Kinh tế

XÂY DỰNG HỆ SINH THÁI NÔNG NGHIỆP: Tạo đà bứt phá cho phát triển xanh vươn tầm cao mới

Bài: Châu Huệ - Ảnh: Đình Đại 19/12/2024 09:00

Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp góp phần tạo sức bật thu hút đầu tư nông nghiệp thông minh, tạo đà bứt phá cho phát triển xanh vươn tầm cao mới.

ongtruong.jpg
Ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ phát biểu chào mừng tại Diễn đàn.

Phát biểu chào mừng tại Diễn đàn "Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững hướng tới mục tiêu net zero vào năm 2050", do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), UBND TP Cần Thơ chỉ đạo, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức ngày 19/12/2024, ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ thông tin, Net-zero hay còn gọi là phát thải ròng bằng 0, là mục tiêu mà nhiều quốc gia và tổ chức trên toàn thế giới đang hướng tới nhằm ngăn chặn biến đổi khí hậu. Net-zero là trạng thái lý tưởng khi lượng khí nhà kính thải vào khí quyển Trái đất được cân bằng với lượng GHG (khí nhà kính) được loại bỏ.

Nông nghiệp bền vững là phương thức canh tác nông nghiệp theo cách bền vững có nghĩa là đáp ứng nhu cầu thực phẩm và dệt may hiện tại của xã hội, mà không ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ hiện tại hoặc tương lai. Nông nghiệp này có thể dựa trên sự hiểu biết về các dịch vụ hệ sinh thái.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế toàn cầu, tăng trưởng xanh, nông nghiệp xanh đã dần trở thành xu hướng phát triển chủ đạo. Nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện phát triển nông nghiệp xanh đã được ban hành.

Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ cho rằng, với chủ đề “Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững hướng tới mục tiêu net-zero vào năm 2050” hôm nay phản ánh một trong những thách thức lớn nhất trong quá trình phát triển kinh tế, đó là biến đổi khí hậu, đặc biệt đối với các quốc gia có nền kinh tế dựa vào nông nghiệp như Việt Nam. Cam kết của Việt Nam tại các Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26) và lần thứ 28 (COP28), cùng với các định hướng chiến lược và chính sách giảm phát thải đã thúc đẩy các ngành kinh tế phải chuyển đổi theo hướng xanh và bền vững. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp được xác định là trụ cột quan trọng trong chiến lược giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam.

toancanh.jpg
Diễn đàn "Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững hướng tới mục tiêu net zero vào năm 2050", do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), UBND TP Cần Thơ chỉ đạo, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức ngày 19/12/2024.

Cơ hội chuyển đổi mô hình

Theo ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ, giống như hầu hết các nước trên thế giới, trong cơ cấu phát thải khí nhà kính của Việt Nam, ngành nông nghiệp chỉ xếp sau ngành năng lượng và giao thông vận tải về lượng phát thải khí nhà kính ra môi trường, chiếm tới 43% tổng lượng phát thải quốc gia. Đây cũng là lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng từ tác động của biến đổi khí hậu. Do vậy, "chuyển đổi mô hình theo hướng nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn và phát thải thấp là sự lựa chọn được ưu tiên hàng đầu, đồng thời cũng là cơ hội chuyển mình mạnh mẽ cho ngành nông nghiệp của Việt Nam nói chung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng" - vị Chủ tịch nhấn mạnh.

Trong xu thế phát triển trên, những chủ trương, chính sách cấp quốc gia đã được ban hành, như Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030 và đặc biệt là Đề án phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030. Các chủ trương này đã và đang tạo nên những chuyển biến tích cực cho ngành nông nghiệp của vùng ĐBSCL và quốc gia.

Thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững tại Cần Thơ

Với vị thế là trung tâm kinh tế, khoa học công nghệ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ cho biết, thành phố Cần Thơ ý thức sâu sắc về trách nhiệm trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững và giảm phát thải khí nhà kính.

toancanh1.jpg
Thông qua những kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn được chia sẻ từ các Chuyên gia, các Nhà khoa học, Diễn đàn sẽ góp phần thúc đẩy, triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững.

