Doanh nghiệp cần cơ chế hỗ trợ cho chuyển đổi kép
Thực hiện chuyển đổi kép tại doanh nghiệp còn thiếu cơ chế và chính sách về việc thúc đẩy và tiếp cận các nguồn lực tài chính ưu đãi cho các dự án.
Đó là một trong các nội dung chia sẻ của ông Phạm Tuấn Anh - Giám đốc phát triển bền vững Tập đoàn GREENFEED Việt Nam với Diễn đàn Doanh nghiệp. Theo ông Tuấn Anh, cùng với đà phục hồi của nền kinh tế, các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp trong nước đang đứng trước nhiều cơ hội mới. Để nắm bắt lợi thế từ thị trường, doanh nghiệp dần đặt trọng tâm hơn vào việc nâng cao năng lực sản xuất, tối ưu hóa quy trình quản lý, vận hành và chuyển đổi công nghệ.
- Là doanh nghiệp kinh doanh ngành thực phẩm, ông có thể chia sẻ về quá trình thực hiện chuyển đổi kép của doanh nghiệp?
Tại GREENFEED, việc triển khai chuyển đổi xanh và chuyển đổi số đã từng bước được chú trọng đầu tư và triển khai từ sớm trong toàn bộ chuỗi thực phẩm tích hợp 3F plus (Feed – Farm – Food). Đến nay, chúng tôi đã gặt hái được những kết quả nhất định và càng thêm kiên định với mục tiêu chuyển đổi đã xác định.
Với chuyển đổi xanh, GREENFEED đã triển khai áp dụng mô hình điện mặt trời áp mái, thu hồi chất thải rắn hữu cơ để sản xuất phân bón hữu cơ, xử lý nước thải, thu hồi khí sinh học cho phát điện và tái sử dụng như nguồn phân bón lỏng cho cây trồng, đồng thời hợp tác cùng các bên nhân rộng các mô hình chăn nuôi bền vững.
Một trong những nỗ lực nổi bật của GREENFEED là giảm thiểu bao bì nhựa trong các hoạt động sản xuất và vận chuyển. Tại các nhà máy thức ăn chăn nuôi, chúng tôi thúc đẩy các sáng kiến giúp giảm tỷ lệ sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy trong lưu thông hàng hóa. Cụ thể, chúng tôi lưu trữ và xuất cám xá (cám rời) trong hệ thống silo và giao cám rời bằng xe bồn đến các trại khách hàng, giúp kiểm soát chất lượng, hao hụt sản phẩm, giảm bao bì nhựa dùng trong đóng gói sản phẩm và qua đó giảm các chi phí sản xuất, vận tải, bốc dỡ và bao bì. Năm 2024, tỷ lệ xuất hàng xá ước tính đạt trên 18% trên tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi xuất bán ra và lượng bao bì nhựa giảm được ước tính khoảng 650 tấn.
Chúng tôi cũng triển khai đồng bộ các giải pháp, sáng kiến chuyển đổi xanh cho các nhà máy như chuyển đổi nhiên liệu biomass cho hệ thống lò hơi, lắp đặt biến tần động cơ, giải pháp tụ bù giúp giảm tổn thất điện năng, tận dụng nhiệt thải… Tính đến tháng 10 năm 2024, tỷ trọng năng lượng tái tạo của GREENFEED chiếm trên 14% trong tổng cơ cấu sử dụng năng lượng. Với việc triển khai đồng loạt các giải pháp điện solar, điện biogas, công suất lắp dự kiến đạt khoảng 7,5MW và có thể đóng góp thêm 15-20% năng lượng tái tạo.
Về chuyển đổi số trong sản xuất, chúng tôi đã không ngừng đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng số nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi qua nông nghiệp thông minh, đảm bảo hỗ trợ vận hành kinh doanh liên tục và ổn định. Chúng tôi thiết lập quan hệ hợp tác với các đối tác chiến lược để xây dựng cơ sở dữ liệu (big data), kho dữ liệu (data warehouse) trên nền tảng điện toán đám mây (cloud), đồng bộ hóa dữ liệu hàng ngày, tích hợp công nghệ số IoT trên toàn chuỗi 3F. Tiến tới, GREENFEED sẽ hoàn thiện triển khai ERP SAP cho ngành thực phẩm và chăn nuôi để hỗ trợ tích hợp chuỗi, đồng bộ/ kế thừa dữ liệu và chuẩn hóa hệ thống (core) ERP cho toàn hệ thống.
