Đẩy mạnh nguồn cung nhà ở xã hội
Nửa đầu tháng 12, Hà Nội đã liên tục đón hai dự án nhà ở xã hội mới được khởi công, đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh giá nhà đang không ngừng tăng.
Loạt dự án nhà ở xã hội được khởi công
Mới đây, Tổng Công ty 319 Bộ Quốc phòng đã tổ chức lễ khởi công Dự án khu nhà ở xã hội xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Đây là dự án đầu tiên của Tổng Công ty 319 trong lĩnh vực xây dựng nhà ở xã hội, với tổng mức đầu tư hơn 600 tỷ đồng.
Dự án được xây dựng trên diện tích khu đất 15.286m2; tổng diện tích xây dựng: 6.879,6m2, với 4 khối nhà cao 9 tầng (tổng diện tích sàn xây dựng cả 4 khối nhà khoảng 61.086,2m2, mật độ xây dựng 45%). Tổng số 466 căn hộ; công trình bố trí một tầng hầm (chức năng để xe, kỹ thuật); sân vườn bố trí cây xanh, cảnh quan, khu vui chơi trẻ em... công trình dự kiến hoàn thành vào ngày 30/10/2026.
Trước đó, đầu tháng 12, dự án nhà ở xã hội NO1 Hạ Đình mang tên UDIC EcoTower cũng đã khởi công, dự án do liên danh Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC, Công ty Cổ phần Xây dựng lắp máy điện nước Hà Nội, và Công ty Cổ phần Kinh doanh và phát triển nhà DAC Hà Nội làm chủ đầu tư.
Dự án UDIC EcoTower tọa lạc trên khu đất rộng 9.305m², thuộc quỹ đất 20% của Khu đô thị mới Hạ Đình, nằm trên địa bàn phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân) và xã Tân Triều (huyện Thanh Trì).
Theo quy hoạch 1/500 được UBND Thành phố phê duyệt, dự án bao gồm một tòa nhà cao 25 tầng với tổng diện tích sàn 62.550m². Tòa nhà cung cấp 440 căn hộ, trong đó, 255 căn hộ nhà ở xã hội để bán (tương ứng 17.994m² sàn, chiếm 70% diện tích nhà ở xã hội); 110 căn hộ nhà ở xã hội cho thuê, thuê mua (tương ứng 7.712m² sàn, chiếm 30% diện tích nhà ở xã hội); 75 căn hộ thương mại (tương ứng 6.426,4m² sàn).
Hồi cuối tháng 11, Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã cấp giấy phép xây dựng cho liên danh Công ty Cổ phần Him Lam Thủ đô và Công ty Cổ phần BIC Việt Nam xây dựng công trình chung cư cao tầng CT1 thuộc dự án nhà ở xã hội Thượng Thanh và đấu nối hạ tầng khu vực, quận Long Biên.
Công trình được cấp phép cao 22 tầng nổi, 1 tum và 3 tầng hầm. Dự án khi hoàn thành sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 600 căn hộ, diện tích các căn hộ từ 64-77m2.
Là một trong các đô thị lớn có nhu cầu cao về nhà ở xã hội, theo đề án phát triển ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội của Chính phủ, đến năm 2025, Hà Nội phải hoàn thành 18.700 căn hộ.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, dự kiến, thành phố có 19 dự án nhà ở xã hội được hoàn thành giai đoạn 2021-2025 với khoảng 15.440 căn, đạt khoảng 78,3% so với chỉ tiêu tại kế hoạch phát triển của thành phố.
Song hành nâng cao nguồn cung, cải thiện chất lượng nhà ở
Dù các dự án nhà ở xã hội và nhà ở công nhân đang tiếp tục được đẩy mạnh, song đây vẫn là một vấn đề nan giải, đặc biệt là tại khu vực đô thị trung tâm thành phố khi giá nhà liên tục tăng cao trong bối cảnh quỹ đất ngày càng khan hiếm, nguồn cung không thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu của người dân.
Để giải quyết nhu cầu về nhà ở của đại đa số người dân, về phía cung, Hội môi giới Bất động sản Việt Nam kiến nghị các giải pháp cần hướng đến việc tăng cường nguồn cung nhà ở giá rẻ, cải thiện hạ tầng vùng ven và xây dựng các chính sách tài chính hỗ trợ hiệu quả.
Về phía cầu, theo VARS, người dân có nhu cầu nhà ở tại khu vực đô thị, cần có kế hoạch tài chính rõ ràng, cần sẵn sàng mở rộng nhu cầu ra vùng ven, nơi có giá bất động sản thấp hơn. Người dân có thể tìm các căn hộ hoặc nhà trọ với chi phí hợp lý tại khu vực ngoại ô hoặc vùng ven đô thị, tiết kiệm khoản dư để chuẩn bị cho việc mua nhà.
Để thực hiện được điều đó, người dân cần có một khoản tích lũy, ước tính khoảng 50% giá trị, có thể lựa chọn vay mua nhà khi tìm thấy sản phẩm phù hợp.
Trong khi đó, bên cạnh nguồn cung, theo ông Nguyễn Hoàng Nam, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần G-Home, chất lượng nhà ở xã hội không nên bị xem nhẹ. Ông khẳng định: “Pháp luật không có quy định nào yêu cầu nhà ở xã hội phải kém chất lượng hơn nhà ở thương mại. Thực tế, các Sở Xây dựng còn kiểm tra nghiệm thu nhà ở xã hội khắt khe hơn cả nhà ở thương mại. Điều quan trọng là cần thay đổi tư duy từ chủ đầu tư và cả người dân.”
Ông Nam cũng nhấn mạnh vai trò của công tác bảo trì và quản lý:
“Để đảm bảo các công trình hoạt động ổn định, hệ thống thang máy và các dịch vụ khác cần được bảo dưỡng định kỳ. Nguồn kinh phí không thể chỉ dựa vào ngân sách nhà nước mà cần có sự tham gia của cư dân. Việc bầu ban quản trị để quản lý và bảo vệ căn nhà là rất cần thiết, giúp người dân nâng cao ý thức tự quản lý tài sản của mình.”