Phong cách sống

Phát triển con người trong kỷ nguyên mới

Minh Phong thực hiện 20/12/2024 08:00

Phát triển con người trong kỷ nguyên mới, đặc biệt với thế hệ trẻ đòi hỏi sự phối hợp giữa công nghệ, giáo dục và đạo đức để hướng tới tương lai toàn diện, bền vững.

nam.jpg
PGS.TS TRẦN THÀNH NAM - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội)

Diễn đàn Doanh nghiệp đã có buổi trò chuyện cùng PGS.TS TRẦN THÀNH NAM - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) xung quanh vấn đề này.

- Thưa ông, gia đình, đặc biệt là gia đình doanh nhân, đóng vai trò gì trong việc phát triển thế hệ trẻ? Làm thế nào để gia đình có thể truyền cảm hứng và định hướng giá trị sống cho thế hệ kế cận?

Trong cuộc đời mỗi người, gia đình luôn chiếm một vị trí đặc biệt, vừa thiêng liêng vừa thân thuộc. Giáo dục gia đình diễn ra một cách gần gũi, lâu dài và thường xuyên thông qua những sinh hoạt hàng ngày. Gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên có tầm quan trọng quyết định đến việc hình thành và phát triển nhân cách nói chung, phẩm chất đạo đức nói riêng của mỗi cá nhân.

Nội dung giáo dục của gia đình thường rất đa dạng vào phong phú. Một đứa trẻ trong gia đình thường nhận được sự giáo dục rất đa dạng từ người lớn (ông, bà, bố, mẹ, anh chị em và cả họ hàng, người thân trong một số trường hợp) với sự khác biệt về tuổi tác, giới tính, vị thế xã hội, nghề nghiệp. Nội dung giáo dục trẻ vì vậy cũng rất phong phú và đa dạng từ giáo dục về văn hóa và giá trị, kỹ năng sống, thái độ ứng xử, thói quen hành vi, hay cảm nhận về thẩm mỹ.

Giáo dục gia đình xuất phát từ tình cảm và thông qua tình cảm vì nguồn gốc hình thành mối liên kết giữa các thành viên gia đình chính là mối quan hệ hôn nhân, huyết thống và nuôi dưỡng. Cha mẹ giáo dục trẻ dựa trên tình cảm yêu thương, qua sự chăm sóc ân cần, khuyên răn, dạy bảo, động viên và làm gương bởi chính hành động của mình. Điều này in sâu trong nhận thức của trẻ, khiến trẻ học hỏi và làm theo một cách tự giác. Nó dần hình thành nên thói quen, nếp sống, kỹ năng và nhân cách của mình cũng giống như ông bà và cha mẹ mình theo con đường di truyền xã hội.

Chính vì vậy, trong những gia đình mà ông bà, cha mẹ là những doanh nhân, đứa trẻ thường được truyền cảm hứng về tư duy kinh doanh, được khơi gợi những ý tưởng sáng tạo và ý chí vượt khó thông qua những câu chuyện thành công và những bài học rút ra từ thất bại từ hình mẫu cha mẹ mình. Các gia đình doanh nhân cũng thường chú trọng vào việc định hướng con cái sớm với những năng lực kỹ năng quản lý, điều hành, năng lực tư duy giải quyết vấn đề. Họ không chỉ tập trung vào thành công tài chính mà còn chú trọng vào việc xây dựng những giá trị đạo đức, trách nhiệm xã hội và sự cống hiến, góp phần định hình một tư duy kinh doanh có ý nghĩa. Nền tảng của các gia đình doanh nhân cũng đầy đủ hơn không chỉ về khía cạnh hỗ trợ tài chính mà còn cung cấp nguồn vốn xã hội các mối quan hệ mạng lưới rộng rãi để hỗ trợ đứa trẻ.

Tất cả những điều này tạo tiền đề cho con cái của những doanh nhân thường phát triển đầy đủ về kỹ năng sống, được gieo mầm ý tưởng kinh doanh và dũng cảm, quyết tâm hiện thực hóa ý định khởi nghiệp nhiều hơn so với tỉ lệ chung trong cộng đồng, đặc biệt khi các em bước vào độ tuổi đại học và rất muốn được làm một điều gì đó cho thế giới.

