Tâm điểm

Kinh tế tuần hoàn và vai trò dẫn đường của Nhà nước

PGS.TS. Bùi Thị Mai Hoài - Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh 15/12/2024 11:39

Để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn được coi là công cụ quan trọng và Nhà nước đóng vai trò là người dẫn đường.

Thiet ke ben vung 1 (1)

Kinh tế tuần hoàn không đơn thuần chỉ là “tái chế”, mà nội hàm rộng hơn với một hệ thống các “vòng tròn lặp”. Và để hệ thống “vòng tròn lặp” đó vận hành trơn tru đòi hỏi phải có sự tham gia đóng góp của tất cả các nhóm chủ thể trong xã hội.

Kinh tế tuần hòa không đơn thuần “tái chế”

Kinh tế tuần hoàn muốn phát triển đầu tiên Nhà nước phải đóng vai trò lãnh đạo và dẫn đường. Thông qua thuế và chi tiêu công, cũng như các qui định và các chính sách khác (kể cả truyền thông và giáo dục), Nhà nước có thể tác động, điều chỉnh hành vi sản xuất của các doanh nghiệp và quyết định tiêu dùng của công chúng hướng đến thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Chẳng hạn thông qua thuế - phí hợp lý kết hợp truyền thông và giáo dục, Nhà nước có thể làm cho người tiêu dùng phải cân nhắc, suy nghĩ lại, giảm thiểu hoặc thậm chí từ chối tiêu dùng một số sản phẩm và dịch vụ. Với việc tái sử dụng, sữa chữa, tân trang, tái sản xuất, tái sử dụng với mục đích khác, tái chế, thu hồi năng lượng, khu vực doanh nghiệp sẽ đóng vai trò là chìa khóa vì hoạt động của khu vực này gắn liền với chuỗi giá trị sản xuất và cung ứng.

Lúc này, thiết kế bền vững trở thành giai đoạn hết sức quan trọng, nó bao hàm thiết kế kết cấu sản phẩm, lựa chọn các nguyên liệu, phụ liệu đầu vào, và công nghệ sản xuất thích hợp nhất để đạt được tính bền vững. Hay nói cách khác, thiết kế bền vững là đưa tính bền vững vào toàn bộ vòng đời sản phẩm, để đạt được sự cân bằng tối ưu giữa ba mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường.

Như vậy, ở đây vai trò dẫn đường của Nhà nước lại nổi lên rất rõ. Chính sách thuế - phí, chi tiêu ngân sách, chính sách thúc đẩy đổi mới công nghệ, nghiên cứu và phát triển cần được thiết kế sao cho vừa tạo sức ép, vừa tạo động lực và điều kiện thúc đẩy các doanh nghiệp thực hành thiết kế và kinh doanh bền vững.

Chính sách nào cho doanh nghiệp?

Trong bối cảnh này, việc doanh nghiệp vận dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn không chỉ là hành động thích ứng với chiến lược và các chính sách của Chính phủ, mà còn giúp các doanh nghiệp định vị thương hiệu, tăng cường khả năng cạnh tranh và khả năng chịu đựng trước những biến đổi từ bên ngoài.

Bằng cách áp dụng các mô hình tuần hoàn, doanh nghiệp có thể giảm thiểu chi phí sản xuất, tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, và tạo ra giá trị gia tăng từ việc tái chế và tái sử dụng vật liệu. Kinh tế tuần hoàn cũng mở ra các cơ hội mới trong việc phát triển sản phẩm, dịch vụ và thị trường cho doanh nghiệp

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư tác động, xã hội dân sự và các đơn vị giáo dục cũng đóng vai trò đáng kể trong sự chuyển đổi mô hình kinh tế.

Trong bức tranh chung như vậy, với các rào cản xuất hiện trong thực tế, chủ trương thực hiện chuyển đổi từ kinh tế truyền thống sang kinh tế tuần hoàn của Chính phủ rất đáng hoan nghênh. Đặc biệt, Tổng Bí thư cũng đã chỉ đạo: “Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và bền vững đất nước, củng cố tiềm lực quốc gia. Xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển đất nước, đặc biệt là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện đại, hội nhập; huy động tối đa nguồn lực xã hội cho sự nghiệp phát triển bền vững đất nước, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Do vậy, cần phải lồng ghép chiến lược phát triển bền vững như một định hướng lớn vào trong văn kiện đại hội 14 của Đảng và chỉ đạo xuyên suốt. Về phía Nhà nước, cần thiết phải lồng ghép và cụ thể hóa các mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn vào trong tất cả các chính sách, luật liên quan để đảm bảo sự nhất quán và đồng bộ hóa. Gợi ý này nhằm xử lý rào cản -thiếu nhất quán và rõ ràng về chính sách, thủ tục phức tạp được ghi nhận.

Ngoài ra, cần đưa nội dung về kinh tế tuần hoàn vào các quy hoạch, kế hoạch hành động, lộ trình thực hiện có liên quan đến doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ để đảm bảo phát huy vai trò của doanh nghiệp là chủ thể đóng góp quan trọng vào sự chuyển đổi.

Với đặc thù doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tới 98% số lượng các doanh nghiệp, việc tập trung tháo gỡ các rào cản gắn với đặc thù doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ là cách để phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, dẫn đường của Nhà nước trong thúc đẩy sự chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn cho bối cảnh Việt Nam. Kế đến, với thực trạng, nhận thức về kinh tế tuần hoàn chưa cao, thiếu vốn và công nghệ, quản trị và điều hành theo “lối mòn” của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam, Nhà nước cần có các chiến lược chính sách hỗ trợ hiệu quả và thiết thực nhằm nâng cao nhận thức về kinh tế tuần hoàn, nâng cao kiến thức, kỹ năng và chuyên môn chuyên sâu về sản xuất dựa trên sinh học, tăng khả năng tiếp cận vốn và đổi mới công nghệ, cải thiện quản trị doanh nghiệp theo hướng bền vững.

Trước rào cản văn hóa - tiêu dùng theo hướng tiện lợi, cần tích hợp quan điểm và chiến lược toàn dân tiêu dùng bền vững vào văn kiện đại hội 14 của Đảng. Đối với Chính phủ, bên cạnh các chính sách thuộc về cơ chế giá như thuế, phí, trợ cấp, cũng cần thiết lập chính sách giáo dục từ sớm để thay đổi nhận thức và phát triển văn hóa tiêu dùng có trách nhiệm.

PGS.TS. Bùi Thị Mai Hoài - Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh