Doanh nghiệp

AI tạo sinh mở ra tương lai chuyển đổi trong ngành Công nghệ, Truyền thông và Viễn thông

Thy Hằng 16/12/2024 01:00

Theo dự báo của Deloitte, năm 2025, AI tạo sinh mở ra tương lai chuyển đổi trong ngành Công nghệ, Truyền thông và Viễn thông (TMT).

Deloitte Toàn cầu vừa công bố Báo cáo “Dự đoán Công nghệ, Truyền thông và Viễn thông (TMT) 2025” trong đó đưa ra dự báo một năm bản lề với trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI) và lĩnh vực công nghệ, truyền thông và viễn thông (TMT) – trải dài từ những thách thức kỹ thuật của ngành cho đến các quy chuẩn xã hội.

lap-trinh-vien-cong-nghe-thong-t.jpg
Theo dự báo của Deloitte, năm 2025, AI tạo sinh mở ra tương lai chuyển đổi trong ngành Công nghệ, Truyền thông và Viễn thông (TMT).

GenAI định hình lại bức tranh công nghệ

Theo đó, ngành TMT có thể sẵn sàng cho một bước tiến vượt bậc và ở vị trí thuận lợi để định hình di sản của AI trong tương lai thông qua giải quyết các thách thức cơ bản về cơ sở hạ tầng, bình đẳng giới, tiêu thụ năng lượng, niềm tin và năng lực.

Cụ thể, báo cáo của Deloitte chỉ ra rằng, GenAI thúc đẩy mức tiêu thụ năng lượng tăng vọt của các trung tâm dữ liệu, việc tiêu thụ điện của các trung tâm dữ liệu toàn cầu được dự báo sẽ tăng gấp đôi lên 4% vào năm 2030 khi mức tiêu thụ năng lượng của GenAI tăng nhanh hơn các ứng dụng khác.

Bên cạnh đó, khoảng cách trong việc chấp nhận sử dụng GenAI ở nữ giới được thu hẹp nhanh chóng: đến năm 2025, tỷ lệ trải nghiệm và sử dụng GenAI ở nữ giới được dự đoán sẽ tương đương hoặc vượt qua nam giới, tuy nhiên các công ty công nghệ vẫn cần cải thiện lòng tin, sự hiện diện của nữ giới trong các mô hình đào tạo và sự đa dạng giới trong lực lượng lao động AI.

Số doanh nghiệp sử dụng AI agent (Tác tử AI) ngày càng tăng, với 25% doanh nghiệp sử dụng GenAI được dự báo sẽ triển khai các tác tử AI vào năm 2025, tăng lên mức 50% vào năm 2027.

GenAI cũng được nhận định sẽ thiết lập cho các thiết bị thông minh hơn. Theo đó, vào năm 2025, tỷ lệ điện thoại thông minh hỗ trợ GenAI được xuất xưởng có thể vượt quá 30%, bổ sung cho khoảng 50% máy tính cá nhân có khả năng xử lý GenAI cục bộ.

Cũng theo Deloitte, trong xu hướng định hình lại thị trường viễn thông toàn cầu, các hoạt động M&A (sáp nhập và mua lại) mảng viễn thông không dây có thể gia tăng, đặc biệt là ở châu Âu, tăng cường khả năng chống chịu và cải tiến hiệu quả vận hành.

Bên cạnh đó, xu thế chuyển đổi từ dịch vụ truyền phát trực tuyến (streaming) sang các nền tảng tổng hợp khác như số lượng dịch vụ xem nội dung video trả tiền trực tuyến (SVOD) trên mỗi hộ gia đình được dự báo sẽ đạt đỉnh vào năm 2025 với bốn dịch vụ ở Mỹ và hơn 2 dịch vụ ở châu Âu, sau đó giảm trong tương lai.

“Chúng ta đang ở trước ngưỡng cửa của một kỷ nguyên phát minh mới của nhân loại và những lựa chọn phát triển và sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) của chúng ta ngày hôm nay sẽ định hình nên tương lai”, bà Ariane BUCAILLE, Lãnh đạo TMT, Deloitte toàn cầu cho biết.

Đồng thời khẳng định, trong quá trình xác định lộ trình cho GenAI, chúng ta phải phải vượt qua nhiều thách thức. Bà Ariane BUCAILLE cho rằng, bằng cách tận dụng lòng tin, tính bao trùm và tính bền vững, chúng ta cần đảm bảo rằng những tiến bộ công nghệ sẽ không những tác động tích cực đến thế hệ hiện tại mà cả các doanh nghiệp, người tiêu dùng và cộng đồng rộng lớn hơn ở thế hệ mai sau.

