Tinh gọn phải song hành với hiệu quả
Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động. Chủ trương đề ra cần đi kèm theo các giải pháp hiệu quả.
Người đứng đầu các cơ quan hữu quan trong bộ máy đều nhấn mạnh mục tiêu và các giải pháp, song, tinh gọn và hiệu quả liệu có song hành là bài toán không dễ tìm đáp án. Đây thực sự là vấn đề khó, thậm chí rất khó. Bởi, điều đó đòi hỏi giải pháp tổng thể đồng bộ và căn cơ, để từ bỏ căn bệnh cố hữu của bộ máy, mà vì căn bệnh này mới phải có cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy!
Bắt mạch kê đơn
Truyền thông đã đăng tải nhiều thông tin nhấn mạnh mục tiêu và giải pháp của cuộc cách mạng này. Rất nhiều giải pháp được nêu ra, như "6 giải pháp tinh gọn bộ máy", "Tránh bao biện, làm thay, hoặc tồn tại song trùng"…
Song, dường như chưa “bắt mạch” đủ để “kê đơn” chuẩn, từ đó mà tìm ra “phác đồ điều trị” phù hợp với thực trạng của bộ máy. Những giải pháp có tính thiên về tinh thần, tư tưởng cũng quan trọng, như tinh gọn đòi hỏi đoàn kết, hy sinh… Những giải pháp về chính sách động viên người tài, người giỏi hay sẽ có chính sách vượt trội với người dôi dư, … Những giải pháp có khía cạnh quản lý cũng được đề cập, như theo vị trí làm việc, đánh giá năng lực tại bộ phận, qui định về quyền và nghĩa vụ của công chức, tăng cường chuyển đổi số và chính phủ điện tử, thống nhất nền công vụ từ trung ương đến địa phương, hay xóa bỏ song trùng, … Trong khi, căn bệnh cố hữu của bộ máy là quản trị kiểu không giống bất cứ đâu, mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra và chuyên gia đã đề cập rằng, cấu trúc song trùng trực thuộc thì bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng nấc và chi phí vận hành quá lớn, vượt quá sức chịu đựng của nguồn thu.
Vấn đề nằm ở chỗ, chúng ta chưa có được một triết lý chuẩn về tổ chức bộ máy. Nên có một thời, đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện phải to, dẫn đến chuyện nhập tỉnh, nhập huyện rầm rộ. Rồi lại đến thời chia tách, tạo ra quá nhiều tỉnh, nhiều huyện và nhiều xã. Giờ đây đang là việc sắp xếp, mà chủ yếu là nhập các bộ ngành, huyện, xã, phường.
Để tinh gọn được tổ chức bộ máy, luật lệ phải thay đổi, sửa chữa liên tục. Có luật mới ban hành đã sửa. Và lần này cách mạng tinh gọn bộ máy sẽ kéo theo phải điều chính cả trăm luật và vô vàn văn bản dưới luật. Cứ nhiệm kỳ Chính phủ mới là sửa luật tổ chức Chính phủ. Rồi sau đó là sửa nghị định khung về các bộ. Tương tự là sửa luật về chính quyền địa phương, nghị định khung về các sở… Có khi gần hết nhiệm kỳ, Chính phủ mới ban hành xong nghị định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của từng bộ.
Bộ máy hành chính nhà nước hiện tại là một thực thể xã hội, đang được quản trị kiểu truyền thống. Theo đó, việc giao việc theo niềm tin vào từng cá nhân con người, người đứng đầu có thể thay đổi thể thức làm việc nên không có nền nếp ổn định. Và trong bộ máy hiện đang quản trị kiểu đó, hai vai trò lãnh đạo và quản lý nhập làm một và do một người duy nhất thực hiện. Không từ bỏ kiểu quản trị đó, tất yếu bộ máy không thể đạt hiệu quả cao được. Và đây là vấn đề mấu chốt, khiến cho dù tinh gọn thì không đạt mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy, nếu không thay đổi kiểu quản trị truyền thống này.
Vì chưa từ bỏ lối quản trị truyền thống này mà bộ máy hoạt động rất kém hiệu quả, vi phạm của công chức hành chính, kể cả công chức cấp cao có tính phổ biến. Những năm gần đây, nhiều vụ nổi cộm được phản ánh trên công luận về việc các quan chức các cấp ký các văn bản hành chính môt cách tùy tiện, không phù hợp với qui định pháp luật, buộc phải xử lý. Lề lối hành xử này khiến nhiều quan chức nhà nước cấp cao vướng vào vòng lao lý. Không ít cục trưởng, thứ trưởng Bộ Công an, thứ trưởng Bộ Quốc phòng bị tuyên án tù; không ít chủ tịch, phó chủ tịch một số tỉnh, thành phố - kể cả thành phố lớn - phải ra tòa, vv …
Rõ ràng là, nếu không từ bỏ lối quản trị truyền thống này thì dù làm tinh gọn bộ máy đến đâu cũng không nâng cao hiệu quả hoạt động như kỳ vọng. Nếu muốn tinh gọn và hiệu quả song hành thì nhất thiết phải cách mạng về lối quản trị đối với cả hệ thống và từng cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống.
