XÂY DỰNG HỆ SINH THÁI NÔNG NGHIỆP: Liên kết “4 nhà” trong nông nghiệp, cần phải có sự đồng bộ
Đó là khẳng định của PGS TS Nguyễn Văn Sánh tại Diễn đàn "Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững hướng tới mục tiêu net zero vào năm 2050".
Phát biểu tại Diễn đàn "Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững hướng tới mục tiêu net zero vào năm 2050", do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), UBND TP Cần Thơ chỉ đạo, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức ngày 19/12/2024, PGS TS Nguyễn Văn Sánh, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội Cần Thơ đánh giá, thị trường là một yếu tố rất quan trọng đối với các doanh nghiệp. Theo dự báo của Đại học Harvard có 6 nhóm lương thực và thịt phẩm đến 2045, trong đó, có 3 nhóm có lợi thế cho sản xuất sẽ tăng cao.
Đầu tiên đó là sản phẩm từ sữa sẽ tăng 4% lên 8%. Sản phẩm thứ hai là thịt, cá, trứng và đậu tăng từ 11% lên 20%. Nhưng đặc biệt ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) là trái, rau màu sẽ tăng từ 11 lên 49%. Trong khi đó, 3 nhóm có xu hướng giảm đó là nhóm dầu mỡ, từ 11% xuống còn 3%; Sườn và các sản phẩm từ đường giảm từ 16% còn 5% và ngũ cốc và tinh bột nó cũng có thể giảm.Điều này chứng tỏ rằng cái cách ăn của người dân đã có sự thay đổi rất lớn.
Điểm thứ 2 về vấn đề dự báo sản xuất và tiêu thụ gạo, dự báo đến năm 2030 khoảng 559 triệu tấn, tuy nhiên, thương mại thật sự chỉ khoảng 10%, khoảng 60 triệu. ĐBSCL sản xuất lúa thương mại đạt khoảng 20%.
PGS TS Nguyễn Văn Sánh dự báo tiêu thụ thủy sản, tổng lượng thủy sản sẽ tăng từ 101 triệu tấn lên 178 triệu tấn. Khai thác tăng lên, nuôi trồng cũng tăng lên 5 lần, kéo theo tiêu thụ đầu người sẽ tăng lên từ 3,4kg lên 20,5kg. Do đó, nhu cầu tiêu thụ thủy sản trong giai đoạn tới rất quan trọng.
Về liên kết “4 nhà” (Nhà nước – Nhà khoa học – Doanh nghiệp – Nông dân) trong cấu trúc thị trường, theo PGS TS Nguyễn Văn Sánh, đầu tiên là phải có cấu trúc thị trường.Mỗi sản phẩm, cá, tôm, dù sản phẩm đó có là sản phẩm OCOP hay không thì cũng phải cần tiềm năng thị trường, đối thủ cạnh tranh, hạ tầng thị trường và chính sách. Những yếu tố này thuộc về Nhà nước phải làm.
“Còn đối với doanh nghiệp là cạnh tranh, còn đối với nông dân là lợi nhuận. Do đó, yếu tố thị trường, vai trò của Nhà nước là rất lớn, tạo ra khung chính sách và đầu tư hạ tầng thị trường, thì cơ hội của doanh nghiệp và người nông dân mới có thể thực hiện được”, PGS TS Nguyễn Văn Sánh chia sẻ.
Cũng theo PGS TS Nguyễn Văn Sánh, làm thế nào để có thể đo được hiệu quả thị trường dù sản xuất sản phẩm nào cũng cần phải có chất lượng đồng nhất, lượng đủ. Thời điểm thị trường càng cao thì giá thành càng hạ. Đây là công việc mà các nhà khoa học phải làm để nghiên cứu cấu trúc thị trường và thực hiện thị trường. Nếu làm được như vậy, sự tham gia của “4 nhà” và chức năng của từng nhà mới rõ ràng.
Đối với nông nghiệp sinh thái, ông cho rằng, nếu mà làm đúng chuẩn thì nó tăng năng suất khoảng 10%, tăng lại nhuận khoảng 30% và tiết kiệm được 40% nước, giảm thuốc bảo vệ thực vật 30% và giảm 11 tấn CO2 trên 1 năm. Nếu làm được việc này, vùng độc canh lúa khi được lồng ghép với chương trình nông thông mới, thì nó mới toàn diện với cái chính sách.
Đối với việc phát triển mô hình liên kết, PGS TS Nguyễn Văn Sánh đánh giá, đây là một mô hình rất quan trọng vì khi nói đến kết nối là tổng hợp của 3 khối liên quan đến cấu trúc thị trường, thực hiện thị trường, với hiệu quả thị trường, sau đó mới đến vai trò của các viện, trường, sở ngành… và mới ứng dụng công nghệ 4.0, số hóa, thông qua thương mại điện tử. Khi đó, mới thực hiện được chiến lược lớn hướng ngành nông nghiệp đến mục tiêu Net Zero.
Ông cũng cho rằng, một trung tâm đầu mối cần phải tích hợp được cả chế biến, giao thông, quản lý tài chánh, quản trị công nghệ thông tin, hải quan, vấn đề nhà kho, …tích hợp lại thì mới trở thành một trung tâm đầu mối. Theo Nghị quyết 45, trung tâm liên kết sản xuất và xuất khẩu vùng ĐBSCL tại Cần Thơ. Trung tâm đầu mới này phải liên kết được với cảng và thông quan, nếu làm được như vậy thì hàng hóa mới vào trung tâm này. Do đó, vấn đề liên kết “4 nhà” cần phải có sự đồng bộ, đưa các thành phần vào trung tâm đầu mối.
“Về xu hướng của thị trường, xu thế phát triển xanh, khoa học kỹ thuật cũng phải đi theo xu hướng này, thị trường nội địa của ngành nông nghiệp mới phát triển. Để hướng tới phát triển bền vững và xanh thì cần phải có công nghiệp xanh, và kinh tế tri thức. Đây là hai yếu tố không thể thiếu trong phát triển của ĐBSCL”, PGS TS Nguyễn Văn Sánh chia sẻ thêm.
Trân trọng cảm ơn Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) đã đồng hành cùng Diễn đàn "Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững hướng tới mục tiêu net zero vào năm 2050".