Những năm qua, thành phố đã tích cực triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh thái, tuần hoàn và hữu cơ, tập trung giảm phát thải khí mê-tan trong sản xuất lúa gạo. Các sáng kiến về xây dựng chuỗi giá trị, phát triển vùng nguyên liệu chất lượng cao và ứng dụng công nghệ thông minh trong sản xuất đã từng bước nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp của địa phương, góp phần khẳng định vị thế không chỉ của Cần Thơ, mà còn của vùng ĐBSCL trên Bản đồ nông nghiệp xanh quốc gia và quốc tế.

Đối với nông nghiệp hữu cơ, ông Trần Việt Trường thông tin, tuy không phải là địa phương nằm trong Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030 của Chính phủ, nhưng thành phố Cần Thơ vẫn quyết tâm hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên 4,000 héc-ta lúa; 1,300 héc-ta cây ăn trái và 150 héc-ta rau màu. Bên cạnh đó, thành phố Cần Thơ phối hợp chặt chẽ với Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế và các đơn vị liên quan tích cực hỗ trợ, hướng dẫn nông dân trong quản lý, khai thác và sử dụng nguồn rơm từ quá trình sản xuất lúa theo hướng kinh tế tuần hoàn. Đây là Chương trình nằm trong Đề án 01 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030. Qua đó, đã giúp nông dân có điều kiện nâng cao thu nhập và khắc phục tình trạng đốt bỏ rơm rạ trên đồng ruộng (vừa lãng phí, vừa tác động xấu đến môi trường).

Trong quá trình xây dựng Hệ sinh thái nông nghiệp bền vững hướng tới mục tiêu net-zero vào năm 2050, việc hình thành và phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp đóng vai trò then chốt. Chuỗi giá trị bền vững không chỉ bao gồm sản xuất, mà còn mở rộng từ khâu chế biến, bảo quản, đến tiêu thụ sản phẩm. Vị Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ cho biết, thành phố đang tập trung xây dựng các chuỗi giá trị nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng công nghệ tiên tiến nhằm giảm phát thải khí nhà kính và tăng thu nhập cho người nông dân. Trong đó, khuyến khích nông dân và doanh nghiệp tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ được xem là giải pháp đột phá.

Cần Thơ cũng đang chú trọng vào việc thúc đẩy các dịch vụ nông nghiệp hiện đại, như nghiên cứu, cung cấp giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao và khả năng chống chịu tốt với biến đổi khí hậu. Các dịch vụ tư vấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ thông minh như hệ thống canh tác tiết kiệm nước, bón phân thông minh và quản lý sâu bệnh dựa trên nền tảng số hóa được đẩy mạnh để hỗ trợ nông dân giảm phát thải trong sản xuất.

Bên cạnh đó, Thành phố đẩy mạnh Chương trình liên kết giữa các hợp tác xã, doanh nghiệp và nhà khoa học nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm thiểu lãng phí tài nguyên và nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai.

Nhìn nhận từ thực tế, ông Trường cũng cho biết, để hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn cần giải quyết. Trong đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, doanh nghiệp, nhà khoa học và cộng đồng người dân là yếu tố then chốt.

Do đó, "Thành phố Cần Thơ mong muốn Diễn đàn hôm nay sẽ là cơ hội để các bên cùng trao đổi, thảo luận và đề xuất những giải pháp đột phá, khả thi cho ngành nông nghiệp trong khu vực" - ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ nhấn mạnh và kỳ vọng rằng thông qua những kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn được chia sẻ từ các Chuyên gia, các Nhà khoa học, Diễn đàn sẽ góp phần thúc đẩy, triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững, huy động nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng như mở ra các cơ hội hợp tác hiệu quả giữa các bên liên quan, góp phần tạo sức bật cho thu hút đầu tư nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp thông minh, tạo đà bứt phá cho phát triển xanh vươn lên tầm cao mới.

Bài: Châu Huệ - Ảnh: Đình Đại