Cần trợ lực để doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số
Để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và sản xuất thông minh, doanh nghiệp rất cần những nguồn lực hỗ trợ từ Chính phủ và các bên liên quan.
Theo đó, để thích ứng với tình hình mới và tận dụng cơ hội mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, ngày 27/9/2019, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.
Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực vươn ra toàn cầu, với một số chỉ số cơ bản. Theo đó, phấn đấu để Việt Nam trở thành quốc gia số, trong đó chuyển đổi số cho doanh nghiệp có vai trò vô cùng quan trọng, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tự tạo ra sức bật phát triển, với cốt lõi là việc số hóa doanh nghiệp trên mọi phương diện.
Đến nay, chuyển đổi số đã trở thành khái niệm quen thuộc đối với nhiều doanh nghiệp. Chuyển đổi số không dừng lại như một xu hướng mà là bước đi không thể bỏ qua. Nếu các doanh nghiệp đứng ngoài cuộc đua chuyển đổi số sẽ phải đối mặt với khó khăn trong tương lai, thậm chí dẫn tới sự thất bại. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp Việt Nam, hoạt động chuyển đổi số đứng trước nhiều thách thức cần được giải quyết để quá trình này đạt được hiệu quả.
Theo Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Xanh Nguyễn Trương Nghĩa, doanh nghiệp đã thành lập được 10 năm, hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản, sản lượng chủ yếu xuất khẩu. Hiện, thị trường nước ngoài gặp khó khăn, doanh nghiệp muốn quay lại khai thác thị trường nội địa và mong muốn xây dựng gian hàng ảo để giới thiệu sản phẩm. Nhưng thực tế trong câu chuyện chuyển đổi số doanh nghiệp không biết làm từ đâu, làm như thế nào và kinh phí bao nhiêu mới đáp ứng đủ.
Là doanh nghiệp làm việc trong lĩnh vực sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử cho các đối tác FDI tại Việt Nam và ở nước ngoài, ông Trần Đức Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất gia công và xuất nhập khẩu Hanel (Hanel PT) nhận định, nhu cầu về chuyển đổi số là rất cấp thiết. Đặc biệt, khoảng 5 năm trở lại đây, việc chuyển đổi số và sản xuất thông minh đã trở thành nhu cầu tất yếu mà các doanh nghiệp cần hướng tới.
Tuy nhiên, ông Tùng cũng nhận định rằng, để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là việc đầu tư vào công nghệ, xây dựng hạ tầng cũng như triển khai các công nghệ tiên tiến như Big Data hay IoT... Vì vậy, để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và sản xuất thông minh, doanh nghiệp rất cần những nguồn lực hỗ trợ từ Chính phủ và các bên liên quan.
“Chúng tôi mong muốn có thể tiếp cận với các gói tài chính, vay vốn với các lãi suất ưu đãi tốt, cũng như tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận và đơn giản hoá các quy trình, thủ tục xin hỗ trợ. Hay là cũng có những nguồn ngân sách từ hỗ trợ phát triển R&D (công nghệ mới, sản phẩm mới) bởi thực chất chuyển đổi số cũng là một hoạt động R&D trong quá trình sản xuất của các doanh nghiệp, nên cũng mong muốn có những nguồn ngân sách hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp”, ông Trần Đức Tùng chia sẻ.
Đồng quan điểm, không ít chuyên gia cho rằng, trước những thách thức còn hiện hữu, để thúc đẩy chuyển đổi số thành công, cần có trợ lực từ chính sách. Đây là yếu tố quyết định giúp các doanh nghiệp tiếp cận công nghệ mới, tối ưu hóa quy trình sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Chính phủ cần tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi bằng cách ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư vào công nghệ số và tự động hóa. Các chính sách này có thể bao gồm ưu đãi về thuế, hỗ trợ tài chính cho các dự án chuyển đổi số, hoặc cung cấp các chương trình đào tạo nhằm nâng cao trình độ công nghệ của nguồn nhân lực... Sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan không chỉ giúp doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn về nguồn lực và chi phí mà còn góp phần hình thành hệ sinh thái số đồng bộ và bền vững.
Ngoài ra, doanh nghiệp phải có chiến lược chuyển đổi số rõ ràng, trong đó định vị sản phẩm ra sao, kiểm soát chất lượng sản phẩm như thế nào và cần thiết phải có dịch vụ chăm sóc khách hàng. Ông Lê Tự Lực, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội khẳng định, chuyển đổi số hiện nay không chỉ tạo cơ hội kết nối mạng lưới, thu gọn khoảng cách giữa các bộ phận trong tổ chức, nâng cao hiệu suất quản trị doanh nghiệp và tối ưu hóa năng suất làm việc của nhân viên, mà còn giúp cải thiện chất lượng sản phẩm và tăng cường khả năng cạnh tranh. Để duy trì và nâng cao sự cạnh tranh trong môi trường kinh doanh ngày càng phức tạp, các doanh nghiệp phải thích nghi với sự thay đổi và sử dụng công nghệ số hóa để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh, cải thiện hiệu suất và chất lượng, tạo ra giá trị cho khách hàng. Chuyển đổi số đóng một vai trò quan trọng trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.