Bùng nổ lừa đảo vay tiền online dịp cuối năm
Nắm bắt tâm lý nhiều người muốn vay nhanh, thủ tục đơn giản, các đối tượng lừa đảo sử dụng thủ đoạn tinh vi với hình thức cho vay online để chiếm đoạt tài sản…
Đến hẹn lại lên, những tháng cuối năm, nhu cầu vay tiền để giải quyết công việc, mua sắm của người dân tăng cao. Nắm bắt được quy luật này, các đối tượng hoạt động "tín dụng đen" sử dụng nhiều chiêu trò mời chào, dụ dỗ người dân như "hỗ trợ tài chính", "cho vay tiêu dùng không cần thế chấp” quảng cáo trên không gian mạng hoặc dán tờ rơi… Nhiều người tưởng rằng đã liên hệ được tổ chức cho vay nhanh gọn, thủ tục đơn giản. Nhưng bất ngờ, phía sau những lời mời chào ấy là những cạm bẫy mà các đối tượng lừa đảo đã giăng sẵn.
“Cạm bẫy” giăng sẵn
Đầu tháng 12 vừa qua, anh Nguyễn Văn Hùng (trú tại quận 11, TP HCM) đã làm thủ tục vay gần 80 triệu đồng tại 1 công ty tài chính ở quận Tân Bình nhưng hồ sơ của anh không được duyệt.
Đáng chú ý, ngay sau đó 1 ngày, anh Hùng nhận được cuộc gọi từ 1 đối tượng xưng là bên công ty tài chính có trụ sở ở phường Thảo Điền, TP Thủ Đức, thông báo anh được vay tiền bên công ty của họ mà không kiểm tra tín dụng và thủ tục rất đơn giản. Do thấy đối tượng biết rõ về thông tin của mình nên anh Hùng đã đồng ý vay.
Sau đó, đối tượng yêu cầu anh kết bạn qua zalo để gửi đường link đăng ký và hoàn tất các thủ tục nhằm “giải ngân” khoản vay.
Đối tượng tiếp tục gửi cho anh 1 đường link nói là app của ngân hàng và yêu cầu anh Hùng tải về. Khi khai báo xong đối tượng thông báo là khoản vay đã được duyệt nhưng chưa rút được do bị sai tài khoản, muốn sửa lỗi sai đó phải nộp 20 triệu đồng. Tin lời, anh Hùng chuyển tiền xong nhưng vẫn không rút được tiền, Đối tượng tiếp tục yêu cầu anh chuyển thêm 20 triệu nữa thì mới được giải ngân. Tuy nhiên, đến lúc này, anh Hùng đã nhận ra mình bị lừa.
Cũng bị lừa với thủ đoạn tương tự, chị Nguyễn Kim An (27 tuổi, nhân vật đề nghị thay tên), ngụ quận Nam Từ Liêm, Hà Nội do cần tiền trả nợ và chi tiêu nên đã lựa chọn hình thức vay tiền online. Tuy nhiên, chị lại lựa chọn nhầm đơn vị hỗ trợ vay tiền lấy tên giả mạo một công ty tài chính bởi điều kiện chúng đưa ra quá hấp dẫn.
“Tôi thấy thông tin cho vay tiền online không cần chứng minh thu nhập, không cần tài sản đảm bảo, chỉ cần hình chụp căn cước công dân, lãi suất 8%/năm. Điều kiện và mức lãi suất này vô cùng hấp dẫn, thấp hơn cả so với ngân hàng nên đã không cảnh giác, vội vàng nhắn tin đăng ký”, chị An nói.
Nhắn tin trò chuyện và khoảng một tiếng sau, hồ sơ khoản vay 50 triệu đồng của chị An đã được phê duyệt. Kẻ gian hướng dẫn chị truy cập vào website do chúng lập ra để kiểm tra khoản vay và rút tiền về tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, thực hiện đến bước rút tiền thì không được bởi hệ thống thông báo sai số tài khoản nhận tiền. Chiêu lừa bắt đầu từ đây.
“Hệ thống thông báo tôi đăng ký tài khoản nhận tiền không chính xác dù tôi đã nhập đúng. Khi liên hệ với người hỗ trợ thì được yêu cầu đến trực tiếp văn phòng ở TP Hồ Chí Minh hoặc nộp 20% giá trị khoản vay để xác minh, sửa đổi thông tin”, chị An kể lại.
Theo chị An, kẻ gian sẽ nói địa chỉ công ty ở rất xa để người vay không thể đến trực tiếp. Khi người vay từ chối nộp tiền xác minh, kẻ gian đã tung ra chiêu trò hù dọa khiến chị An lo lắng, nhanh chóng nạp tiền.
“Họ nói số tiền đã phê duyệt dù chưa giải ngân nhưng tôi vẫn phải có trách nhiệm trả nợ. Họ yêu cầu tôi phải trả lãi hàng tháng cho số tiền này. Nếu sau 1 tháng không thanh toán sẽ đưa vào nợ xấu đồng thời đến tận địa chỉ nhà tôi đã cung cấp để thu hồi nợ”, chị An cho biết.
