Hải Phòng khởi công xây dựng cầu qua sông Cấm hơn 6.235 tỷ đồng
Chiều 18/12/2024 TP. Hải Phòng vừa khởi công dự án đầu tư xây dựng cầu Nguyễn Trãi và chỉnh trang đô thị vùng phụ cận.
Dự án này đã góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, chỉnh trang, và mở không gian phát triển mới cho đô thị thành phố Hải Phòng.
Báo cáo về dự án, ông Đỗ Tuấn Anh - Tổng giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các Công trình giao thông Hải Phòng – chủ đầu tư dự án cho biết, cầu Nguyễn Trãi bắc qua sông Cấm có kết cấu vĩnh cửu với chiều dài 1.476,4 m; phần cầu chính với chiều dài 550,6 m - là cầu dây văng, chiều dài cầu dẫn phía huyện Thủy Nguyên 459 m, chiều dài cầu dẫn phía quận Ngô Quyền 466,8 m; bề rộng cầu chính 26,5 m, cầu dẫn 23,5 m, gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp. Vận tốc thiết kế cầu chính 80 km/h.
Cùng với đó, xây dựng nút giao kết nối cầu chính với đường Lê Thánh Tông với các nhánh Ramp kết nối dạng vòng tròn, gồm 2 nhánh vòng tròn, các nhánh Ramp được tổ chức giao thông một chiều. Bề rộng mỗi nhánh 10 m, trong đó, cầu nhánh Ramp phải dài 675,7 m; cầu nhánh Ramp trái dài 447,8 m.
Ngoài xây cầu, Thành phố còn mở rộng phố Nguyễn Trãi đoạn tuyến hiện tại có bề rộng 18 m lên thành 43,5 - 50,5 m, kết nối với đoạn tuyến hiện tại khu vực nút giao đường Lê Hồng Phong. Xây dựng đường ven sông Cấm kết nối đường Ngô Quyền với đường ven sông khu vực chân cầu Hoàng Văn Thụ có chiều dài 2,27 km, với bề rộng đường 28 - 40 m và tuyến đường kết nối đường ven sông Cấm thuộc dự án với đường Hoàng Diệu có bề rộng 20 - 21 m. Đồng thời, di dời, giải phóng mặt bằng khu vực Cảng Hoàng Diệu t phạm vi đường Hoàng Diệu, Lê Thánh Tông đến bờ sông Cấm và khu ga đường sắt tiền cảng.
Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 6.235,5 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách trung ương và thành phố, dự kiến hoàn thành công trình trong năm 2027.
Thay mặt liên danh nhà thầu, (Tổng công ty Thăng Long, Công ty cổ phần Vinaconex E&C, Công ty cổ phần Tập đoàn Cầu 3 Thăng Long và Công ty cổ phần Tập đoàn HJC), ông Vũ Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Cty CP Thăng Long cho biết: Trong những năm qua, các nhà thầu trong liên danh của chúng tôi đã thi công nhiều dự án trọng điểm quốc gia, bao gồm Cầu Kỳ Lam (một đoạn của đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi); Gói thầu XL-01: đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Gói thầu 04-XL: đoạn Phan Thiết - Dầu Giây; Cầu Kỳ Lộ (Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2); Cầu Nhật Tân (Cầu Hữu nghị Việt - Nhật) tại Hà Nội; Cầu Cao Lãnh ở Đồng Tháp; Cầu Bình Khánh tại Thành phố Hồ Chí Minh (thuộc Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành); Cầu Mỹ Thuận 2 nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Vĩnh Long.
Tại thành phố Hải Phòng, chúng tôi đã thực hiện một số dự án quan trọng như cầu vượt tại nút giao Lê Hồng Phong, cầu vượt tại Nguyễn Văn Linh, Nút giao nam cầu Bính. Cầu Rào 1, cầu Quang Thanh; Cầu Bến Rừng...
Đối với dự án đầu tư xây dựng cầu Nguyễn Trãi và chỉnh trang đô thị vùng phụ cận khởi công hôm nay, Liên danh các nhà thầu chúng tôi đã Gói thầu thi công cầu dẫn cầu nhánh và nút giao, với giá trị khoảng 1,485 tỷ VNĐ. Nhận thức ỹ rõ tầm quan trọng của công trình dự án. Các nhà thầu chúng tôi cam kết với lãnh đạo TP Hải Phòng, trực tiếp là BQL dự án đầu tư xây dựng Các công trình Giao thông Hải Phòng sẽ thực hiện tốt nhất vai trò của nhà thầu thi công.
Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho biết: Hiện là thời điểm thuận lợi nhất để triển khai dự án vì từ ngày 1/1/2025, huyện Thủy Nguyên chính thức trở thành thành phố trực thuộc thành phố Hải Phòng theo Nghị quyết 1232 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023– 2025.
Để sẵn sàng di chuyển trung tâm hành chính thành phố sang phía Bắc sông Cấm, nhiều công trình, dự án được thành phố đầu tư như cầu Hoàng Văn Thụ, với tổng mức đầu tư 2.173 tỷ đồng được đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2019. Đặc biệt, dự án Trung tâm Chính trị - Hành chính và Trung tâm Hội nghị - Biểu diễn là hai công trình lớn của thành phố, với tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng đang được gấp rút thi công để khánh thành đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955 – 13/5/2025). Đây là điểm nhấn kiến trúc, biểu tượng thành phố Cảng trong thời kỳ phát triển mới.
“Dự án mang sứ mệnh to lớn, được xem là gạch nối quan trọng kết nối khu đô thị hiện hữu với khu đô thị mới phía Bắc sông Cấm. Cầu Nguyễn Trãi khi đưa vào sử dụng sẽ tạo ra trục kết nối liên thông đồng bộ giữa các khu công nghiệp quan trọng trên địa bàn thành phố như Khu công nghiệp VSIP Hải Phòng, Phà Rừng, Minh Đức, Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải. Quan trọng hơn, dự án sẽ rút ngắn cự ly di chuyển, vận chuyển hàng hóa từ Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi cũng như Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, quốc lộ 10, quốc lộ 18, mở ra dư địa, không gian phát triển mới, gia tăng khả năng kết nối liên vùng để cùng bứt phá phát triển, góp phần hiện thực khát vọng vươn lên của thành phố Cảng”, ông Tùng khẳng định.
Cầu Nguyễn Trãi là cây cầu thứ 6 của TP. Hải Phòng bắc qua sông Cấm, sau cầu Kiền, cầu Bính, cầu Hoàng Văn Thụ, cầu Máy Chai và cầu Bạch Đằng.