Kinh tế địa phương

Đồng Tháp: Công nghiệp làm động lực tăng trưởng

Trí Dũng 21/12/2024 15:49

Đồng Tháp hiện có 710 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, tăng 270 doanh nghiệp so với cuối năm 2020. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm hơn 91% số doanh nghiệp.

Với môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, ngành công nghiệp Đồng Tháp đã và đang góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

che bien DT
Chế biến xoài bằng công nghệ cấp đông hiện đại ở Đồng Tháp.

Đồng Tháp hiện có 710 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, tăng 270 doanh nghiệp so với cuối năm 2020. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm hơn 91% số doanh nghiệp.

Phát triển công nghiệp chế biến theo chiều sâu

Chế biến thủy sản được xem là thế mạnh của tỉnh Đồng Tháp. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 28 doanh nghiệp chế biến thủy sản, với tổng công suất thiết kế trên 700.000 tấn/năm. Bên cạnh đó, có 11 doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất cá tra về chế biến dầu cá, collagen, gelatin từ da cá tra, chế biến bột cá và mỡ cá tra góp phần gia tăng hiệu quả kinh tế của ngành. Hướng đến nâng cao giá trị của ngành hàng thế mạnh này, 100% doanh nghiệp đầu tư các thiết bị máy móc hiện đại vào sản xuất, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Trên địa bàn tỉnh có 28 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản với thị trường trọng điểm là Trung Quốc, Mỹ và EU...

Lúa gạo là 1 trong 5 ngành hàng tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh. Theo đó, toàn tỉnh có khoảng 174 doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành chế biến lương thực (xay xát, lau bóng), công suất thiết kế khoảng 6,6 triệu tấn/năm. Tham gia vào chuỗi sản xuất chế biến lương thực còn có 10 doanh nghiệp chế biến các sản phẩm sau gạo, 400 cơ sở sản xuất bột gạo các loại, 26 cơ sở sản xuất củi trấu và 3 dự án đầu tư chiết xuất dầu cám. Trên địa bàn tỉnh hiện có 14 doanh nghiệp xuất khẩu gạo với các thị trường trọng điểm bao gồm: Philippines, Singapore, Trung Quốc, Indonesia...

Công nghiệp chế biến rau quả, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 92 doanh nghiệp/Hợp tác xã đang hoạt động, tổng công suất thiết kế chế biến trên 50.000 tấn thành phẩm/năm. Xoài là sản phẩm chủ lực của tỉnh, hiện có 25 doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến từ các nguyên liệu xoài với một số sản phẩm chính như: xoài sấy dẻo, cấp đông, nước ép, rượu xoài... Ước tính sản phẩm xoài sau chế biến là 735 tấn thành phẩm/năm, tương đương 7.350 tấn xoài nguyên liệu. Đối với các sản phẩm từ sen đang được đa dạng hóa, Đồng Tháp có khoảng 25 doanh nghiệp sản xuất, chế biến sen thuộc các nhóm thực phẩm, thủ công mỹ nghệ. Hiện có 7 doanh nghiệp xuất khẩu nông sản chế biến sang các thị trường trọng điểm bao gồm: Nga, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc...

Năm 2024, hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi và phát triển, các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp năm 2024 (giá so sánh 2010) ước đạt 12.572 tỷ đồng, tăng 10,08% so với năm 2023, đạt 100,09% kế hoạch năm (KH 12.560 tỷ đồng), trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10.17%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,45%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý xử lý rác thải tăng 5%; ngành khai khoáng tăng 17,31% so với cùng kỳ.

Đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Bà Võ Phương Thủy - Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp cho biết, thời gian qua, các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đầu tư, xuất khẩu được các cấp, các ngành và địa phương xác định là nhiệm vụ trọng tâm, tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Qua đó, hoạt động sản xuất công nghiệp khởi sắc ngay từ đầu năm và duy trì tăng trưởng.

Với nhiều chương trình kết nối giao thương, quảng bá sản phẩm thông qua các hoạt động như: Tuần hàng sen Đồng Tháp tại Siêu thị Go!, Hội chợ Công thương vùng đồng bằng sông Cửu Long - Đồng Tháp năm 2024; Phiên chợ đưa “Hàng Việt về khu công nghiệp”, Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II… đã giới thiệu, thúc đẩy phân phối hàng hóa của tỉnh vào hệ thống phân phối trong và ngoài tỉnh, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Bên cạnh đó, ngành tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thế mạnh trong ưu đãi các Hiệp định thương mại thông qua công tác thông tin, tuyên truyền, hội nghị, hội thảo do bộ, ngành Trung ương và địa phương tổ chức... Cùng với sự chủ động trong tìm kiếm đối tác, khai thác thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp, kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đạt gần 1,9 tỷ USD, tăng hơn 42% so với cùng kỳ.

Theo bà Võ Phương Thủy, thời gian tới, ngành Công Thương tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp. Trọng tâm là thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ giải pháp của Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp tỉnh Đồng Tháp; kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, chủ động, tích cực tháo gỡ theo thẩm quyền hoặc kịp thời tham mưu với cấp có thẩm quyền giải quyết.

Ngành Công Thương cũng tập trung triển khai “Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến sâu kết hợp phát triển ngành công nghiệp chủ lực tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” nhằm giữ vững các ngành công nghiệp có lợi thế, phát triển công nghiệp công nghệ cao, nâng cao chuỗi giá trị...

Bên cạnh đó, Sở Công Thương tập trung thúc đẩy phát triển thương mại - dịch vụ theo hướng hiện đại, mở rộng thị trường cho các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đưa sản phẩm vào các kênh phân phối lớn, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử… hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu, tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA, đặc biệt là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu... qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp địa phương, góp phần đưa sản phẩm của Đồng Tháp đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Trí Dũng