Nhập khẩu ồ ạt thép ngoại, doanh nghiệp trong nước lao đao
Hiệp hội Thép Việt Nam kiến nghị Chính phủ cần sớm chỉ đạo các cơ quan liên quan có biện pháp ngăn ngừa hành vi cạnh tranh không lành mạnh để bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp.
Ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch Hiệp Hội Thép Việt Nam:
Lượng sắt thép nhập từ Trung Quốc gia tăng đột biến, tính riêng 10 tháng qua, nhập khẩu sắt thép các loại từ Trung Quốc tăng đạt 10,16 triệu tấn, tăng 58,9% (tương ứng tăng 3,77 triệu tấn) với trị giá đạt 6,37 tỷ USD, tăng 43,2%.
Con số nhập khẩu thép từ Trung Quốc trong 10 tháng đã vượt xa mức nhập khẩu của cả năm ngoái. Trong năm 2023, lượng sắt thép nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam đạt 8,2 triệu tấn, tương đương hơn 5,6 tỷ USD, chiếm 62% trong tổng lượng và chiếm 54% tổng trị giá nhập khẩu sắt thép của nước ta.
Bên cạnh đó, cũng trong 10 tháng qua, Việt Nam còn nhập sắt thép từ các thị trường như: Nhật Bản, đạt 1,7 triệu tấn, tăng 4,6% (tương ứng tăng 75.000 tấn); từ Hàn Quốc đạt 1,05 triệu tấn, tăng 15,3% (tương ứng tăng 139.000 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Với tổng lượng 12,91 triệu tấn, 3 thị trường kể trên chiếm tới 87,76% tổng lượng sắt thép nhập khẩu của cả nước.
Việc Trung Quốc tiếp tục gia tăng xuất khẩu thép, các nhà sản xuất thép Việt Nam khó khăn trong bán hàng, đồng nghĩa với cuộc chiến cạnh tranh về giá thép thành phẩm tại thị trường nội địa ngày càng khốc liệt hơn. Đặc biệt, tình trạng cung vượt cầu của nhiều sản phẩm thép trong nước cùng sự gia tăng thép nhập khẩu từ nước ngoài đang làm cho sự cạnh tranh về giá cả mặt hàng sắt thép thành phẩm nội địa trở nên khốc liệt hơn bao giờ.
Đáng chú ý, từ tháng 1/2026, Liên minh châu Âu (EU) sẽ áp dụng Cơ chế Điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM) nhằm đánh thuế các-bon đối với các sản phẩm xuất khẩu đến thị trường này đã tạo ra lực cản không nhỏ đối với tăng trưởng của ngành thép.
Từ thực trạng nêu trên, Hiệp hội Thép Việt Nam kiến nghị Chính phủ cần sớm chỉ đạo các cơ quan liên quan có biện pháp ngăn ngừa hành vi cạnh tranh không lành mạnh để bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp ngành thép Việt Nam tại thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, đẩy nhanh đồng bộ các kênh kích cầu đối với sản phẩm thép như thị trường bất động sản, thị trường xây dựng, chương trình xây dựng 1 triệu nhà ở xã hội, đẩy mạnh đầu tư công,… nhằm giúp ngành thép có đà phục hồi trong thời gian tới.