XÂY DỰNG HỆ SINH THÁI NÔNG NGHIỆP: Cơ hội để ngành nông nghiệp chuyển mình
Sản xuất lúa nước chiếm 46% tổng lượng phát thải trong nông nghiệp. Đây là một thách thức lớn, nhưng cũng mở ra cơ hội để ngành nông nghiệp chuyển mình…
Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành phát biểu tại Diễn đàn "Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững hướng tới mục tiêu net zero vào năm 2050", do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), UBND TP Cần Thơ chỉ đạo, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức ngày 19/12/2024.
Khai mạc Diễn đàn, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành nhận định, trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng nghiêm trọng, thế giới đang đứng trước yêu cầu cấp bách về giảm phát thải khí nhà kính. Việt Nam với vị thế là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất đã cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị COP26, trong đó mục tiêu đạt Net Zero vào năm 2050 là kim chỉ nam quan trọng.
Theo Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành, ngành nông nghiệp mặc dù là trụ cột của nền kinh tế Việt Nam, nhưng hiện lại chiếm hơn 30% tổng phát thải khí nhà kính quốc gia, đặc biệt là từ hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, sử dụng phân bón hóa học và đốt rơm rạ.
“Chỉ riêng sản xuất lúa nước đã chiếm 46% tổng lượng phát thải trong nông nghiệp. Đây là một thách thức lớn, nhưng cũng mở ra cơ hội để ngành nông nghiệp chuyển mình, trở thành lực lượng tiên phong trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu”, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành nhìn nhận.
Cũng theo ông Võ Tân Thành, sự phát triển nhanh chóng của nông nghiệp Việt Nam trong những năm qua không chỉ đáp ứng nhu cầu nội địa mà còn vươn xa đến các thị trường "khó tính" như Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ và Úc. Thành công này không chỉ khẳng định chất lượng nông sản Việt Nam mà còn cho thấy tiềm năng xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tiêu chuẩn toàn cầu ngày càng khắt khe, đặc biệt là yêu cầu sản xuất nông nghiệp "xanh – sạch – ít phát thải," Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Việc chuyển đổi sang mô hình nông nghiệp phát thải thấp không chỉ là yêu cầu bắt buộc để đáp ứng thị trường quốc tế mà còn là con đường sống còn để bảo vệ môi trường và gia tăng giá trị cho người nông dân.
“Chính phủ đã phê duyệt nhiều chiến lược và đề án quan trọng, điển hình là Đề án phát triển 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại Đồng bằng sông Cửu Long – một hình mẫu quốc tế về nông nghiệp carbon thấp. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, hướng tới một nền nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn và phát thải carbon thấp”, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành thông tin.
Ông cũng nhấn mạnh, một trong những giải pháp đột phá để giảm phát thải là áp dụng mô hình tín chỉ carbon. Đây không chỉ là công cụ thúc đẩy giảm thiểu phát thải mà còn tạo ra nguồn thu mới cho người nông dân thông qua giao dịch tín chỉ. Các mô hình nông nghiệp bền vững, như trồng dâu nuôi tằm tại Lào Cai hay Vĩnh Phúc, là minh chứng rõ ràng về hiệu quả của việc kết hợp sản xuất xanh với lợi ích kinh tế. Ông cũng kỳ vọng, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với vai trò là vựa lúa lớn nhất cả nước, sẽ tiếp tục tiên phong trong việc phát triển các mô hình nông nghiệp Net Zero.
“Để đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050, không thể chỉ dựa vào một cá nhân hay tổ chức. Đây là nỗ lực chung của Chính phủ, doanh nghiệp, cộng đồng khoa học và người nông dân. Chính vì vậy, Diễn đàn hôm nay là cơ hội quan trọng để các bên trao đổi, hợp tác và tìm kiếm giải pháp đồng bộ nhằm xây dựng một hệ sinh thái nông nghiệp bền vững”, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành nhấn mạnh.
Đồng thời, ông cũng đánh giá cao nỗ lực của Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp khi tổ chức sự kiện đầy ý nghĩa này. Phó Chủ tịch VCCI tin tưởng rằng, với sự hiện diện của các lãnh đạo, doanh nghiệp và chuyên gia, Diễn đàn sẽ mang lại những ý tưởng đột phá, góp phần cùng cả nước đạt được mục tiêu phát triển bền vững và Net Zero vào năm 2050.