Trong khi đó, ông YANG Chi Chih, Lãnh đạo TMT, Deloitte Đông Nam Á nhận định, GenAI đã dân chủ hóa công nghệ AI tiên tiến bằng cách đặt nó vào tay mọi nhân viên. Dựa trên phân tích của Deloitte, 43% nhân viên trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã tận dụng GenAI, trong đó Đông Nam Á xếp thứ hai trong top 9 khu vực sử dụng nhiều GenAI nhất. Dù AI vẫn còn đang phát triển nhanh chóng, nhiều tổ chức đã khám phá cách tận dụng tối đa lợi ích của nó.

Khi GenAI định hình lại bức tranh công nghệ, thành công lúc này không chỉ phụ thuộc vào công nghệ đơn thuần mà còn bị tác động bởi khả năng tận dụng các công cụ để tăng cường khả năng của nguồn nhân lực. “Chúng tôi nhận thấy một cơ hội quan trọng cho các công ty viễn thông và công nghệ ở Đông Nam Á để chuyển đổi năng lực của lực lượng lao động thông qua việc xây dựng năng lực chiến lược và hướng tới mục tiêu khai thác năng lực AI. Tương lai thuộc về các tổ chức không chỉ đưa năng lực AI vào các quy trình hiện tại mà còn trao quyền cho nguồn nhân lực, hỗ trợ đổi mới và thích ứng trong quá trình chuyển đổi lấy AI làm trọng tâm,” ông YANG Chi Chih cho biết.

Cũng theo báo cáo của Deloitte, khi được hỗ trợ bởi các công nghệ tiên tiến phát huy chuyển đổi năng lượng sạch, GenAI được dự báo làm tăng gấp đôi mức sử dụng năng lượng của trung tâm dữ liệu trên toàn cầu.

Theo đó, Deloitte dự đoán rằng mức tiêu thụ điện của trung tâm dữ liệu toàn cầu có thể tăng gấp đôi lên 1.065 terawatt giờ (TWh) vào năm 2030 – tương đương 4% tổng mức tiêu thụ năng lượng toàn cầu trong bối cảnh công tác thiết kế và xây dựng ứng dụng GenAI cần sử dụng nhiều năng lượng tiếp tục phát triển nhanh hơn các ứng dụng khác.

Các công ty công nghệ – bao gồm các nhà cung cấp dịch vụ đám mây, công ty bán dẫn và nhà khai thác trung tâm dữ liệu – có thể góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch và hạn chế mức điện sử dụng gia tăng. Họ có thể tận dụng các nguồn tài chính đáng kể mà các đối tác của họ có thể đang thiếu. Các tập đoàn công nghệ lớn đang tích cực đầu tư vào chip hoạt động hiệu quả hơn, các giải pháp làm mát sáng tạo, thiết kế tiết kiệm năng lượng và nguồn năng lượng không carbon với cam kết đạt được mục tiêu cân bằng phát thải carbon. Deloitte dự đoán rằng những sự hợp tác này có khả năng làm giảm thiểu tác động năng lượng của GenAI, nhiều sáng kiến nghiên cứu và phát triển liên quan và các chương trình thí điểm dự kiến sẽ mất nhiều năm để mang lại kết quả hữu hình và lợi tức đầu tư.

Một xu hướng khác cũng được báo cáo chỉ ra, tuy tỷ lệ sử dụng GenAI ở nữ giới dự kiến sẽ cân bằng với nam giới vào năm 2025 tại Mỹ, vẫn còn đó khoảng cách tại các thị trường trên toàn cầu.

Deloitte dự đoán việc thử nghiệm và sử dụng GenAI của nữ giới sẽ cân bằng hoặc vượt qua nam giới vào cuối năm 2025 ở Mỹ. Trong năm 2023, tỷ lệ sử dụng GenAI ở nữ giới chỉ bằng một nửa so với nam giới. Tuy nhiên, tỷ lệ nữ giới ở Mỹ áp dụng GenAI đã tăng gấp ba lần, vượt xa tốc độ tăng trưởng 2,2 lần ở nam giới trong năm vừa qua. Trên toàn cầu, khoảng cách giữa hai giới dự kiến sẽ được thu hẹp với các tỷ lệ khác nhau, con số tương đương có thể đạt được ở một số quốc gia và khu vực vào năm 2025 trong khi phần còn lại sẽ ghi nhận được vào năm 2026.

