Du lịch

Đồng Tháp đưa du lịch thành ngành kinh tế quan trọng

Mai Hằng 21/12/2024 01:26

Đồng Tháp đã và đang tập trung phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch gắn với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Đưa du lịch Đồng Tháp phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và bền vững, gắn với nâng cao hình ảnh địa phương.

Du khách tham quan và trải nghiệm cho cá ăn, đây là đàn cá tự nhiên trên sông Tiền (thuộc phường An Thạnh, TP Hồng Ngự)
Du khách tham quan và trải nghiệm cho cá ăn, đây là đàn cá tự nhiên trên sông Tiền (thuộc phường An Thạnh, TP Hồng Ngự)

Đồng Tháp tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ đầu tư, phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, đưa du lịch thành ngành kinh tế quan trọng.

Hướng đi mới của du lịch Đất Sen hồng

Vừa qua, Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư (XTTM DL&ĐT) Đồng Tháp phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn tổ chức lễ công bố Tour du lịch “Sắc màu vùng biên – Đất Sen hồng” tại TP Hồng Ngự. Lễ công bố Tour "Sắc màu vùng biên - Đất Sen hồng" đánh dấu bước tiến mới trong việc phát triển du lịch Đồng Tháp. Tour du lịch này không chỉ quảng bá vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa độc đáo của vùng biên mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương, nâng cao đời sống người dân.

Tour du lịch "Sắc màu vùng biên - Đất Sen hồng" được thiết kế với mong muốn mang đến cho du khách những trải nghiệm văn hóa độc đáo và khám phá vẻ đẹp hoang sơ của vùng biên giới Đồng Tháp. Đồng Tháp hi vọng thông qua tour du lịch sẽ góp phần giới thiệu đến du khách những giá trị văn hóa truyền thống, những câu chuyện lịch sử hào hùng và những nét đẹp thiên nhiên còn giữ nguyên vẻ hoang sơ của các địa phương biên giới của tỉnh Đồng Tháp. Qua đó, không chỉ quảng bá hình ảnh du lịch mà còn góp phần nâng cao đời sống của người dân địa phương.

Bên cạnh đó, tour du lịch này còn hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Đồng Tháp sẽ tập trung vào việc bảo tồn văn hóa, môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Thông qua các hoạt động du lịch cộng đồng, du khách sẽ có cơ hội trải nghiệm cuộc sống thường ngày của người dân địa phương, góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống. Đồng thời, việc phát triển các sản phẩm du lịch liên kết với các tỉnh lân cận sẽ tạo ra chuỗi giá trị gia tăng, thúc đẩy kinh tế địa phương và tạo việc làm cho người dân.

Ông Lương Văn Phú - Giám đốc Trung tâm XTTM DL&ĐT Đồng Tháp nhấn mạnh, để thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng biên, Đồng Tháp định hướng phát triển du lịch vùng biên đa dạng, dựa trên việc kết hợp hài hòa giữa bảo tồn văn hóa, phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Các sản phẩm du lịch sẽ được xây dựng dựa trên nền tảng nông nghiệp sinh thái, khám phá văn hóa đặc trưng và du lịch đường thủy nhằm tạo ra những trải nghiệm độc đáo cho du khách.

Bà Huỳnh Thị Hoài Thu - Giám đốc Sở VHTT&DL Đồng Tháp cho biết, đây là lần đầu tiên Đồng Tháp cho ra mắt tour du lịch giới thiệu về cảnh sắc và con người của các huyện biên giới của Đồng Tháp. Ngành Du lịch Đồng Tháp hi vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ và góp ý từ các doanh nghiệp là các công ty lữ hành để địa phương từng bước hoàn thiện, để tour du lịch này thật sự trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng của Đồng Tháp.

Năm 2024 thu hút 4,2 triệu lượt khách

Từ đầu năm đến nay, ngành Du lịch Đồng Tháp tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp Kế hoạch số 61/KH-UBND ngày 15/2/2022 của UBND tỉnh thực hiện Kết luận số 249-KL/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh phát triển du lịch góp phần tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025; chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh và Đề án phát triển du lịch, góp phần tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2023 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Năm 2024, du lịch tỉnh Đồng Tháp thu hút khoảng 4,2 triệu lượt khách tham quan, trải nghiệm, tổng thu từ du lịch đạt 2.000 tỷ đồng.

Để phát triển và thu hút khách du lịch trong thời gian tới, các ngành, các cấp và các địa phương trong tỉnh tiếp tục đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch, xem đây là một trong những ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, sẽ tạo ra nhu cầu, thị trường và động lực thúc đẩy các ngành khác cùng phát triển. Trong đó, tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ đầu tư, thu hút đầu tư, phát triển du lịch; khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển du lịch; phát triển thị trường, xúc tiến du lịch, phát triển sản phẩm du lịch mới, kết nối tour tuyến nội tỉnh, liên tỉnh, liên vùng.

Cùng với việc tiếp tục triển khai các tiêu chuẩn quốc gia về du lịch và các dịch vụ có liên quan, ngành Du lịch Đồng Tháp cũng tiếp tục thực hiện Đề án ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng. Khuyến khích phát triển các mô hình nông nghiệp xanh, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển du lịch bền vững...

Bên cạnh đó, tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng cao, khác biệt, có giá trị gia tăng và tăng cường trải nghiệm cho khách du lịch dựa trên lợi thế về tài nguyên đặc trưng của từng địa phương, phù hợp với nhu cầu thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Đồng Tháp, như: sản phẩm du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng; du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với sản phẩm OCOP kết hợp trải nghiệm làng nghề; du lịch ẩm thực Sen - sự kiện văn hóa - thể thao... Tỉnh cũng phối hợp chắt chẽ với TP Hồ Chí Minh và các địa phương trong vùng khai thác tuyến du lịch mới nhằm gia tăng tính hấp dẫn, thu hút khách du lịch.

Mai Hằng