Phong cách sống

Văn hoá gia đình trong sự hình thành nhân cách con người hiện nay

ThS. Đặng Thu Hường - Học viện Chính trị khu vực I 19/12/2024 13:00

Con người là mấu chốt trong xây dựng và phát triển đất nước, vì vậy Đảng ta đã chủ trương phát triển con người toàn diện, trong đó xây dựng nhân cách có ý nghĩa rất quan trọng.

z6141813059189_4a395864562565653e51d5d52d5dffda.jpg
Trong các yếu tố hình thành nhân cách của mỗi người thì gia đình là môi trường có ảnh hưởng trực tiếp rất lớn tới sự định hình, phát triển nhân cách của con người.

Trong các yếu tố hình thành nhân cách của mỗi người thì gia đình là môi trường có ảnh hưởng trực tiếp rất lớn tới sự định hình, phát triển nhân cách của con người, nếu có được sự quan tâm đúng mức từ gia đình thì tất yếu sẽ có điều kiện phát triển lành mạnh, hình thành, phát triển nhân cách tốt. Một xã hội càng có nhiều người nhân cách tốt sẽ thúc đẩy sự phát triển góp phần đưa đất nước đi lên.

Văn hóa gia đình và sự hình thành nhân cách của con người

Văn hóa gia đình có thể được hiểu là hệ thống những giá trị, chuẩn mực đặc thù điều tiết mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và giữa gia đình với xã hội. Người Việt Nam từ xưa cho đến nay đều rất coi trọng việc xây dựng và gìn giữ văn hóa gia đình. Với người Việt chú trọng xây dựng gia đạo, gia phong và gia lễ chính là nền nếp, kỷ luật tạo nên sức mạnh của gia đình trong giáo dục con cái trưởng thành.

Đặc biệt là gia đạo, bao gồm đạo đức của gia đình như đạo hiếu, đạo ông bà, đạo cha con, đạo vợ chồng, đạo anh em. Đạo hiếu là hiếu nghĩa của con cháu đối với ông bà, cha mẹ. Gia lễ là phép ứng xử của con người theo một nguyên tắc có tôn ti trật tự theo lễ tiết, đặc biệt là việc thờ cúng tổ tiên, đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh. Ở thời đại nào văn hóa gia đình cũng là nền tảng cho văn hóa xã hội. Văn hóa gia đình giàu tính nhân văn, nhân bản, đề cao giá trị đạo đức, xây dựng nếp sống văn hóa trật tự, kỷ cương, hun đúc tâm hồn, bản lĩnh cho con người trong từng tế bào của xã hội. Bởi vậy, gia đình tốt là bảo đảm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội lành mạnh và văn minh.

Nhân cách của một người được hình thành bởi sự tác động của môi trường và giáo dục. Nhân cách được hình thành kéo dài cả quá trình, cũng như tác động bởi nhiều môi trường khác nhau: môi trường gia đình, môi trường trường học và môi trường xã hội. Trong đó môi trường gia đình đóng vai trò cốt lõi, bởi nhân cách của con người hình thành phần lớn trong thời gian khoảng 20 năm đầu đời.

Nhân cách chính là tư cách, phẩm chất của một con người. Nhân cách sẽ được đánh giá qua cách “đối nhân xử thế” của một người trong những mối quan hệ xã hội, giữa người với người, người với môi trường… Điều này tạo nên phẩm giá, giá trị của một con người. Tuy nhiên nhân cách không phải tự nhiên đã có. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết:

“Ngủ thì ai cũng như lương thiện,

Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ, hiền;

Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn,

Phần nhiều do giáo dục mà nên.”

(Bài thơ “Nửa đêm” – Trích Nhật kí trong tù – Hồ Chí Minh)

Do đó có thể khẳng định nhân cách của một người được hình thành bởi sự tác động của môi trường và giáo dục. Nhân cách được hình thành kéo dài cả quá trình, cũng như tác động bởi nhiều môi trường khác nhau: môi trường gia đình, môi trường trường học và môi trường xã hội. Trong đó môi trường gia đình đóng vai trò cốt lõi, bởi nhân cách của con người hình thành phần lớn trong thời gian khoảng 20 năm đầu đời.

Đây cũng là thời gian mỗi người sống trong gia đình nhiều nhất, được “nhào nặn” về nhân cách rõ nét nhất. Một nhân cách tốt là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của mỗi người trong cuộc sống, nhân cách tốt cũng là yếu tố đảm bảo cho một xã hội ổn định, phát triển, văn minh và hạnh phúc.

Đối với bất cứ ai, thì gia đình vẫn là môi trường văn hóa đầu tiên để mỗi con người tiếp nhận những giá trị văn hóa của dân tộc, của địa phương. Gia đình là một xã hội thu nhỏ, nơi mỗi người lần đầu tiên tiếp xúc với nhiều “người khác”, học hỏi cách giao tiếp với “người khác” và đó cũng là nơi mỗi con người được học những bài học đầu tiên để biết làm người. Đây là vấn đề có ý nghĩa xã hội cực kỳ quan trọng để từ đó xây dựng và phát triển đất nước theo chủ trương, định hướng của Đảng ta đề ra.

Đảng ta luôn đề cao và quán triệt sự phát triển của gia đình đồng hành với sự phát triển của sức sản xuất và điều kiện kinh tế-xã hội. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh “…gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng xã hội chủ nghĩa mà phải chú ý hạt nhân cho tốt”.

Trong các văn kiện của Đảng ở từng thời kỳ đều nhấn mạnh đến việc xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991) khẳng định: “Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi thân yêu nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường quan trọng giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách”; Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã nhấn mạnh: “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách”.

Việc xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ “thật sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người” cũng đã được khẳng định trong các Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X, XI, trong Chỉ thị số 49- CT/TW Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IX) về xây dựng gia đình Việt Nam thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước ngày 21/02/2005.

Ngày 04/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ/TTg lấy ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam với mục đích là: Đề cao trách nhiệm lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Gần đây nhất, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư (Ban chấp hành TƯ 2021), Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 (Quyết định số 2238/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ) đều nhấn mạnh đến mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Như vậy, xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ là mục tiêu xuyên suốt trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước Việt Nam những thập niên qua.

béo 1
Việc xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ “thật sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người”.

Vai trò của văn hóa gia đình đối với sự hình thành nhân cách con người

Vai trò của gia đình trong xây dựng, phát triển con người luôn được Đảng ta đặt ở vị trí trọng tâm trong chiến lược xây dựng và phát triển đất nước. Trong các văn kiện, văn bản, nghị quyết của Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định điều đó. Con người chính là nhân tố trung tâm, trọng yếu quyết định vận mệnh, vị thế của đất nước. Trong đó văn hóa gia đình có sự ảnh hưởng sâu sắc nhấ đối với sự phát triển nhân cách của mỗi con người.

Vì vậy, cần xác định vai trò văn hóa gia đình trong hình thành nhân cách con người ở các nội dung cụ thể. Vai trò của văn hóa gia đình tác động đến sự hình thành nhân cách của con người thông qua giáo dục. Môi trường giáo dục của văn hóa gia đình thể hiện ở các mảng căn bản về nền tảng tính cách con người. Trong gia đình, những đứa trẻ sẽ được tiếp nhận sự giáo dục về đạo đức, về truyền thống văn hóa dân tộc, về thiên chức giới tính.

Giáo dục về đạo đức hình thành nhân cách của con người. Môi trường gia đình được coi như là trường học đầu tiên của mỗi người. Đứa trẻ lớn lên tiếp nhận từ gia đình bầu không khí, nề nếp, gia phong, cách ứng xử với ông bà, cha, mẹ, anh chị em… Nếu một đứa trẻ được lớn lên trong một gia đình hạnh phúc mọi người có mối quan hệ ứng xử tốt đẹp, hiểu biết, sẻ chia, thông cảm… Cha mẹ thương yêu nhau, chăm sóc, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo đối với ông bà… Đứa trẻ đó sẽ chịu ảnh hưởng và được hình thành những tính cách, phẩm chất, nề nếp, gia phong tốt đẹp của gia đình.

Đây là nền tảng vô cùng quan trọng tạo nên một con người sống có trách nhiệm, nhân ái sau này. Ngược lại, một gia đình không chuẩn mực sẽ dẫn con trẻ đến suy nghĩ và có hành vi lệch chuẩn. Văn hoá gia đình và giáo dục trong một gia đình văn hóa tạo ra nền nếp, kỷ cương để mọi người cùng thực hiện và đó cũng chính là gia lễ, gia phong - cái gốc của gia đình, giữ cho con người Việt Nam và tạo cho gia đình và xã hội Việt Nam một sức sống mãnh liệt.

Giáo dục về truyền thống văn hóa dân tộc. Văn hóa gia đình biểu hiện rất rõ các hoạt động lưu giữ, phổ biến, truyền đạt những giá trị văn hóa dân tộc của các thành viên. Những người được tiếp nhận các giá trị văn hóa đó từ thế hệ trước và truyền dạy lại cho các con cháu thế hệ sau. Lúc thơ ấu lớn lên trong lời ru, câu chuyện kể của bà, của mẹ. Lớn hơn là cách đối nhân xử thế, tích lũy các kinh nghiệm sống.

Các phong tục, nghi thức trong những ngày lễ Tết của dân tộc được mỗi gia đình tiến hành trang nghiêm, đầy ý nghĩa, như lễ cúng gia tiên trong đêm Giao thừa, lễ cúng ông Công, ông Táo vào 23 tháng Chạp, tục lệ hái lộc, đi xin chữ, đi lễ Chùa đầu năm mới…. Truyền thống văn hóa được truyền dạy trực tiếp từ ông bà, cha mẹ với nhiều hình thức truyền dạy các giá trị văn hóa đa dạng, phong phú góp phần tạo nên “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam. Từ giá trị văn hóa truyền thống được chắt lọc, các thế hệ nối tiếp sẽ bồi đắp thêm những gía trị văn hóa mới theo sự phát triển chung của nhân loại.

Gia đình cũng là môi trường giáo dục về thiên chức giới tính. Mỗi đứa trẻ lớn lên sẽ hình thành ý thức về vai trò của từng thành viên trong gia đình. Người mẹ khéo léo, tế nhị mềm mại đảm nhận những công việc nhẹ nhàng, tỉm mỉ, có phần hướng nội. Ngược lại, người cha với sức vóc mạnh mẽ sẽ đảm nhận những công việc nặng hơn và hướng ngoại nhiều hơn.

Nhưng quan trọng nhất là giữa cha và mẹ, vợ và chồng cần có sự gắn kết chặt chẽ, chia sẻ mọi công việc trong gia đình, hỗ trợ nhau trong công việc cá nhân trên cơ sở tôn trọng và chân thành, trách nhiệm và tình yêu thương. Được lĩnh hội những yếu tố này trong quá trình trưởng thành, mỗi đứa trẻ sau này khi đã có gia đình riêng sẽ theo hướng xây dựng một gia đình như vậy cho mình.

Văn hóa gia đình còn là giáo dục về lao động. Sự chăm chỉ cần cù, nhẫn nại trong mọi công việc, mọi hoàn cảnh đều rất cần thiết. Do vậy, trong một gia đình yêu lao động, chăm chỉ làm việc để tạo ra của cải, vật chất để cải thiện cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn. Đứa trẻ sẽ sớm nhận ra rằng chăm chỉ làm việc mới tạo ra những mình mong muốn. Chăm chỉ lao động là chìa khóa của mọi thành công. Con người chăm chỉ cũng chính là chìa khóa của một đất nước phát triển, hạn chế những tệ nạn đem lại môi trường trong sạch cho xã hội.