“Mặc dù việc áp dụng GenAI ở nữ giới có mức cải thiện rất hứa hẹn, việc giải quyết sự mất cân bằng ở hai giới hiện nay sẽ đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn. Phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ đang sử dụng GenAI nhiều hơn so với các đồng nghiệp nam cho các công việc hàng ngày, đây có thể là một nhóm quan trọng để giúp thúc đẩy sự thay đổi. Các công ty công nghệ cần gia tăng niềm tin, giảm sự thiên vị và phấn đấu vì một lực lượng lao động GenAI đa dạng hơn, bao gồm ban lãnh đạo cao cấp nhằm đảm bảo rằng tất cả cán bộ nhân viên đều có thể tham gia đầy đủ và hưởng lợi từ các công nghệ GenAI trên toàn tổ chức. Nhờ đó các công ty có thể mở khóa cho sự đổi mới và cả tệp người tiêu dùng rộng lớn hơn nhằm đảm bảo các sản phẩm và dịch vụ công bằng và hiệu quả trên toàn cầu”, bà Gillian CROSSAN, Lãnh đạo ngành công nghệ, Deloitte toàn cầu cho biết.

Tăng thêm 25% doanh nghiệp ứng dụng tác tử AI

Deloitte dự đoán rằng 25% doanh nghiệp sử dụng GenAI dự kiến sẽ ứng dụng các tác tử AI vào năm 2025 và tăng lên 50% vào năm 2027. Sự phát triển của các tác tử AI – giải pháp phần mềm được thiết kế để hoàn thành nhiệm vụ với sự can thiệp tối thiểu của con người, sẽ được thúc đẩy bởi sự đổi mới từ cả các start-up và các tập đoàn, công ty lớn trong ngành nhằm xác định các cơ hội kinh doanh mới.

tri-tue-nhan-tao-ai-la-gi-cac-ung-dung-va-tiem-nan-7-800x450.jpg
Deloitte dự đoán rằng 25% doanh nghiệp sử dụng GenAI dự kiến sẽ ứng dụng các tác tử AI vào năm 2025 và tăng lên 50% vào năm 2027.

Được xây dựng trên các mô hình ngôn ngữ lớn, các tác tử AI có tính linh hoạt và khả năng ứng dụng trong nhiều trường hợp hơn so với các phương pháp học máy hoặc deep learning truyền thống. Với mục tiêu là tạo ra các tác tử AI tự chủ và đáng tin cậy, Deloitte kỳ vọng sẽ chứng kiến những cải thiện đáng kể về năng lực của tác tử AI vào năm 2025 khi các công nghệ này phát triển nhanh chóng, với việc thí điểm có chứng minh ở một số thị trường. Trong khi những đơn vị tiên phong sẽ phải chật vật trong việc xử lý sự phức tạp và các thách thức mới, tầm nhìn dài hạn vẫn cho thấy sự hấp dẫn cần thiết để các tổ chức chủ động chuẩn bị cho việc áp dụng ngay từ bây giờ. Sự biến chuyển này sẽ cho phép các tác tử AI xử lý phạm vi ứng dụng rộng hơn, cung cấp cho các doanh nghiệp các công cụ tiên tiến nhất trong nhằm gia tăng năng suất cũng như cải tiến hiệu quả và hiệu suất vận hành.

Với điện thoại thông minh và máy tính cá nhân thử nghiệm sức mạnh của GenAI, khi các nhà sản xuất điện thoại thông minh và máy tính cá nhân đặt mục tiêu thổi bùng lại sự phấn khích của người tiêu dùng, Deloitte dự báo rằng vào năm 2025, số lượng điện thoại thông minh hỗ trợ GenAI sẽ vượt quá 30%. Máy tính cá nhân có khả năng xử lý GenAI cục bộ sẽ chiếm khoảng 50%, tăng từ 30% vào năm 2024.

Năm 2025 là một năm bản lề để đánh giá giá trị và sự toàn diện của các chức năng GenAI thế hệ đầu. Mặc dù Deloitte dự đoán lượng điện thoại thông minh toàn cầu sẽ tăng 7% vào năm 2025 (từ 5% trong năm 2024), nhưng tác động doanh thu sẽ cao hơn khi người tiêu dùng mua điện thoại thông minh cao cấp giá cao hơn được trang bị các tính năng GenAI tiên tiến. Tuy nhiên thời gian sẽ kiểm chứng mức độ tiếp nhận của người dùng với các tính năng mới mà các nhà cung cấp đang hy vọng thúc đẩy doanh số bán hàng đến mức nào.

