Tua đồng hồ công-tơ-mét ô tô từ 500.000 km về 100.000 km, để lừa bán xe
Vấn nạn tua đồng hồ công-tơ-mét ô tô đã qua sử dụng tại Việt Nam ngày càng nhức nhối, có thể gây ra những nguy hiểm khôn lường.
Nhức nhối một vấn nạn
Anh Trần Quang Hiệu thường trú tại tổ 1, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, vừa trở thành nạn nhân của vấn nạn tua đồng hồ công-tơ-mét ô tô. Qua giới thiệu, anh có mua chiếc Toyota Fortuner đời 2016, số sàn, máy dầu, của người có tên Bùi Quang Hợp, thường trú tại phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Theo chỉ số trên đồng hồ, chiếc xe đã chạy hơn 100.000 km. Vì tin người nên anh Hiệu không kiểm tra cụ thể. Đến khi mua bán xong, anh mang xe vào đại lý Toyota chính hãng để bảo dưỡng, kiểm tra tại đây thì phát hiện quãng đường thực sự chiếc xe này đã đi là hơn 500.000 km. Anh Hiệu cho biết do tin tưởng chiếc xe mới chạy hơn 100.000 km nên mua với giá 510 triệu đồng, nhưng với hơn 500.000 km đã đi trên thực tế, thì chiếc xe này chỉ đáng giá khoảng 450 triệu đồng. Quay lại tìm người bán xe nói chuyện thì bị phủi tay, vì đã mua bán xong, chỉ chấp nhận trả lại 10 triệu đồng.
Tôi không chỉ bị thiệt hại số tiền khoảng 50 triệu đồng mà còn chịu thêm những mối lo ngại khác. Chiếc xe đã quá cũ sẽ phải tốn thêm chi phí sửa chữa bảo dưỡng thay thế phụ tùng. Hơn nữa, chiếc xe này có thể gây tai nạn khi tham gia giao thông, do quá cũ và không được bảo dưỡng đúng quy định. Vấn nạn tua đồng hồ công-tơ-mét ô tô ngày càng tràn lan, khiến những khách hàng mua xe không có kinh nghiệm rất dễ bị lừa, gánh chịu những hậu quả tệ hại, anh Hiệu nói.
Theo ông Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và sửa chữa ô tô QĐ 361 (Hà Nội), chiêu trò tua đồng hồ công-tơ-mét ô tô đã qua sử dụng tại Việt Nam thật sự đáng báo động. Cứ vào mạng internet sẽ thấy, có hàng loạt các cơ sở mời chào công khai về dịch vụ tua công tơ mét cho những người có nhu cầu với mục đích bán xe cũ được giá cao.
Tua đồng hồ công-tơ-mét là hành động thay đổi số km mà xe đã chạy, khiến chiếc xe trông như ít sử dụng hơn so với thực tế. Điều này giúp tăng giá trị xe cũ khi tham gia giao dịch. Thao tác này có thể thực hiện dễ dàng nhờ vào sự phát triển của công nghệ và các thiết bị chuyên dụng. Chỉ với vài trăm ngàn đồng, người ta có thể tua công-tơ-mét một cách nhanh chóng, ông Tuấn Anh cho biết.
Hệ lụy là người mua không thể đánh giá đúng chất lượng xe, dẫn đến nhiều rủi ro khi sử dụng. Tua công-tơ-mét không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn gây ra những nguy hiểm khó lường. Người tiêu dùng ngoài việc phải trả giá cao cho một chiếc xe có giá trị thực sự thấp hơn, có thể sẽ phải tốn thêm chi phí sửa chữa và bảo dưỡng. Đáng lo ngại hơn là việc tua công-tơ-mét sẽ khiến lịch trình bảo dưỡng và thay thế phụ tùng không được thực hiện đúng thời điểm, có nguy cơ dẫn đến tai nạn nghiêm trọng.
Không phải khách hàng nào cũng đủ kiến thức, kinh nghiệm để nhận ra chất lượng còn lại của 1 chiếc ô tô đã qua sử dụng. Vì vậy, họ thường nhìn vào con số km đã đi trên đồng hồ để đánh giá. Nhìn thấy xe chỉ chạy vài vạn km thì nghĩ là còn mới, yên tâm mua về sử dụng. Nếu gặp phải chiếc xe đã đi hàng chục vạn km nhưng tua công-tơ-mét về còn vài vạn thì máy móc, gầm bệ có thể đã xuống cấp nghiêm trọng, đi tốc độ cao rất nguy hiểm. Việc tua công tơ mét không chỉ là hành vi lừa đảo mà còn gây nguy hiểm tiềm ẩn cho người tham gia giao thông, ông Tuấn Anh bổ sung.
Làm gì để ngăn chặn?
Vấn đề tua công-tơ-mét không phải chỉ tồn tại ở Việt Nam mà còn xuất hiện ở nhiều quốc gia khác.
Tại Mỹ, chính quyền liên bang đã phải ban hành quy định nghiêm ngặt về việc này. Theo luật liên bang Mỹ, bất kỳ ai tham gia vào việc thay đổi hoặc làm giả số km đều có thể bị phạt tù hoặc phạt tiền nặng. Ngoài ra, các công cụ như Carfax và AutoCheck sẽ cung cấp thông tin lịch sử chi tiết của xe, giúp người mua dễ dàng kiểm tra xem số km hiển thị có chính xác hay không.
Theo Luật gia Phan Văn Tân, Hội Luật gia Việt Nam, để giải quyết vấn nạn tua công-tơ-mét, các cơ quan chức năng cần ban hành quy định rõ ràng về việc xử phạt đối với các cá nhân và các cơ sở cung cấp dịch vụ này. Từ đó làm căn cứ để chế tài và ngăn chặn hành vi này. Ngoài ra, cơ quan đăng kiểm cần cập nhật tình trạng xe và số km đã chạy sau mỗi lần đăng kiểm, lên một hệ thống chung để người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra thông tin xe. Cùng với đó, cần phát triển các ứng dụng hoặc nền tảng kiểm tra lịch sử xe trực tuyến, giúp người mua dễ dàng tra cứu thông tin, tránh những rủi ro khi giao dịch. Với khách hàng là nạn nhân của vấn nạn này, có đủ bằng chứng cần tố cáo đối tượng giở chiêu trò này ra cơ quan pháp luật để xử lý.