Ở bên con, trước những suy nghĩ này, cha mẹ cần thực hành 5 N (Ngưng – Nghe – Ngẫm – Nghĩ trước khi Nói).

- Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, thế hệ trẻ, đặc biệt là thế hệ Gen Z, Alpha đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Theo ông, gia đình cần làm gì để giúp con em vượt qua áp lực và cân bằng giữa trách nhiệm gia đình, học tập, và phát triển bản thân?

Thế hệ Gen Z và Alpha đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có trong lịch sử nhân loại về tương lai nghề nghiệp và sự thay đổi không ngừng của thị trường lao động. Dự báo đến năm 2030, sẽ có khoảng 400 triệu công việc sẽ biến mất và cũng khoảng 400 triệu công việc hoàn toàn mới sẽ được tạo ra. Gen Z và Alpha sẽ không chỉ phải chuẩn bị cho những ngành nghề chưa từng tồn tại mà còn cần khả năng thích nghi nhanh với những yêu cầu công việc mới, nơi mà chỉ còn 22% kỹ năng họ có sẽ còn phù hợp trong khi 57% kỹ năng cần được nâng cấp và 21% kỹ năng phải học mới hoàn toàn. Việc thành công trong sự nghiệp của GenZ không còn có thể được đo bằng "làm tốt một công việc duy nhất" mà phải bằng khả năng thích nghi, tái học hỏi, và tái định nghĩa bản thân liên tục để làm tốt nhiều vị trí công việc.

Và gia đình sẽ ngày càng trở nên quan trọng với vai trò định hướng, hỗ trợ thế hệ trẻ vượt qua áp lực bất định của thế giới, đồng thời giúp các em cần bằng giữa trách nhiệm gia đình, học tập, và phát triển bản thân.

Bằng việc chia sẻ những giá trị cốt lõi của gia đình như trung thực, tinh thần trách nhiệm, và khả năng kiên trì. Bằng sự lắng nghe và khuyến khích tư duy tích cực, cha mẹ có thể giúp trẻ kiên định mục tiêu trong những giai đoạn biến động. Hay đưa trẻ tham gia các hoạt động xã hội hoặc tình nguyện để trải nghiệm vai trò và trách nhiệm trong một nhóm.

Gia đình có thể nuôi dưỡng tinh thần học tập suốt đời của trẻ qua tấm gương hành động của bản thân luôn háo hức học hỏi cái mới, thử nghiệm ý tưởng mới và khám phá các sở thích mới. Hướng con nhìn nhận sự thất bại như một cơ hội học hỏi và cách điều chỉnh mục tiêu khi đối mặt với những thay đổi trong cuộc sống. Tạo điều kiện cho trẻ tiếp xúc với những phương pháp học mới, ví dụ học qua các nền tảng trực tuyến, trải nghiệm thực tế ảo, thực tế tăng cường.

Gia đình hỗ trợ phát triển năng lực thích ứng ở con trẻ bằng cách giúp con phát triển các kỹ năng mềm như kỹ năng như quản lý thời gian, giải quyết vấn đề, giao tiếp và làm việc nhóm. Khuyến khích trẻ tham gia các khóa học cơ bản về phân tích dữ liệu, học cách trình bày ý tưởng và dữ liệu bằng biểu đồ, báo cáo ngắn gọn và trực quan. Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động nhóm, nơi thường xuyên có yếu tố bất ngờ, để phát triển tư duy sáng tạo và kỹ năng giải quyết vấn đề. Làm gương bằng cách bình tĩnh đối mặt với khó khăn trong gia đình, truyền cảm hứng cho trẻ.

Gia đình cũng có thể là nơi giảm sóc để giúp trẻ cân bằng sau những áp lực, tự tạo động lực và biết cách chăm sóc cho sức khỏe của bản thân. Ví dụ gia đình có thể khuyến khích trẻ thiết lập thói quen lành mạnh như ngủ đủ giấc, ăn uống cân đối và tập thể dục thường xuyên. Dạy trẻ kỹ năng quản lý cảm xúc và xây dựng tư duy mở (growth mindset) thay vì tư duy đóng.