Về các thương vụ M&A ngành viễn thông định hình lại thị trường toàn cầu, Deloitte dự đoán sẽ có một sự tăng tốc trong việc thực hiện các thương vụ hợp nhất viễn thông không dây, đặc biệt là ở châu Âu, bắt đầu và tiếp diễn từ năm 2025, tạo ra một hệ sinh thái không dây khả thi và bền vững hơn, đặc biệt là ở các thị trường nhỏ hơn.

Trong khi Deloitte dự báo rằng tổng số thương vụ M&A vẫn sẽ ổn định ở mức khoảng 400, trọng tâm của các thương vụ sẽ chuyển sang hợp nhất ở cấp thị trường khi các công ty viễn thông nhỏ hơn được nằm trong tầm ngắm của những tập đoàn lớn. Kể từ năm 2020, 13 thương vụ sáp nhập viễn thông đã được phê duyệt hoặc đang được xem xét, bao gồm 6 ở châu Mỹ, 5 ở châu Á - Thái Bình Dương và 2 ở châu Âu.

“Khi các công ty tìm cách sáp nhập để thúc đẩy giá trị, họ cần ghi nhớ các nguyên tắc cơ bản trước khi có khả năng đầu tư hàng nghìn tỷ đô la vào các thương vụ. Ở Đông Nam Á gần đây đã có những câu chuyện thành công khi M&A đã dẫn dắt đến tăng trưởng doanh thu bền vững, cải thiện giá trị cổ đông cũng như sự phối hợp trong chi tiêu vốn và hoạt động của mạng lưới. Điểm chung đằng sau những thành công này rất rõ ràng: sự liên kết giữa các yếu tố cốt lõi như giá trị, mục tiêu và văn hóa trên toàn tổ chức, xây dựng một hệ sinh thái liền mạch liên quan đến các bên liên quan, đối tác bên ngoài và nhân viên, và thực hiện chiến lược giao dịch nhanh và chính xác”, Piyush JAIN, Lãnh đạo Chiến lược, Rủi ro và Giao dịch ngành TMT, Deloitte Đông Nam Á cho biết.

Bên cạnh đó, sau khi đạt đỉnh với thống kê khoảng bốn thuê bao cho mỗi người dùng ở Mỹ và hơn 2 thuê bao ở hầu hết các thị trường châu Âu vào năm 2024, Deloitte dự đoán rằng “SVOD stacking” – xu hướng đăng ký nhiều dịch vụ video theo yêu cầu riêng lẻ – đã đạt điểm giới hạn và sẽ bắt đầu giảm vào năm 2025. Mặc dù số đăng ký độc lập dự kiến sẽ giảm, doanh thu SVOD vẫn có thể tăng khi các nhà cung cấp thực hiện tăng giá, thắt chặt chính sách chia sẻ mật khẩu và tăng cường các tùy chọn gói mua.

Deloitte dự báo rằng thị trường sẽ ổn định chỉ với hai hoặc ba nhà cung cấp SVOD độc lập trực tiếp cho người tiêu dùng trên mỗi thị trường, được bổ sung bởi các nhà tổng hợp. Tương đồng với mô hình truyền thống của các nhà cung cấp truyền hình trả tiền, Deloitte cũng dự báo sự hồi sinh của nền tảng phát trực tuyến tổng hợp, nơi các bên trung gian như các tập đoàn viễn thông, truyền hình trả tiền và nền tảng công nghệ sẽ hợp nhất nhiều nguồn nội dung thành các dịch vụ duy nhất. Sự thay đổi này có thể cắt giảm chi phí và tạo nên một hệ sinh thái phát trực tuyến bền vững hơn.

“Sự dịch chuyển này, từ một mô hình đầy hứa hẹn, lấy người dùng làm trung tâm sang một trải nghiệm phức tạp, phân mảnh đã kêu gọi cho một sự trở lại mang tính tổng hợp, thể hiện lại sự đơn giản và khả năng tiếp cận đã thúc đẩy cuộc cách mạng phát trực tuyến từ lúc ban đầu”, Kevin WESTCOTT, Lãnh đạo ngành Viễn thông, Truyền thông & Giải trí, Deloitte toàn cầu cho biết.

Đồng thời hy vọng sẽ chứng kiến một kỷ nguyên mới của dịch vụ streaming, một kỷ nguyên ưu tiên trải nghiệm người dùng và sự đổi mới. Tương lai của truyền phát trực tuyến được hỗ trợ bởi AI nằm ở các nền tảng có thể dự đoán sở thích cá nhân, mang đến nội dung được tùy chọn riêng và làm mờ đi ranh giới giữa trải nghiệm xem truyền thống và tương tác.

Thy Hằng