Giải pháp để du lịch nông thôn “cất cánh”
Giàu tài nguyên, văn hóa là tiền đề để du lịch nông thôn phát triển nhằm đa dang hóa sản phẩm, góp phần thúc đẩy du lịch xanh theo định hướng đã đề ra.
Sự phong phú về sinh thái và văn hóa của khu vực nông thôn dần được quan tâm, phát triển trở thành một loại hình du lịch có nhiều tiềm năng, có khả năng kích thích tăng trưởng kinh tế địa phương, đóng góp vào tăng trưởng GDP, tạo việc làm cũng như giảm tính thời vụ của du lịch.
“Hấp thụ” động lực từ chính sách
Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, ban hành và triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, đưa du lịch nông thôn vào các chương trình phát triển lớn. Một trong những định hướng quan trọng đó là “phát triển sản phẩm đặc sản địa phương, làng nghề, phát triển kinh tế dịch vụ, du lịch nông thôn trên cơ sở bảo tồn và phát huy văn hóa địa phương”.
Cụ thể, Nghị quyết 82/NQ-CP của Chính Phủ ban hành ngày 18/5/2023 đã quy định rõ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Theo đó, yêu cầu thúc đẩy phát triển các sản phẩm du lịch liên quan đến nông nghiệp, dịch vụ du lịch gắn với cảnh quan nông thôn, văn hóa cộng đồng, tăng trải nghiệm, phát huy tối đa du lịch tại các vùng nông nghiệp, gắn với nông thôn và nông dân, phát huy các ngành nghề, làng nghề, dịch vụ nông thôn. Đồng thời, đẩy mạnh kết nối, hỗ trợ cộng đồng nông thôn làm du lịch nông nghiệp, nông thôn thông qua các doanh nghiệp lữ hành; hình thành các “điểm đến vệ tinh” với các trung tâm du lịch lớn nhằm lan tỏa những điểm đến ở nông thôn, đặc biệt là đối với khách du lịch quốc tế.
Tại Hội nghị về du lịch nông thôn mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long khẳng định, phát triển du lịch nông thôn vừa thúc đẩy chuyển dịch kinh tế, giảm khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị, vừa quảng bá, tôn vinh, bảo tồn, lan tỏa các giá trị độc đáo của địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Theo Phó Thủ tướng, việc phát triển du lịch nông thôn phù hợp với chiến lược phát triển và những tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh, cơ hội nổi trội của Việt Nam với định hướng phát triển nhanh, bền vững, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng đề cập đến vấn đề cần có cách tiếp cận tổng thể nhằm đảm bảo thống nhất trong nhận thức và hành động về phát triển du lịch nông thôn bền vững. Theo đó, mọi chiến lược phát triển cần đặt trọng tâm vào việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái và di sản văn hóa địa phương, song song với phát triển kinh tế.
“Phát triển du lịch nông thôn cần dựa trên các vấn đề cốt lõi là luôn đặt lợi ích lâu dài của cộng đồng địa phương lên trước hết. Cung cấp các giá trị trải nghiệm đích thực cho du khách, đồng thời phải tôn trọng và bảo tồn các giá trị tốt đẹp, đặc sắc của khu vực nông thôn được lan tỏa và trường tồn”, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.
Xác định kế hoạch lâu dài
Nói về kế hoạch trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết trong thời gian tới Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ việc sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách để thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư cho du lịch nói chung, trong đó có du lịch nông nghiệp nông thôn. Nhà nước sẽ giữ vai trò đầu tư công, dẫn dắt; còn vấn đề quan trọng là đầu tư từ các doanh nghiệp, phải gắn với lợi ích cộng đồng.
Cùng với đó, ngành du lịch cũng sẽ tập trung làm mới sản phẩm trên cơ sở sản phẩm du lịch nông nghiệp, đảm bảo sản phẩm du lịch đặc sắc hơn, tiêu biểu hơn. Đặc biệt, sẽ áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào du lịch sâu hơn, để kết nối các làng du lịch với nhau.
“Cần đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn, chứ không phải tự phát như trước đây. Du lịch nông nghiệp, nông thôn phải trở thành một xu hướng tất yếu, xu hướng phát triển mang lại giá trị cốt lõi cho cộng đồng, cho người dân mà mỗi quốc gia đều cần đạt được”, ông Hùng nhấn mạnh.
Theo các doanh nghiệp, để làm ra một chương trình tour du lịch nông thôn hấp dẫn là điều không hề dễ dù có nhiều tiềm năng. Vì vậy, các doanh nghiệp cần sự đồng hành và hỗ trợ từ phía địa phương, trong cả việc cởi mở cơ chế, dám thực hiện những sáng kiến mới cũng như vận động, động viên người dân cùng sát cánh với doanh nghiệp để làm du lịch bền vững.
Các doanh nghiệp đều cho rằng hiệu quả và lợi ích không thể đến trong ngày một ngày hai, nếu các bên đồng lòng, kiên trì. Đặc biệt là phải yêu du lịch thì mới có thể cùng nhau đưa du lịch nông thôn, nông nghiệp phát triển bền vững.