Kinh tế địa phương

Điện Biên “tăng tốc” tạo bước đột phá phát triển

Vũ Khuê 19/12/2024 21:54

Trước những thách thức chung của nền kinh tế, năm 2024 chính quyền tỉnh Điện Biên “tăng tốc” thực hiện nhiều giải pháp tạo bước đột phá phát triển kinh tế - xã hội.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này DĐDN có cuộc phỏng vấn ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên.

le thanh do
Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên

Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô cho biết, những năm qua chính quyền các cấp đã tăng cường các hoạt động gặp mặt, đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp. Tập trung lắng nghe những kiến nghị, đề xuất; nắm bắt, xử lý các khó khăn, vướng mắc TTHC các ngành, lĩnh vực của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, thu hút đầu tư của tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực, giai đoạn 2021-2024 đã thực hiện cấp Giấy chứng nhận đầu tư và Quyết định chủ trương đầu tư cho 66 dự án, với tổng mức đầu tư đăng ký trên 25.690,075 tỷ đồng. Lũy kế các dự án đầu tư đã đăng ký trên địa bàn tỉnh 212 dự án với tổng số vốn đăng ký trên 50.730,26 nghìn tỷ đồng.

- Theo các chuyên gia kinh tế, việc thu hút đầu tư của Điện Biên chưa tương xứng tiềm năng lợi thế của tỉnh. Ông nhìn nhận như thế nào về đánh giá trên?

Điện Biên có vị trí địa lý nằm ở khá xa các vùng kinh tế trọng tâm của cả nước, không có cảng biển, chưa được đầu tư xây dựng đường cao tốc (Sơn la- Điện Biên), nên khó thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư. Đặc biệt công tác thu hút đầu tư nước ngoài rất khó khăn.

Ngoài ra, nhiều quy định của pháp luật về đầu tư, quy hoạch, xây dựng, đất đai thay đổi, có nhiều điểm mới, xong vẫn còn nội dung chưa thống nhất, chưa rõ ràng gây khó khăn, lúng túng cho các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác hướng dẫn thực hiện thủ tục đầu tư, quản lý, cấp chủ trương đầu tư, thực hiện các thủ tục về giao đất, cho thuê đất, xây dựng, môi trường,...

Các dự án đầu tư vào các cụm công nghiệp (CCN) rất hạn chế, công tác chuẩn bị đầu tư hạ tầng và GPMB các gặp rất nhiều khó khăn do ngân sách tỉnh còn hạn chế, địa hình không bằng phẳng, hạ tầng khung chưa được đầu tư, do vậy rất khó khăn để thu hút các nhà đầu tư vào các Khu kinh tế cửa khẩu, CCN của tỉnh...

- Để hoá giải những thách thức trên UBND tỉnh đã chỉ đạo, đề ra những quyết sách gì trong việc định hướng các cấp các ngành hiện thực hoá giải pháp mang tính đột phá năm 2024, thưa ông?

Tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ 07 nhiệm vụ trọng tâm và 09 nhóm giải pháp chủ yếu đề ra trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2024, trong đó tập trung tạo lập môi trường kinh doanh hấp dẫn, thông thoáng, minh bạch và thân thiện cho nhà đầu tư. Nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh trong năm 2024 và những năm tiếp theo...

Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, người dân. Thực thi có hiệu quả các chủ trương, chính sách hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; Khuyến khích, hỗ trợ, tạo thuận lợi tối đa cho các hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; Tiếp tục thực hiện CCHC, huy động mọi nguồn lực để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng gắn với phát triển đô thị theo hướng hiện đại,...

Đồng thời, tỉnh phối hợp với các bộ, ban, ngành địa phương tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư trong và ngoài tỉnh, để kêu gọi, thu hút đầu tư các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài vào các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh về du lịch, nghỉ dưỡng, sinh thái hết hợp với các khu đô thị cao cấp; Năng lượng tái tạo (Điện gió, điện sinh khối, thủy điện...); Nhà máy sản xuất và chế biến Mắcca; Dự án về nông nghiệp công nghệ cao,...

Cùng với đó, tỉnh trình Chính phủ, các Bộ, Ban, ngành TƯ,... sớm đầu tư tuyến Đường Cao tốc Sơn la - Điện Biên. Đây là tuyến huyết mạch chính để kết nối tỉnh Điện Biên với các tỉnh thành trong cả nước trong việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ, tạo động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.

- Ngoài yếu tố về địa lý, hạ tầng giao thông thì cải cách TTHC là “điểm cộng” góp phần “hút” nhà đầu tư. Với Điện Biên vấn đề này được tỉnh chú trọng ra sao?

Tỉnh công khai, niêm yết TTHC, số điện thoại và địa chỉ, thư điện tử tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân, tổ chức, doanh nghiệp về TTHC. Hệ thống phần mềm một cửa điện tử được xây dựng thống nhất, tập trung tại 100% cơ quan nhà nước các cấp, kết nối, tích hợp với hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh để đăng tải công khai kết quả giải quyết TTHC và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến; đồng thời kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia và các trang thông tin điện tử của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố đáp ứng việc triển khai đưa quy trình số hóa gắn với quá trình tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh theo quy định.

- Trước làn sóng đầu tư vào Điện Biên thời gian qua, vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao đã được tỉnh tính đến, thưa ông?

Để đón làn sóng đầu tư từ trong nước và nước ngoài trong thời gian tới, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo các mục tiêu, nhiệm vụ đào tạo theo kế hoạch... Tính riêng, giai đoạn 2021 - 2023, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho trên 30.983 lao động. Trong đó, thông qua Quỹ quốc gia về việc làm là trên 6.961 lao động; Cung ứng lao động cho các doanh nghiệp ngoài tỉnh: 9.384 lao động; lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: 485 lao động; Các chương trình khác: 14.153 lao động.

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ động hợp tác, liên kết giữa hệ thống đào tạo với các khu vực tư nhân (như tăng cường đào tạo tại doanh nghiệp), tạo điều kiện để sinh viên học tập kinh nghiệm, thực tập, thực hành và đạt các kỹ năng; Đầu tư hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin giáo dục nghề nghiệp; Ứng dụng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong hoạt động đánh giá kỹ năng nghề và kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp...

- Trân trọng cảm ơn ông!

Vũ Khuê