Sau khi chị An ngỏ ý vay mượn bạn bè nộp 20% giá trị khoản vay để xác minh, lập tức kẻ gian đã hạ giọng nhẹ nhàng cùng lời hứa xác minh xong sẽ nhận được đủ 60 triệu (gồm 50 triệu khoản vay và 10 triệu đồng xác minh).
Thế nhưng, nạp tiền thành công, thực hiện việc rút tiền thì hệ thống lại thông báo sai mật khẩu rút tiền trong khi chị An nhập chính xác. Để đổi mật khẩu rút tiền, hệ thống yêu cầu chị An phải nạp thêm 20% giá trị khoản vay.
Lúc này, phát giác được hành vi lừa đảo, chị An nói không vay nữa đồng thời yêu cầu trả lại tiền xác minh thì kẻ gian đã từ chối. Chúng vẫn thuyết phục chị An thực hiện nốt bước xác minh mật khẩu sẽ được rút tiền về. Sau nửa ngày không thuyết phục được chị An, kẻ gian đã chặn mọi liên lạc.
Nạn nhân khó “thoát”
Từ thực tế đấu tranh các vụ án liên quan đến tín dụng “đen”, trao đổi với báo chí, Thiếu tá Đoàn Văn Linh – Phòng Trọng án, Cục CSHS, Bộ Công an cho biết, hiện nay, tín dụng đen theo phương thức truyền thống cơ bản đã được Bộ Công an đấu tranh quyết liệt, có sự kiềm chế và kéo giảm. Tuy nhiên, lợi dụng sự phát triển của không gian mạng, với thủ đoạn công nghệ cao, các đối tượng chuyển hướng sang hoạt động tín dụng đen qua app trên hội nhóm tín dụng đen trên mạng xã hội.
Về thủ đoạn của nhóm đối tượng này, Thiếu tá Linh cho hay, thứ nhất các đối tượng tạo lập các app, websibe để quảng cáo cho vay, với mức lãi suất cho vay có thể ghi là đúng theo quy định của Bộ Luật Dân sự. Tuy nhiên, khi cho vay, các đối tượng từng bước nâng dần hạn mức và lãi suất cho vay lên để chiếm đoạt tiền lời bất chính.
Thứ hai, các đối tượng lợi dụng các hội nhóm trên không gian mạng. Chẳng hạn như, các hội nhóm về cung cấp tài chính hay hỗ trợ tài chính, quảng cáo các dịch vụ cho vay và mời chào dụ dỗ các nạn nhân tham gia hoạt động vay vốn.
“Một thủ đoạn nữa được các đối tượng áp dụng là, để khống chế người vay khi vay tiền buộc phải trả nợ, các đối tượng yêu cầu người vay phải cho phép app hay cung cấp cho các đối tượng thông tin cá nhân. Hiện nay có thủ đoạn yêu cầu người vay phải cài tài khoản icoud trên điện thoại iphone, để các đối tượng kiểm tra xem, điện thoại iphone đó có giá trị bao nhiêu, và căn cứ giá trị đó có thể cho vay. Khi người vay không có khả năng trả nợ, hoặc trả nợ không đúng hẹn, các đối tượng có thể khóa tài khoản icoud từ xa”- Thiếu tá Linh phân tích.
Ngoài ra, theo Thiếu tá Linh, trong quá trình cho vay, các đối tượng thường yêu cầu người vay phải cung cấp các hình ảnh mang tính chất nhạy cảm. Thậm chí, có một số đối tượng yêu cầu người vay phải quay các clip nhạy cảm. Khi người vay không trả nợ, chúng đe dọa tung các clip đó lên mạng để buộc người vay trả tiền.
“Khi người vay không còn khả năng trả nợ, trước hết, các đối tượng sẽ gọi điện đe dọa dựa trên những thông tin mà người dân cung cấp. Có thể gọi điện cho người vay hàng ngày và chửi bới, lăng mạ. Hoặc gọi điện cho những số điện thoại của người thân, lãnh đạo, đồng nghiệp của người vay đó gây phiền hà. Cùng với đó, các đối tượng còn có thể gọi điện đe dọa cung cấp hình ảnh đó, hay những thông tin có tác động tiêu cực đến người vay lên mạng xã hội gây sức ép hoặc tạo dư luận xấu”, Thiếu tá Linh cung cấp thêm.
Nguy hiểm hơn, theo thiếu tá Linh, các đối tượng cho vay còn có thể sử dụng những hình ảnh, đặc biệt những hình ảnh nhạy cảm mà người vay cung cấp cho các đối tượng. Sau đó, chúng dùng các phần mềm, công cụ, thậm chí là sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo dựng lên hình ảnh, những clip mang tính chất vu khống, không có thật, đe dọa người vay.
Nặng hơn những đối tượng cho vay còn sử dụng những biện pháp mang tính chất vũ lực như thuê các đối tượng bôi chất bẩn, thải, hủy hoại tài sản. Thậm chí, bắt giữ đánh đập đe dọa người vay. Qua đó, ép người ta trả nợ, gây nên những vụ việc, vụ án có hiệu quả rất nghiêm trọng.