VCCI hợp tác với Cần Thơ để tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân
Đó là mong muốn của Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công tại buổi làm việc với Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, chiều ngày 18/12.
Chiều ngày 18/12, trong khuôn khổ Diễn đàn "Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững hướng tới mục tiêu net zero vào năm 2050", Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công đã có buổi làm việc với Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ.
Chia sẻ tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm tới Cần Thơ với hàng loạt quyết sách: Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII “về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11-1-2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ và Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 30-8-2021 của Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW.
Theo ông Trường, đây không chỉ là thời cơ, định hướng quan trọng cho sự phát triển của thành phố mà còn là căn cứ pháp lý để thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển Cần Thơ trở thành đô thị hạt nhân của vùng ĐBSCL.
Trong định hướng phát triển, TP Cần Thơ tập trung vào 3 trụ cột: kinh tế-xã hội-môi trường. Về kinh tế, thành phố sẽ đảm nhiệm vai trò động lực cho sự phát triển của vùng ĐBSCL, hợp tác và liên kết vùng; là cầu nối giữa vùng với quốc gia, quốc tế để phát triển toàn diện; trở thành trung tâm công nghiệp cao, đô thị hạt nhân của vùng ĐBSCL, với kết cấu hạ tầng thông minh, hiện đại.
Về xã hội, thành phố chú trọng mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và an sinh xã hội của người dân. Xem con người là trung tâm của sự phát triển thông qua việc cải thiện mức sống, cải thiện chỉ số phát triển con người, cải thiện năng suất lao động, rút ngắn khoảng cách giàu-nghèo, khoảng cách thành thị và nông thôn, cải thiện tiếp cận dịch vụ tiện ích và phúc lợi xã hội.
Về môi trường, Cần Thơ là đô thị sinh thái sông nước, phát triển theo hướng bảo đảm bền vững gắn với bảo vệ môi trường; phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu phân bổ, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn các di tích lịch sử-văn hóa, di sản văn hóa, cảnh quan tự nhiên đặc trưng.
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết, từ sau đại dịch COVID-19 nền kinh tế của thành phố Cần Thơ đã gặp nhiều khó khăn. Nền kinh tế chủ yếu là thương mại dịch vụ chiếm tỷ trọng trên 51%, nông nghiệp khoảng 9%, công nghiệp xây dựng còn hạn chế. Do đó, khi đại dịch COVID-19 xảy ra, năm 2020 tăng trưởng GDP âm 2,79%, năm 2021 tăng trưởng âm 0,11%. Riêng năm 2022, thành phố đã lấy lại đà tăng trưởng 12,64% và năm 2023, tăng trưởng là 5,64%. Năm 2024 dự báo tăng trưởng khoảng 7,12%.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết, Nghị quyết 45 của Quốc hội giao cho Cần Thơ 8 cơ chế cụ thể, trong đó có 2 cơ chế liên quan đến ĐBSCL đó là cơ chế nạo vét luồng Định An để cho tàu 10.000 tấn cập bến và cơ chế thành lập trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm công nghiệp của vùng. Đây là hai cơ chế được kỳ vọng trở thành động lực, đòn bẩy để phát triển vùng. Tuy nhiên, khi đi vào thực hiện cụ thể thì lại vướng các quy định của các bộ, ngành, các luật liên quan.
Cũng theo Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường, trong thời gian tới, Cần Thơ sẽ quy hoạch và mời gọi đầu tư cho công nghiệp xanh, công nghiệp sạch. Đối với nông nghiệp, thành phố cũng định hướng phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch. Đồng thời, tham gia vào đề án 1 triệu ha lúa, với khoảng 48.000 ha.
Ngoài ra, thành phố Cần Thơ cũng đang thực hiện dự án xây dựng khu kinh tế, lấy sân bay làm trọng tâm, với tổng diện tích khoảng 10.198 ha.
“Việc xây dựng Khu kinh tế này đúng với quy hoạch của Bộ Chính trị là lấy Cần Thơ làm trung tâm liên kết sản xuất chế biến và trung tâm phân phối của ĐBSCL”, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường chia sẻ.
Chia sẻ tại buổi làm việc, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đánh giá cao những thành tựu về phát triển kinh tế của thành phố Cần Thơ trong thời gian qua. Ông đánh giá, Cần Thơ đã có nhiều chuyển biến, đặc biệt là có những hướng đi mới cho chiến lược chuyển mình của thành phố Cần Thơ, trong việc hình thành các khu công nghiệp và đặc biệt là kế hoạch xây dựng Khu kinh tế.
Bên cạnh đó, sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đối với Cần Thơ cũng rất lớn. Điều này cũng nằm trong tổng thể chung của quốc gia, đúng như đồng chí Tổng Bí thư đã nói kỷ nguyên mới đang mở ra và sự quan tâm của thế giới với Việt Nam hiện nay đang rất lớn.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cũng cho biết, Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị cũng đã tái khẳng định vai trò của VCCI là tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Trong những năm qua, VCCI tập trung vào việc xây dựng chính sách, nhằm tạo một môi trường chính sách thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Riêng trong năm 2024, VCCI đã tổ chức hơn 100 hội thảo, diễn đàn đóng góp chính sách cho Quốc hội, Chính phủ.
Bên cạnh đó, VCCI cũng tham gia tư vấn định hướng cho các địa phương thông qua chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số xanh (PGI).
“Chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của doanh nhân, doanh nghiệp. Đặc biệt, nâng cao tinh thần của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân khi tình hình kinh doanh đang trầm lắng. Trong đó, đề xuất 2 cuộc gặp gỡ giữa Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp, qua đó, giúp cho tinh thần của doanh nhân phấn chấn, an tâm hơn và niềm tin được nâng lên”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công chia sẻ.
Cùng với đó, VCCI cũng tập trung xây dựng đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh, đưa ra 6 tiêu chí đạo đức cho doanh nhân Việt Nam. Bởi trong bối cảnh hiện nay, doanh nhân không những cần sự án toàn mà cần phải có đạo đức thì mới làm ăn được với thế giới và giữ được thị trường trong nước. 6 tiêu chí này cũng đã được Bộ Giáo dục & Đào tạo đưa vào sách giáo khoa, để ngay cả các em học sinh cũng được học 6 tiêu chí này để có ý thức về kinh doanh, làm doanh nhân là phải cống hiến cho xã hội.
“Trong thời gian tới, tôi mong muốn VCCI cùng với thành phố Cần Thơ sẽ cùng phối hợp để tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân của Cần Thơ để nâng tầm cả về tầm nhìn, kiến thức và kết nối với cộng đồng doanh nghiệp quốc tế”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh.