Vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ
Gia đình từ lâu đã được ví như cái nôi đầu tiên của mỗi con người, nơi trẻ em nhận được sự yêu thương, chăm sóc, và định hướng những giá trị sống.
Trong bối cảnh xã hội hiện đại đầy thách thức, khi sự phát triển kinh tế và công nghệ mang lại cả cơ hội lẫn nguy cơ, vai trò của gia đình trong việc nuôi dưỡng và giáo dục thế hệ trẻ ngày càng trở nên quan trọng.
Gia đình là nền tảng đầu tiên
Gia đình không chỉ là nơi trẻ em được sinh ra mà còn là môi trường đầu tiên mà trẻ tiếp xúc. Trẻ em học cách nói chuyện, hành xử và hình thành nhân cách từ những điều nhỏ bé trong gia đình. Do đó, một gia đình tràn đầy yêu thương sẽ giúp trẻ cảm nhận được sự an toàn, hình thành lòng tự tin và ý thức về giá trị bản thân. Khi trẻ biết rằng mình luôn được cha mẹ yêu thương, bảo vệ, chúng sẽ có động lực để khám phá và học hỏi.
Trên thực tế, trẻ em thường học qua việc quan sát. Những hành động của cha mẹ, từ cách giao tiếp, đối xử với người khác đến cách giải quyết khó khăn đều là tấm gương để trẻ noi theo. Một người cha biết giữ lời hứa hay một người mẹ ân cần sẽ dạy cho trẻ những giá trị đạo đức quan trọng như trung thực, tôn trọng và trách nhiệm.
Sự phát triển của trẻ không chỉ phụ thuộc vào trường học hay xã hội mà còn nằm phần lớn ở gia đình. Ông bà, cha mẹ là người đầu tiên khơi dậy trí tò mò, sáng tạo của trẻ. Những câu chuyện kể trước khi đi ngủ, những lần cùng con làm bài tập hay đơn giản là những cuộc trò chuyện sẽ giúp trẻ phát triển tư duy, khả năng ngôn ngữ và sự tự tin trong học tập.
Đáng chú ý, trong việc hình thành nhân cách và kỹ năng xã hội thì gia đình là một yếu tố vô cùng quan trọng. Một đứa trẻ được nuôi dạy trong gia đình có sự gắn bó chặt chẽ thường biết cách tôn trọng và hòa nhập với cộng đồng. Ngược lại, thiếu sự quan tâm từ gia đình có thể khiến trẻ dễ bị tổn thương về tâm lý, thiếu kỹ năng xã hội và dễ bị cuốn theo những ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài.
Như vậy, có thể thấy rằng, gia đình đảm đương những vai trò đặc biệt mà không có một thiết chế xã hội nào có thể thay thế được, đó là: giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ là để hướng tới sự hình thành và phát triển nhân cách và quan trọng hơn nữa là giáo dục đạo hiếu; Giáo dục văn hóa cho thế hệ trẻ, để trở thành người có khả năng làm chủ xã hội, làm chủ bản thân; Giáo dục lao động - nghề nghiệp và rèn luyện tính tự lập cho thế hệ trẻ trong mỗi gia đình cũng có vai trò đặc biệt quan trọng và giáo dục kỹ năng sống giúp thế hệ trẻ phát triển nhận thức về mọi mặt, biết yêu thương, quan tâm, thích nghi với môi trường xung quanh.
Gia đình từ lâu đã được ví như cái nôi đầu tiên của mỗi con người, nơi trẻ em nhận được sự yêu thương, chăm sóc, và định hướng những giá trị sống.
Thách thức đối với gia đình trong việc giáo dục thế hệ trẻ
Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện đại, việc nuôi dạy trẻ em đang đối mặt với nhiều thách thức đến từ các yếu tố kinh tế, văn hóa, và công nghệ. Những yếu tố này không chỉ ảnh hưởng đến mối quan hệ gia đình mà còn tạo ra những áp lực lớn trong quá trình giáo dục và định hướng phát triển cho thế hệ trẻ.
Trong thời đại 4.0, các thiết bị điện tử và mạng xã hội dần chiếm lĩnh thời gian của cả cha mẹ và con cái. Nhiều gia đình gặp khó khăn trong việc kiểm soát việc trẻ tiếp cận thông tin trên mạng, dẫn đến những hệ lụy tiêu cực như lệ thuộc công nghệ, bạo lực mạng, hoặc suy giảm khả năng giao tiếp thực tế.
Mặt khác, các gia đình hiện đại ngày nay đều gặp phải vấn đề khoảng cách thế hệ trong sử dụng công nghệ. Nhiều cha mẹ chưa có đủ kiến thức hoặc kỹ năng để kiểm soát việc sử dụng công nghệ của con. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc định hướng trẻ, đặc biệt khi trẻ bị ảnh hưởng bởi các xu hướng, thần tượng hoặc bạn bè xấu trên mạng.
Áp lực kinh tế và thời gian hạn chế của cha mẹ cũng là vấn đề đáng lưu ý. Trong các gia đình hiện nay, đặc biệt tại các thành phố lớn, cha mẹ thường phải làm việc với cường độ cao để đáp ứng nhu cầu kinh tế. Điều này khiến thời gian dành cho con cái bị thu hẹp, dẫn đến tình trạng “cha mẹ kiếm tiền, con cái tự lớn”.
Trẻ em thiếu sự giám sát và đồng hành của cha mẹ dễ cảm thấy cô đơn và thiếu thốn tình cảm. Việc cha mẹ quá bận rộn cũng khiến trẻ em dễ tìm kiếm sự chú ý và ảnh hưởng từ bên ngoài, đặc biệt là các nguồn tiêu cực trên mạng xã hội.
Chúng ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức, đặc biệt là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và thế giới. Chính vì vậy, khát vọng của dân tộc Việt Nam hiện nay là: Xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển hùng cường, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng XHCN.
Và mục tiêu cụ thể, đó là: Đến năm 2025: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; Đến năm 2030: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Đặc biệt, trong bài phát biểu của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 cũng đã chỉ rõ những thành tố quan trọng trong hệ giá trị gia đình Việt Nam thời kỳ mới mà Việt Nam phải vươn tới đó chính là: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh.
Khi bối cảnh xã hội thay đổi, khát vọng của dân tộc có nội dung và biểu hiện mới, đòi hỏi các chủ thể giáo dục, đặc biệt là giáo dục gia đình cần có nội dung và cách thức giáo dục mới để khơi dậy mạnh mẽ ý chí và khát vọng cống hiến, khát vọng phát triển đất nước của mỗi cá nhân.
Việc phát huy, tiếp nhận các giá trị mới của gia đình trong cuộc sống hiện đại cũng làm cho gia đình có đủ sức mạnh lan tỏa các giá trị yêu thương, chăm sóc, không phụ thuộc vào thời gian, khoảng cách địa lý và khoảng cách về thế hệ.
Trong nhịp sống bận rộn, điều quan trọng nhất là cha mẹ cần ưu tiên thời gian cho con cái, đặc biệt là trong các hoạt động chung như ăn uống, trò chuyện, học tập hoặc vui chơi. Những giờ phút này không chỉ giúp trẻ cảm nhận được sự quan tâm mà còn là cơ hội để cha mẹ hiểu rõ hơn tâm tư, nguyện vọng của con.
Bên cạnh đó, việc nuôi dạy trẻ cần được thực hiện một cách khoa học. Như PGS.TS Đặng Thị Hoa, Viện Tâm lý học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đánh giá, trước những hỗn dung về văn hóa xâm nhập vào mỗi gia đình Việt Nam, việc bảo vệ, giữ gìn các giá trị văn hóa gia đình truyền thống cần được coi trọng với những thuần phong, mỹ tục của gia đình.
Cách đối xử trọng già, thương trẻ; anh em hòa thuận, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển; cách thức coi trọng chữ hiếu trong gia đình, nuôi dưỡng đức tính hiếu thuận và nhân nghĩa của con trẻ đã làm cho gia đình Việt Nam có tính bền vững và trường tồn.
Việc phát huy, tiếp nhận các giá trị mới của gia đình trong cuộc sống hiện đại cũng làm cho gia đình có đủ sức mạnh lan tỏa các giá trị yêu thương, chăm sóc, không phụ thuộc vào thời gian, khoảng cách địa lý và khoảng cách về thế hệ.
Gia đình là nền tảng, là cái nôi giúp mỗi đứa trẻ lớn lên và trưởng thành một cách trọn vẹn. Trong bối cảnh xã hội hiện nay, việc đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng và giáo dục trẻ không chỉ là trách nhiệm của từng người cha, người mẹ nhưng cũng là nhiệm vụ chung của cộng đồng. Hãy để tình yêu thương, sự quan tâm và những giá trị nhân văn của gia đình lan tỏa, trở thành ánh sáng dẫn lối cho thế hệ trẻ – tương lai của đất nước và xã hội.
Tiêu chí ứng xử của anh, chị, em: Hòa thuận, chia sẻ.
- Anh, chị, em tôn trọng, bảo nhau điều hay, lẽ phải.
- Anh chị bao dung đối với em, em kính trọng anh chị.
- Cùng chia sẻ với nhau công việc chung trong gia đình, giúp đỡ nhau khi khó khăn, hoạn nạn.