về đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực Viễn thông và Công nghệ thông tin tại Việt Nam, những năm gần đây, VNPT và Viettel đã phát triển, sử dụng trợ lý ảo để tương tác với khách hàng, giải đáp về dịch vụ viễn thông, tài chính số, giao thông.

Ông Lê Anh Văn - Giám đốc Nền tảng VNPT Generative AI chia sẻ: “VNPT AI đã và đang triển khai giải pháp trợ lý ảo GenAI cho nhiều đối tác doanh nghiệp, khu vực công cũng như ứng dụng trong chính nội bộ tập đoàn VNPT. Tại các doanh nghiệp, trợ lý ảo GenAI đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý khối lượng thông tin lớn, tự động tìm kiếm và tổng hợp dữ liệu từ nhiều nguồn chính thống khác nhau. Điều này không chỉ giúp nhân viên ra quyết định nhanh chóng chính xác hơn mà còn hỗ trợ đắc lực trong việc đào tạo nhân sự mới, phân tích dữ liệu, nâng cao chất lượng phục vụ cá nhân, doanh nghiệp”.

hai-phong-xay-dung-chinh-quyen-so.jpg
Các tỉnh, thành phố đã bắt đầu triển khai xây dựng chính quyền số, đưa trợ lý ảo, công nghệ vào giải quyết thủ tục hành chính công

Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam luôn xác định mục tiêu phát triển mãnh mẽ kinh tế số, chính quyền số tạo nền tảng thúc đẩy phát triển, tăng giá trị tăng trưởng mới cho các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội. Đồng thời, cũng từng bước đưa kinh tế số, chính quyền số giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng kinh tế của các tỉnh, thành trên cả nước. Đây cũng là cơ hội để tháo gỡ các điểm nghẽn cũng như tạo đột phá trong phát triển, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực và quốc tế trong thời gian tới.

Để hiện thực hóa mục tiêu, Việt Nam đã và đang nghiên cứu ứng dụng trợ lý ảo trong xử lý các thủ tục hành chính, kinh doanh… góp phần tạo ra bước tiến mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Đánh giá về tầm quan trọng của trợ lý ảo, ông Arnaud Ginolin - Giám đốc Điều hành kiêm Đối tác tại Tập đoàn Tư vấn Boston (BCG) cho biết: “Khả năng phổ biến ứng dụng trợ lý ảo với người dân là rất nhanh chóng. Như với OpenAI chỉ mất 2 tháng để đạt được 1 triệu người dùng và sau đó có tốc độ phát triển rất nhanh, vượt xa các ứng dụng như Tiktok hay Instagram. Do vậy, nếu đưa trợ lý ảo vào khu vực công như xây dựng chính sách, giám sát, lấy ý kiến cộng đồng, thực thi pháp luật… sẽ rất hiệu quả. Trợ lý ảo sẽ đảm bảo được sự minh bạch và công khai thông tin, nhanh chóng phát hiện ra các lỗi hệ thống và có phương án xử lý, khắc phục ngay”.

Triển khai từng bước

Theo các chuyên gia nhận định, để đưa trợ lý ảo vào doanh nghiệp, khu vực công nên bắt đầu với quy mô nhỏ, tiến hành từng bước để vừa thử nghiệm, vừa rút kinh nghiệm. Đồng thời, cũng phải hoàn thiện thêm các cơ chế, chính sách nhằm phổ biến rộng rãi việc sử dụng trợ lý ảo trong khu vực hành chính công…

Ông Arnaud Ginolin cho rằng, Chính phủ có thể đẩy nhanh việc áp dụng trợ lý ảo bằng cách phát triển chiến lược và năng lực trên nhiều phương diện. Trong đó, mỗi chính phủ cần phải có một chiến lược tổng thể về phát triển trợ lý ảo, tiếp đó đưa ra các trường hợp nào thì được sử dụng trong Chính phủ, trường hợp nào cho khu vực tư nhân. Sau đó là xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng đội ngũ nhân lực tiếp cận và sử dụng trợ lý ảo. Cuối cùng, là phải xây dựng, phát triển quy định và quy tắc để quản trị dữ liệu.