Bởi như thực tế, các chuyên gia dẫn liệu bộ máy của nhiều nước tinh gọn được, như Mỹ 400 người dân nuôi 1 công chức, Nhật 700 người dân nuôi 1 công chức… là nhờ họ đã từ bỏ lối quản trị truyền thống và thực hiện cuộc cách mạng về quản trị nhà nước.
Quản trị khoa học
Khoa học quản trị đã xác định có bốn cấp quản trị mọi thực thể trong xã hội, theo trình tự từ thấp lên cao: quản trị kiểu truyền thống – quản trị khoa học – quản trị tiên tiến – quản trị hiện đại.
Chỉ khi tiến tới cấp quản trị khoa học thì bộ máy và công việc sắp xếp hợp lý; qui định chặt chẽ về trình tự, thủ tục, việc phải làm; chuyên môn hóa, tập trung hóa cao. Nhờ vậy, mọi thành viên trong bộ máy ai cũng biết phải làm gì, làm như thế nào, đồng thời tạo mối tương tác hợp lý – nhịp nhàng giữa các đơn vị - cá nhân hữu quan.
Quan trọng nhất là khi đạt cấp quản trị khoa học thì hai vai trò lãnh đạo và quản lý sẽ tách rời nhau và được phân công rạch ròi để mỗi người tập trung chuyên sâu và thực hiện tốt vai trò - chức phận của mình: Người lãnh đạo là gây ảnh hưởng, xây dựng tầm nhìn, tạo ra sự thay đổi và phát triển, có tầm nhìn xa, hướng tới sự phát triển trong tương lai của tổ chức. Người quản lý tập trung chuyên lo về hiệu suất, sự ổn định của tổ chức và giải quyết các vấn đề trong hiện tại; bảo đảm tuân thủ pháp luật hành chính; đồng thời tạo một bộ máy nhân sự ổn định, quy trình làm việc hoàn chỉnh với những biểu mẫu, các hệ thống đo lường, báo cáo, giám sát rõ ràng…
Không dừng ở cấp này, để thực sự đạt mục tiêu của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, nhất thiết phải đưa việc quản trị của cả hệ thống và bộ máy lên cấp cao hơn: quản trị tiên tiến và quản trị hiện đại. Cơ hội để nâng cấp quản trị này đã có và do cơn bão của công nghiệp 4.0 tạo ra. Cơ hội này buộc bộ máy phải loại bỏ những nhân sự không thích nghi được với công nghiệp 4.0 và các ứng dụng phổ biến hiện nay.
Đây thực sự là đòi hỏi một quá trình đào tạo và sàng lọc gay gắt để nâng cấp quản trị hệ thống và bộ máy đến trình độ quản trị tiên tiến, với sự phân công chuyên môn hóa, làm theo qui chế ở mức cao và mọi hoạt động trong bộ máy đều được tiêu chuẩn hóa.
Tiến thêm bước nữa, khi đạt được cấp quản trị hiện đại thì các thành tựu của quản trị tiên tiến sẽ được các ứng dụng phổ cập khiến bô máy hoạt động có tính tự động hóa cao và loại bỏ mọi trực chắc, sai sót, vi phạm của các cá nhân, mỗi bộ phận. Phần mềm và các ứng dụng khác sẽ được sử dụng rộng rãi trong bộ máy và ở mỗi bộ phận khi thực hiện cấp quản trị hiện đại.
Hơn thế nữa, khi đạt cấp quản trị này thì ba mặt lãnh đạo - quản lý - kiểm soát trong hệ thống hay từng cơ quan của hệ thống sẽ có sự tương tác hài hòa, hoàn hảo.
Việc thực hiện các mạng về quản trị cả hệ thống và bộ máy hành chính mới giúp cho hoạt động có hiệu quả cao, ổn định, bền vững. Đó phải là một quá trình kiên định, không thể có bước đột phá và không thể nôn nóng, đốt cháy giai đoạn.
Vấn đề nóng khi tinh gọn bộ máy thì 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước về đâu? Lại về với các bộ thì phải làm sao? Tại cuộc họp ngày 10/12/2024, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phước chỉ đạo: “Phải tách quản lý Nhà nước của bộ và hoạt động 19 tập đoàn, tổng công ty”. Nguyên tắc thì như vậy, một bên thì kinh doanh, còn một bên thì quản lý nhà nước, song nếu cả hai không chuyển sang thực hiện quản trị cấp cao – quản trị khoa học, tiên tiến thì sẽ lại vẫn “đâu hoàn đấy” thôi!
Nói một cách khác, không phải chỉ sáp nhập, thu gọn một cách cơ học bộ máy, mà phải từ bỏ lối quản trị truyền thống và chuyển sang lối quản trị mới - quản trị khoa học, hiện đại.
Đó mới là giải pháp căn cơ, bảo đảm đạt mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy một cách bền vững, sau khi đã thực hiện bước tinh gọn. Nhờ thế, tinh gọn và hiệu quả mới có thể song hành, như kỳ vọng đã đặt ra của cuộc cách mạng này.