Cố vấn - huấn luyện

Điều chỉnh pháp lý cho công nghệ đột phá

ThS. Mai Nguyễn Dũng, Tô Kiến Lương - Trường ĐH Kinh tế TPHCM 21/12/2024 8:21

Việt Nam có tỉ lệ SMEs rất cao (trên 95% tổng số doanh nghiệp) với nhiều startups.

cong nghe 2
Để thực hiện điều chỉnh pháp lý cho nhóm các doanh nghiệp công nghệ đột phá, các cơ quan quản lý cần tiến hành tham vấn các tổ chức xã hội, hiệp hội ngành nghề và các doanh nghiệp để tìm ra được phương án tối ưu.

Việc áp dụng pháp lý công nghệ đột phá sao cho tránh dẫn đến các gánh nặng về chi phí với nhóm các doanh nghiệp này là vô cùng cần thiết.

Trước ngưỡng của kỷ nguyên vươn mình, đột phá với động lực tăng trưởng truyền thống lẫn động lực tăng trưởng mới, Việt Nam cần khắc phục những thách thức mà Cuộc CMCN 4.0 mang lại, nhằm thực hiện các định hướng theo Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghệ lần thứ tư đến năm 2030.

Các thách thức

Trong đó bao gồm thách thức trong xây dựng thể chế và pháp luật do sự xuất hiện các mối quan hệ kinh tế - xã hội mới trên nền tảng số như: các loại tài sản mới, các mô hình kinh doanh mới, hoạt động kinh doanh xuyên biên giới, cũng như sự không tương thích giữa thể chế, pháp luật và thực tiễn kinh tế có thể tạo ra xung đột hoặc cản trở phát triển.

Để đạt được những mục tiêu trên, chiến lược đặt ra những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, trong đó bao gồm việc phải rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực khác nhau để đảm bảo hạ tầng số đi trước; xây dựng khung thể chế thử nghiệm cho các dịch vụ công nghệ tài chính (Fintech); xây dựng và hoàn thiện khung pháp luật về tài sản, hợp đồng, quyền sở hữu và các vấn đề khác có liên quan.

Các công nghệ đột phá sẽ làm thay đổi phương thức sản xuất và cách thức vận hành, từ đó có thể dẫn đến sự thay đổi về phương pháp, cách thức mà pháp luật điều chỉnh. Những công nghệ đột phá đã làm phát sinh nhiều vấn đề pháp lý mới và chưa từng có tiền lệ.

Trước mắt, một số thách thức được nhận diện gồm: Tính “không biên giới; Các rào cản kỹ thuật; Các tranh luận. Các thách thức này dẫn đến quá trình điều chỉnh cần xem xét sao cho phù hợp. Chẳng hạn với thách thức về sự tranh luận, sẽ có lập luận liệu các công nghệ này có thể làm suy yếu hay xoá bỏ các sản phẩm, công ty hoặc toàn bộ các ngành hiện có. Quy định về các sản phẩm, công nghệ hoặc phương thức kinh doanh mới có thể thuộc phạm vi, quyền hạn của nhà nước nhưng không phù hợp với khuôn khổ quy định hiện có của nhà nước. Điều này dẫn đến một câu hỏi, liệu chúng ta nên quản lý chặt hay để mở? Và đâu là một mức độ cân bằng hợp lý giữa một bên là đảm bảo sự đổi mới sáng tạo, và bên còn lại là các biến tướng có thể phát sinh? Liệu rằng, làm cách nào để xoá đi các vùng xám (grey zone)? Câu trả lời là không dễ dàng...

Điều chỉnh thông minh

Trong quá trình xây dựng các quy định về việc điều chỉnh các công nghệ đột phá, các nguyên tắc về điều chỉnh thông minh (smart regulation) kết nối giữa nhà nước – doanh nghiệp – bên thứ ba cần phải được áp dụng và thực hiện.

Mô hình điều chỉnh thông minh bao gồm tự điều chỉnh và đồng điều chỉnh, sử dụng các lợi ích thương mại gắn với doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ (NGOs) (chẳng hạn như các cơ quan cao cấp) làm đại diện quản lý, cùng với việc cải thiện hiệu lực và hiệu quả của các hình thức điều tiết thông thường của chính phủ.
Để thực hiện chiến lược điều chỉnh này, thứ nhất, các cơ quan quản lý cần tiến hành tham vấn các tổ chức xã hội, hiệp hội ngành nghề và các doanh nghiệp để tìm ra được phương án tối ưu.

Thứ hai, cần phải yêu cầu các doanh nghiệp công nghệ ban hành các quy định về quản trị nội bộ đối với thông tin mà mình thu thập, đồng thời xây dựng mô hình kiểm soát quá trình xử lý thông tin trong các trường hợp đặc biệt. Thứ ba, các tổ chức xã hội khác như hiệp hội, các tổ chức có lợi ích, các tổ chức phi chính phủ cũng có thể tham gia quá trình này bằng việc đánh giá mức độ tuân thủ cũng như soạn thảo các báo cáo đối với hoạt động sử dụng các công nghệ đột phá. Thứ tư, là nhà nước cần phải xem xét lại mối quan hệ giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp.

Thứ năm, là hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-ups) và các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Việt Nam có tỉ lệ SMEs rất cao (trên 95% tổng số doanh nghiệp) với nhiều startups. Điều này dẫn đến việc áp dụng chiến lược điều chỉnh thông minh có thể sẽ tạo ra các gánh nặng về chi phí cho nhóm các doanh nghiệp này. Do đó, nhà nước có thể hỗ trợ nhóm doanh nghiệp này trong việc soạn thảo (các) mẫu tuyên bố về tiêu chuẩn nội bộ hay cam kết tuân thủ, tháo dỡ các thủ tục hành chính, cũng như hỗ trợ ban đầu trong việc kết nối nhóm doanh nghiệp này để tạo thuận lợi trong quá trình quản lý, và cân nhắc đến nhóm đối tượng này khi ban hành quy định.

Ở Châu Âu, chiến lược này đã tỏ ra hiệu quả bởi họ thực hiện đồng thời cả bốn yếu tố (i) áp dụng miễn trừ doanh nghiệp siêu nhỏ; (ii) đưa ra các cơ chế quản lý nhẹ nhàng hơn cho SMEs; (iii) giới thiệu bảng quy định đối với SMEs (gồm các sáng kiến quy định dự kiến sẽ có tác động đáng kể đến SMEs); và (iv) đảm bảo tính phù hợp với quy định khi áp dụng đối với SMEs.

ThS. Mai Nguyễn Dũng, Tô Kiến Lương - Trường ĐH Kinh tế TPHCM