Ô tô nhập khẩu giá rẻ tràn vào, ô tô trong nước mất cơ hội
Tăng trưởng của ô tô nhập khẩu nguyên chiếc hiện gấp 2 lần so với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước. Dự báo ô tô nhập khẩu sẽ tiếp tục tăng, thu hẹp khoảng cách với ô tô trong nước.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan ghi nhận, từ đầu năm đến hết tháng 11/2024, cả nước nhập khẩu 160.729 ô tô nguyên chiếc các loại, tổng kim ngạch hơn 3,31 tỷ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ 2023.
Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 11 tháng đầu năm 2024, lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước ước đạt 336.500 chiếc, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy tăng trưởng của ô tô nhập khẩu nguyên chiếc hiện gấp 2 lần so với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước.
Trong 11 tháng qua, Indonesia là quốc gia có số lượng ô tô nguyên chiếc xuất khẩu sang Việt Nam nhiều nhất với 65.043 xe, kim ngạch 954 triệu USD; xếp thứ 2 là Thái Lan với 60.145 xe, kim ngạch 1,17 tỷ USD; xếp thứ 3 là Trung Quốc với 28.379 xe, kim ngạch 824 triệu USD. Bình quân giá 1 chiếc ô tô nhập khẩu từ Indonesia về Việt Nam chỉ khoảng 14.676 USD, còn Thái Lan là 19.500 USD và Trung Quốc là 29.116 USD (chưa tính các loại thuế phí).
Thời gian vừa qua, nhiều mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc đã giảm giá sâu, hoặc liên tục tung ra những chương trình khuyến mãi, ưu đãi lớn, đã đẩy lui và giành nhiều thị phần từ ô tô sản xuất lắp ráp trong nước. Chẳng hạn như Mitssubishi Việt Nam liên tục khuyến mãi, giảm giá cho các mẫu xe Xpander và Xforce, với số tiền lên đến cả trăm tỷ đồng mỗi chương trình, giúp doanh số bán tăng mạnh. Hay hãng xe MG của Trung Quốc, liên tục đại hạ giá các mẫu xe MG ZS, MG 5, MG RX5… đưa giá bán xe phân khúc hạng B, hạng C xuống chỉ ngang ngửa xe hạng A, đã đạt doanh số tốt. Nhiều mẫu xe có chất lượng kém nhưng nhờ giá rẻ đã tăng được doanh số.
Hưởng lợi lớn nhất chính là Indonesia, Thái Lan và Trung Quốc những quốc gia sản xuất và xuất khẩu ô tô sang Việt Nam. Ngược lại ngành sản xuất ô tô tại Việt Nam chịu thiệt hại.
Dự báo của các cơ quan chức năng cho biết, sản lượng ô tô sản xuất lắp ráp trong nước cả năm 2024 ước đạt trên 380.000 xe các loại. Con số này tăng không đáng kể so với 347.400 xe của năm 2023, thấp xa so với con số 440.000 xe của năm 2022. Ngược lại, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc ước đạt khoảng 180.000 xe các loại, tăng mạnh so với con số 118.942 xe của năm 2023 và qua cả kim ngạch nhập khẩu của năm 2022 với 173.467 xe. Trong khi ô tô sản xuất lắp ráp trong nước tăng trưởng ì ạch thì ô tô nhập khẩu tăng trưởng mạnh mẽ, giành thị phần của xe trong nước. Dự báo nhập khẩu ô tô nguyên chiếc sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, thu hẹp khoảng cách với ô tô lắp ráp trong nước.
Ô tô sản xuất lắp ráp trong nước đang mất lợi thế trước xe nhập khẩu, xu hướng này diễn ra ngày càng rõ ràng. Trong khi đó, ngành công nghiệp ô tô muốn phát triển phải dựa trên quy mô và sản lượng lớn. Quy mô và sản lượng càng lớn sẽ càng hiệu quả và ngược lại.
Theo cam kết tại các Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA), Vương quốc Anh-Việt Nam (UKVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc sẽ giảm về 0% vào năm 2030. Sức ép từ xe nhập khẩu có chất lượng, công nghệ cao, giá cạnh tranh tiếp tục đè nặng lên xe sản xuất lắp ráp trong nước.
Theo dự báo của Bộ Công thương, thị trường ô tô Việt Nam sẽ đạt quy mô 1 triệu xe vào năm 2030, khoảng 1,5 triệu xe vào năm 2035 và từ 5- 5,7 triệu xe vào năm 2045. Đây là “cơ hội vàng” cho ngành công nghiệp ô tô phát triển. Tuy nhiên, nhìn lại ngành công nghiệp ô tô trong nước, đến nay vẫn rất non yếu và ngày càng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. “Cơ hội vàng” có lẽ sẽ thuộc về ô tô nhập khẩu nguyên chiếc. Nếu không có các giải pháp dài hạn hỗ trợ, thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô trong nước vươn lên, thì kết cục đáng buồn xảy ra là khó tránh khỏi.