Giáo dục trong gia đình cần có sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, toàn diện các mặt. Ông, bà, cha, mẹ không chỉ giáo dục con trẻ đạo đức và văn hóa gia đình, giáo dục lao động, giáo dục phát triển trí tuệ, giáo dục thể lực toàn diện, giáo dục thẩm mỹ…giúp con trẻ hình thành nhân cách, sớm ý thức được trách nhiệm của mình đối với mọi người và mọi người đối với mình trong gia đình.

z6141801898655_8601326c6251ee3a1df439346b3013cf.jpg
Văn hóa gia đình chính là thành lũy kiên cố để bảo vệ và giúp con trẻ duy trì, phát huy được những giá trị chân, thiện, mỹ từ truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Văn hóa gia đình chính là thành lũy kiên cố để bảo vệ và giúp con trẻ duy trì, phát huy được những giá trị chân, thiện, mỹ từ truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; đồng thời, khơi dậy cho con trẻ những ý tưởng sáng tạo, hình thành lối sống lành mạnh, góp phần vào quá trình giáo dục, hình thành và phát triển nhân cách con người.

Văn hóa Việt Nam với cấu trúc đặc trưng Nhà - Làng - Nước, cuộc sống của các gia đình có ổn định thì làng mới bình yên và đất nước mới thịnh vượng. Nhờ cấu trúc đó, trong trường kỳ lịch sử của đất nước hàng ngàn năm qua, có những lúc đất nước bị xâm lăng, thậm chí là bị đô hộ, nhưng nhờ cuộc sống của các làng và các gia đình vẫn ổn định, nên đất nước đã vượt qua sự suy yếu. Hơn thế nữa, nhờ sự ổn định của các gia đình và làng mạc nên các giá trị của văn hóa dân tộc vẫn được lưu giữ, được bồi đắp và trở thành động lực cho sự trỗi dậy của đất nước.

Một số giải pháp phát huy văn hóa gia đình góp phần phát triển nhân cách con người

Việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về gia đình giữa các ngành còn chưa đồng bộ, còn nhiều vướng mắc, chưa có sự phối hợp hiệu quả, chưa được đầu tư thỏa đáng cả về con người và kinh phí.

Thứ nhất: Nâng cao nhận về văn hóa gia đình cũng như tầm quan trọng của văn hóa gia đình đối với sự hình thành nhân cách con người và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nói chung theo mục tiêu của Chiến lược Xây dựng gia đình Việt Nam “Từng bước ổn định, củng cố và xây dựng gia đình ít con, no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc”.

Xây dựng văn hóa gia đình cần chú trọng: xây dựng gia đình có kỷ cương, nề nếp. Cha mẹ nuôi con khoẻ, dạy con ngoan, tạo điều kiện cho con rèn luyện sức khoẻ, đạo đức, học tập, đáp ứng nhu cầu xã hội. Chăm sóc cha mẹ già chu đáo, đối xử bình đẳng với các con. Con cái phải kính trên, nhường dưới, tôn trọng nhau, anh em hoà thuận.

Ở góc độ xã hội, huy động sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị xã hội trong việc giáo dục văn hoá gia đình cho các các nhân trong tổ chức thông qua các hoạt động tập huấn, tư vấn, giáo dục tiền hôn nhân…Như vậy sẽ hạn chế được những tiêu cực đang nảy sinh xâm hại đến gia đình, phát huy các giá trị vốn có tốt đẹp của gia đình Việt Nam.

Thứ hai: Việc xây dựng văn hóa gia đình cũng cần được nghiên cứu một cách nghiêm túc, có quy mô ở mọi khía cạnh. Những yếu tố tác động từ bên trong, bên ngoài để có nhận định, đánh giá chính xác những giá trị đã định hình từ truyền thống, tiếp nhận và bôi đắp thêm các giá trị và chuẩn mực mới của văn hóa gia đình vừa phù hợp với bối cảnh hiện nay, vừa hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.

