FED sắp tiếp tục giảm lãi suất, nhiều nước rục rịch phản ứng
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chuẩn bị công bố quyết định lãi suất mới, thu hút sự chú ý đặc biệt từ giới đầu tư và các ngân hàng trung ương toàn cầu.
FED có thể tiếp tục giảm lãi suất
Theo dự báo, FED có thể giảm lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, nhấn mạnh xu hướng chính sách tiền tệ linh hoạt hơn. Xác suất cho khả năng này dựa trên giao dịch hợp đồng tương lai thị trường Mỹ lên tới 95%. Nếu đúng như dự báo, lãi suất của Mỹ sẽ dao động trong mức 4,25 - 4,5%.
Dự kiến, quyết định chính sách của FED sẽ được đưa ra vào thứ Tư tuần này, cũng là thời điểm mà áp lực lạm phát tại Mỹ và nhiều nơi khác đã giảm, tạo điều kiện cho việc nới lỏng chính sách ở hầu hết các nền kinh tế phát triển.
Ở Mỹ, PCE- chỉ số lạm phát cơ bản ưa thích của Fed sẽ được công bố vào cuối tuần này, sau quyết định lãi suất sắp tới, nhưng các dự đoán cho thấy áp lực giá cả đang giảm dần. Theo đó, Chỉ số PCE tháng 11, loại trừ thực phẩm và năng lượng, được cho sẽ chỉ tăng 0,2% — mức tăng thấp nhất trong ba tháng — theo dự báo của các nhà kinh tế. Báo cáo này cũng dự kiến cho thấy chi tiêu tiêu dùng và thu nhập tăng mạnh, gợi ý rằng nền kinh tế vẫn bền vững.
Tuy nhiên, viễn cảnh chính sách lãi suất của FED năm 2025 có thể trở nên phức tạp với sự quay lại của chính quyền ông Donald Trump, người đã hứa hẹn các biện pháp thuế quan mới có thể thúc đẩy giá hàng hóa tăng trở lại.
“Ông Trump đã hứa hẹn một loạt hành động ảnh hưởng đến lạm phát và hoạt động kinh tế, làm phức tạp nhiệm vụ của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC),” David Wilcox, Giám đốc nghiên cứu kinh tế Mỹ của Bloomberg, nhận xét.
Mức độ nghiêm túc của ông Trump đã ngày càng gia tăng gần đây, khiến các nhà hoạch định chính sách sẽ phải cân nhắc cẩn thận tốc độ điều chỉnh lãi suất.
David Wilcox cho rằng FED đang đối mặt với nhiệm vụ khó khăn. "Chính sách tiền tệ luôn có độ trễ, và các quan chức cần dự đoán trước tình hình kinh tế trong một hoặc hai năm tới. Họ cũng phải đánh giá các rủi ro từ chính sách thương mại của ông Trump.”
Các quốc gia thận trọng phản ứng
Các ngân hàng trung ương khác cũng đang theo sát FED. Ngân hàng Anh dự kiến giữ nguyên lãi suất vào thứ Năm tuần này, trong bối cảnh lo ngại về tăng trưởng và áp lực giá cả dai dẳng.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang trông chờ các tín hiệu cải thiện từ các biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ. Chính phủ Trung Quốc đang triển khai một loạt biện pháp kích thích nhằm khôi phục đà tăng trưởng, đặc biệt trong bối cảnh xuất khẩu suy giảm và nhu cầu trong nước yếu đi.
Các số liệu về sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ, dự kiến công bố vào giữa tuần, sẽ là chỉ báo quan trọng cho thấy hiệu quả của các biện pháp này. Nhiều chuyên gia kỳ vọng rằng các ngành công nghiệp chính như công nghệ cao và năng lượng sạch sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các gói đầu tư công.
Tại Nhật Bản, Ngân hàng Trung ương nước này có thể trì hoãn bất kỳ điều chỉnh lãi suất nào đến năm 2025 sau khi vừa rời khỏi giai đoạn lãi suất âm. BOJ sẽ đưa ra quyết định chính sách vào thứ Năm, sau khi Fed công bố mức lãi suất mới.
Trong khi đó, ngân hàng trung ương Hàn Quốc đang đối mặt với tình hình phức tạp sau cuộc bỏ phiếu luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol. Trong tuyên bố gần đây, ngân hàng này nhấn mạnh sự cần thiết của việc ổn định thị trường tài chính và triển khai các chính sách kinh tế một cách liên tục. Những bất ổn chính trị có thể làm chậm tốc độ phục hồi kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu công nghệ, vốn là động lực chính của nền kinh tế.
Ở Đông Nam Á, Ngân hàng Thái Lan dự kiến giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 2,25% vào thứ Tư, trong bối cảnh nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch vẫn đang phục hồi chậm. Lạm phát đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, khiến các nhà hoạch định chính sách thận trọng trong việc điều chỉnh lãi suất.
Tương tự, Indonesia và Philippines được dự báo sẽ cắt giảm lãi suất thêm 25 điểm cơ bản để hỗ trợ tăng trưởng. Việc nới lỏng này diễn ra trong bối cảnh các nền kinh tế Đông Nam Á đang đối mặt với nhu cầu xuất khẩu yếu và dòng vốn đầu tư không ổn định.