“Tuy nhiên, khi xây dựng cơ sở hạ tầng, chúng ta lên bắt đầu tư quy mô nhỏ, trong một vài lĩnh vực, rồi từ đó phát triển lên để tránh sự quá tải về nguồn lực và kinh phí”, ông Arnaud Ginolin nhấn mạnh.

Còn ông Lê Anh Văn cho biết: “Để thúc đẩy hiệu quả triển khai các dự án trợ lý ảo, chúng tôi xin đề xuất một số kiến nghị mang tính chiến lược đối với các bộ, ban, ngành liên quan về cơ chế, chính sách hỗ trợ. Đầu tiên, phải hoàn thiện khung pháp lý cho việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào lĩnh vực hành chính và dịch vụ công. Cần có những hướng dẫn cụ thể về bảo mật, bảo vệ dữ liệu người dùng để tăng niềm tin của các tổ chức khi triển khai trợ lý ảo. Đặc biệt, việc ban hành các quy chuẩn, thông tư hướng dẫn về cách thức, quy trình ứng dụng AI vào các tổ chức, doanh nghiệp sẽ tạo bản lề vững chắc cho các bên khi cùng nhau phối hợp thực hiện các dự án AI. Song song với đó, việc xây dựng và chia sẻ các bộ dữ liệu mở tiếng Việt chất lượng cao cũng là một yếu tố quan trọng trong thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng các trợ lý ảo”.

Cũng theo ông Văn, dữ liệu có ảnh hưởng lớn tới mức độ tin cậy của các mô hình AI, do đó, các cơ quan nhà nước nên thúc đẩy việc xây dựng kho dữ liệu mở cho từng chuyên ngành và tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn dữ liệu này, từ đó cải thiện chất lượng và tính hiệu quả của các trợ lý ảo. Việc phát triển AI có chủ quyền được huấn luyện trên dữ liệu Việt Nam và phù hợp với văn hóa, ngôn ngữ Việt sẽ giúp đảm bảo an ninh quốc gia, tính tự chủ về công nghệ, đồng thời tạo ra các giải pháp AI thực sự đáp ứng nhu cầu đặc thù của người dùng trong nước.

tro-ly-ao.jpg
Trợ lý ảo/AI được tạo ra giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân lực… cho các tổ chức hành chính công, doanh nghiệp, người dân

“Cuối cùng, việc tăng cường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về AI là điều không thể thiếu. Chúng ta cần có chính sách thúc đẩy và hỗ trợ như: triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo; tổ chức hội thảo khoa học chuyên đề và tạo điều kiện cho các kỹ sư Việt Nam có cơ hội thử thách với những bài toán lớn, tầm cỡ quốc gia”, ông Văn cho biết thêm.

Hiện nay, Việt Nam đang ưu tiên phát triển trợ lý ảo cho từng cơ quan nhà nước, doanh nghiệp. Việt Nam cũng đã và sẽ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy các sáng kiến hợp tác khu vực và quốc tế trong lĩnh vực công nghệ số, kinh tế số, trong đó sẽ ưu tiên các chương trình hợp tác về AI, về phát triển và sử dụng trợ lý ảo. Đây sẽ là động lực phát triển mới, đưa Việt Nam sẵn sàng bước vào kỷ nguyên số trong thời gian tới đây.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số Việt Nam cho biết, Chính phủ Việt Nam đang dự thảo luật để công nhận những nguyên tắc cơ bản của AI đáp ứng nhu cầu phát triển, minh bạch, công bằng, tôn trọng quyền riêng tư, đảm bảo an ninh, kiểm soát chặt chẽ rủi ro.

“Việt Nam đã và sẽ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy các sáng kiến hợp tác khu vực và quốc tế trong lĩnh vực công nghệ số, kinh tế số, trong đó sẽ ưu tiên các chương trình hợp tác về AI, về phát triển và sử dụng trợ lý ảo”, ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Bùi Hiền - Hải Ngân