Gia đình giữ một vai trò thiết yếu trong việc hình thành nhân cách của con người. Dù có những khuyết điểm và thử thách, gia đình vẫn là nguồn gốc của sự ảnh hưởng, giáo dục và tình yêu thương từ những người thân yêu.

Năm 2022, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội tổ chức Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”, khẳng định sự chú trọng của Đảng và Nhà nước, các Ban, Ngành về việc nghiên cứu sâu, rộng văn hóa gia đình, từ đó phát huy các giá trị gia đình đối với việc xây dựng con người, phát triển đất nước. Nghiên cứu xây dựng những mô hình về gia đình văn hoá, đồng thời những tấm gương cha mẹ nuôi dạy con cái ngoan ngoãn, giỏi giang, hay hành vi ứng xử của con cháu thể hiện lễ nghĩa hiếu thuận với ông bà, cha mẹ cần được biểu dương, lan tỏa tới cộng đồng.

Thứ ba: Phát huy mạnh mẽ vai trò của nhà trường đối với việc tham gia giáo dục văn hoá gia đình. Nội dung học tập cần có chương trình giáo dục văn hoá gia đình, quy tắc ứng xử trong cuộc sống cho học sinh, bởi đây là những chủ thể, hạt nhân của các gia đình trong tương lai.

Bởi vậy, thanh thiếu niên cần được trang bị những kiến thức nền tảng về văn hoá gia đình ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Hiểu được giá trị của những bài học về mối quan hệ yêu thương, đùm bọc giữa các thành viên trong gia đình sẽ là hành trang quan trọng để mỗi người có thể giải quyết được những tình huống khó khăn trong cuộc sống.

Thứ tư: Cần luật hoá những quy định về chuẩn mực đạo đức gia đình, văn hoá gia đình thông qua việc hoàn thiện các văn bản luật, các chủ trương chính sách về xây dựng gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình. Điều chỉnh các tiêu chí gia đình văn hoá ở khu dân cư một cách đồng bộ, sáng tạo, thiết thực. Quá trình xét và công nhận gia đình văn hoá, phải được dựa trên những tiêu chí cụ thể, sát thực, khả thi.

Gia đình giữ một vai trò thiết yếu trong việc hình thành nhân cách của con người. Dù có những khuyết điểm và thử thách, gia đình vẫn là nguồn gốc của sự ảnh hưởng, giáo dục và tình yêu thương từ những người thân yêu. Mỗi cá nhân cần chủ động, nâng cao ý thức cải thiện và phát triển bản thân, để trở thành những công dân có ích cho xã hội. Đồng thời, nhận thức vai trò quan trọng của việc xây dựng và phát huy văn hóa gia đình trong phát triển đất nước tại bối cảnh hiện nay.

Tiêu chí ứng xử chung: Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ.

- Nguyên tắc “Tôn trọng”: Đánh giá đúng mực, coi trọng danh dự, phẩm giá, quan điểm, sự lựa chọn và lợi ích của nhau; tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau.

- Nguyên tắc “Bình đẳng”: Có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.

- Nguyên tắc “Yêu thương”: Có tình cảm gắn bó, quan tâm chăm sóc nhau.

- Nguyên tắc “Chia sẻ”: Cùng nhau vun đắp tình cảm, chia sẻ vui buồn, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn.

Tiêu chí ứng xử của anh, chị, em: Hòa thuận, chia sẻ.

- Anh, chị, em tôn trọng, bảo nhau điều hay, lẽ phải.

- Anh chị bao dung đối với em, em kính trọng anh chị.

- Cùng chia sẻ với nhau công việc chung trong gia đình, giúp đỡ nhau khi khó khăn, hoạn nạn.

logo gd

ThS. Đặng Thu Hường - Học viện Chính trị khu vực I