Tại các nhà máy thức ăn chăn nuôi, hoạt động sản xuất được quản lý đồng bộ theo tiêu chuẩn vận hành thông qua hệ thống giám sát tự động SCADA, cùng hệ thống quản lý GF4.0, GF-Man, SAP, v.v.. nhằm đảm bảo an toàn sinh học trong toàn bộ chuỗi thực phẩm, quản lý số lượng cũng như chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa chi phí sản xuất và dịch vụ.
Để hỗ trợ người chăn nuôi, GREENFEED xây dựng bộ giải pháp chăn nuôi 3 trụ cột trọng tâm gồm: Cung cấp sản phẩm chất lượng đầu vào; Quản lý vận hành hiệu quả và bền vững. Nổi bật trong đó phải kể đến DigiFarm – ứng dụng quản lý vận hành trại từ xa của GREENFEED giúp nhà đầu tư và người chăn nuôi theo dõi những thay đổi về môi trường và tình trạng hoạt động thiết bị ở mỗi trang trại, từ đó tối ưu hiệu suất chăn nuôi.
- Vậy thực hiện chuyển đổi kép doanh nghiệp sẽ gặp những khó khăn vướng mắc nào, thưa ông?
Việc đầu tư và thực hiện chuyển đổi xanh và chuyển đổi số đòi hỏi nguồn lực lớn của doanh nghiệp. Không phải lúc nào doanh nghiệp cũng đủ nguồn lực sẵn sàng để thực hiện, cụ thể gồm 5 vướng mắc sau:
Thứ nhất, khi tầm nhìn và sứ mệnh của doanh nghiệp chưa rõ ràng, việc xác định mục tiêu chiến lược sẽ khó khăn. Khi có được mục tiêu chiến lược nhưng thiếu cam kết của ban lãnh đạo, các mục tiêu cũng khó đạt được bao gồm cả tiến trình chuyển đổi kép này.
Thứ hai, nguồn lực tài chính của doanh nghiệp là yếu tố quyết định lộ trình chuyển đổi xanh và chuyển đổi số của doanh nghiệp. Việc chuẩn bị nguồn vốn cho phát triển kinh doanh luôn là ưu tiên hàng đầu. Do vậy, trong mỗi giai đoạn, các chiến lược ưu tiên chuyển đổi phải có kế hoạch rõ ràng về ngân sách thì việc triển khai mới đúng tiến độ đặt ra.
Thứ ba, thiếu kỹ thuật công nghệ phù hợp cho chuyển đổi số hoặc các giải pháp đôi khi còn quá đắt đỏ. Điều này khiến cho doanh nghiệp chần trừ, cân nhắc rất kỹ khi đầu tư. Việc đầu tư chuyển đổi đôi khi không đồng bộ dẫn đến hiệu quả thực sự chưa được phát huy. Đây chính là tác nhân làm chậm quá trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp hơn.
Thứ tư, về việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh và chuyển đổi số ở doanh nghiệp. Cụ thể là việc tiếp cận các nguồn lực tài chính hoặc ưu đãi tài chính cho các dự án đầu tư chuyển đổi số hoặc chuyển đổi xanh của doanh nghiệp. Ví dụ về năng lượng tái tạo, mặc dù các văn bản mới ban hành cũng có nhiều tiến bộ song chỉ đáp ứng một phần mong đợi của doanh nghiệp. Hay để áp dụng việc sử dụng nước thải chăn nuôi trong trồng trọt là không dễ dàng.
- Để chuyển đổi kép thực sự có tác dụng, lan tỏa nhanh ở các lĩnh vực sản xuất, ông có ý kiến nào cần đề xuất?
Ngoài những nỗ lực từ phía doanh nghiệp, theo tôi cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể, Chính phủ cần hoàn thiện khung cơ chế chính sách rõ ràng cho tài chính xanh nhằm giúp các doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn cho các dự án chuyển đổi xanh, chuyển đổi số của đơn vị.
Bên cạnh đó, các quy định cần được rà soát lại và có hướng dẫn để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi xanh tại doanh nghiệp. Chẳng hạn như phương án triển khai điện mặt trời mái nhà, bài toán lắp đặt như thế nào tại doanh nghiệp, điện khí sinh học hay việc sử dụng nước thải chăn nuôi trong trồng trọt để đạt hiệu quả.
Đặc biệt là Nhà nước cần có chính sách ưu đãi cho những doanh nghiệp tiên phong dẫn dắt việc chuyển đổi xanh trong sản xuất kinh doanh nhằm khích lệ, lan tỏa phương án xanh hóa tại các nhà máy sản xuất tới đông đảo cộng đồng doanh nghiệp.
Trân trọng cảm ơn ông!