Đâu là thị trường AI tiềm năng nhất thế giới năm 2025?
Nở rộ và phổ biến, miễn phí tải về các mô hình ngôn ngữ lớn, Trung Quốc được dự báo là thị trường trí tuệ nhân tạo (AI) hấp dẫn nhất năm 2025.
Mỹ đang dẫn đầu thị trường AI toàn cầu trong nhiều năm nay, bao gồm cả phần cứng và phần mềm. Nhưng tình thế sắp sửa thay đổi từ năm 2025, sau khi Trung Quốc thương mại hóa các mô hình ngôn ngữ lớn - dữ liệu lớn.
Dù Washington hạn chế quyền tiếp cận của Bắc Kinh đối với công nghệ hỗ trợ AI tiên tiến nhất hiện nay, nhưng Bắc Kinh có cách tiếp cận riêng của mình để thúc đẩy sức hấp dẫn và hiệu suất của các mô hình AI, bao gồm cả việc dựa vào công nghệ nguồn mở và phát triển phần mềm và chip siêu nhanh.
Những người trong ngành và các nhà phân tích công nghệ đánh giá rằng, các mô hình AI của Trung Quốc đã rất phổ biến và đang theo kịp - thậm chí vượt qua - các mô hình từ Hoa Kỳ về hiệu suất.
Hàng chục công ty Trung Quốc đang phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn mà các nhà phát triển có thể tải xuống, xây dựng miễn phí và không có yêu cầu cấp phép nghiêm ngặt từ nhà phát minh. Điều này hoàn toàn khác với OpenAI.
Qwen, một mô hình AI do gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba tạo ra - đang được tải xuống nhiều nhất trên trên kho lưu trữ Hugging Face. Họ không dấu diếm ý đồ cạnh tranh với mô hình Llama của Meta, cũng như các LLM đóng của OpenAI.
Grace Isford, đối tác tại Lux Capital, nói rằng: “Trong năm ngoái, chúng tôi đã chứng kiến sự gia tăng các đóng góp nguồn mở của Trung Quốc vào AI với hiệu suất thực sự mạnh mẽ, chi phí phục vụ thấp”.
Paul Triolo, đối tác tại công ty tư vấn toàn cầu DGA Group nhận xét: “Các công ty Trung Quốc muốn thấy mô hình của họ được sử dụng bên ngoài biên giới. Vì vậy, đây chắc chắn là cách để họ trở thành những người chơi toàn cầu trong lĩnh vực AI”.
Công cụ tìm kiếm trực tuyến hàng đầu Trung Quốc Baidu gần đây đã ra mắt một ứng dụng tạo văn bản thành hình ảnh cho các khách hàng quảng cáo của mình. Công ty này cũng có kế hoạch phát hành kính AI vào đầu năm sau và ra mắt dịch vụ robotaxi bên ngoài Trung Quốc đại lục.
Theo Aicpb.com, chatbot AI Doubao của ByteDance đã trở thành ứng dụng AI phổ biến thứ hai thế giới vào tháng 11 với 60 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, chỉ sau ChatGPT.
Cũng giống như việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, xây dựng các sàn giao dịch hàng hóa liên lục địa, Trung Quốc muốn khuếch trương tầm ảnh hưởng toàn cầu trong tương lai.
Việc xây dựng các ứng dụng trên mô hình ngôn ngữ lớn hiện nay cũng giống như vài thập kỷ trước Microsoft phát triển hệ điều hành Windows dùng cho mọi loại máy tính, ngày nay nó là độc quyền số 1.
Một số quỹ đầu cơ châu Á đang đặt cược vào các công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc như Xiaomi và Baidu khi các mô hình ngôn ngữ lớn do họ tự phát triển bắt kịp và định giá thấp hơn so với các công ty cùng ngành ở Hoa Kỳ.
Các nhà quản lý quỹ cho biết họ đặc biệt lạc quan về việc áp dụng AI ngày càng tăng trong cuộc sống của 1,4 tỷ người dân Trung Quốc, từ điện thoại di động và thiết bị đeo thông minh đến các ứng dụng và trò chơi xã hội.
Quỹ đầu cơ Monolith Management của Hồng Kông, quản lý tài sản trị giá 300 triệu đô la Mỹ, đã nhắm đến nhà sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi. Timothy Wang, Giám đốc đầu tư tại Monolith cho biết: “Xiaomi cung cấp trải nghiệm người dùng AI tiên tiến hấp dẫn do chính mình phát triển, với hệ sinh thái IoT và ô tô phong phú hơn so với các đối tác phương Tây”.