Với sự định hướng hỗ trợ của mình, gia đình không chỉ giúp con đối mặt với những thách thức của tương lai mà còn giúp trẻ tự tin, thích nghi và phát triển toàn diện. Hãy đồng hành cùng trẻ trên hành trình trở thành những cá nhân xuất sắc, sáng tạo, và bền bỉ với mục tiêu của mình.

giadinh3.jpg
Gia đình cần phải duy trì và thiết lập được mối quan hệ thân tình giữa các thế hệ

- Đối với giáo dục và truyền thống, theo ông, làm thế nào để kết hợp hài hòa giữa việc giáo dục hiện đại và giữ gìn giá trị truyền thống trong gia đình, đặc biệt là gia đình doanh nhân?

Giáo dục luôn vận động và biến chuyển, cho nên cái được chúng ta gọi là “hiện đại” có thể trở nên “truyền thống” hoặc cũng có thể trở thành “lạc hậu”, không còn giá trị trong tương lai. Nhưng cũng có những cái truyền thống luôn đúng, luôn cần thiết với sự phát triển sự nghiệp bền vững của mỗi người.

Chính vì vậy, sư tương tác giữa các giá trị truyền thống và hiện đại trong giáo dục gia đình đặc biệt là các gia đình doanh nhân thường duy trì di sản văn hóa của gia đình nhưng cũng sẽ trang bị những năng lực mới để con trẻ đối mặt với những thách thức và bất định của xã hội hiện đại. Vấn đề là gia đình phải duy trì và thiết lập được mối quan hệ thân tình giữa các thế hệ. Chất lượng thời gian ở bên con quan trọng hơn số lượng thời gian. Cha mẹ phải hiểu cái quan trọng không phải là ở cạnh con về mặt vị trí địa lý (gặp nhau hàng ngày trong nhà) mà phải ở bên con về mặt cảm xúc dẫu chỉ là kết nối bằng các ứng dụng công nghệ thông tin.

Việc chia sẻ những giá trị truyền thống của gia đình như đạo đức kinh doanh, lòng trung thành, và tinh thần trách nhiệm tạo nên nền tảng vững chắc mang lại giá trị tích cực cho cá nhân và xã hội. Trong khi đó, yếu tố hiện đại như kỹ năng thực tiễn, trải nghiệm người dùng, tư duy phản biện, và khả năng sáng tạo là chìa khóa để thích nghi với môi trường kinh doanh đang thay đổi nhanh chóng.

Giáo dục gia đình cần trang bị cho các em các năng lực để các em tự tin (cả về tri thức và kỹ năng); biết tự định hướng (trong những tình huống biến đổi liên tục); trở thành người có trách nhiệm (không chỉ với bản thân mà còn với gia đình, cộng đồng và xã hội).

- Theo quan điểm của ông, việc hướng con em kế thừa sự nghiệp gia đình của các doanh nhân có nên bắt buộc không? Nếu không, làm thế nào để khuyến khích họ tự nguyện tham gia?

Cha mẹ là người thầy đầu tiên, là người định hướng sự chú ý, hứng thú của con về thế giới xung quanh trong quá trình trưởng thành. Cha mẹ cũng là người lựa chọn trường, lớp để con học, là người trao đổi về triết lý quan điểm giáo dục với giáo viên, gia đình cũng là người kiểm soát (cấp phép hoặc cấm con tham gia các môi trường giáo dục rộng lớn). Vì vậy muốn hay không muốn thì cha mẹ cũng vẫn ảnh hưởng đến định hướng nghề nghiệp của con một cách tự nhiên.

z6141578080492_418c5b61c53d88adb6961896b3af941c.jpg
Gia đình hỗ trợ phát triển năng lực thích ứng ở con trẻ bằng cách giúp con phát triển các kỹ năng mềm.

Và ngay cả đã thiết lập một môi trường giáo dục định hướng theo quan điểm của cha mẹ như vậy mà đứa trẻ khám phá ra được những hướng đi mới, những đam mê, những sở thích và cam kết của con thì cha mẹ cũng nên ủng hộ và tôn trọng sự đa dạng trong thiết đồ năng lực nhận thức và tài năng phẩm chất của trẻ. Chỉ có một điều các cha mẹ doanh nhân luôn có lợi thế hơn những phụ huynh khác là họ làm mẫu hàng ngày cho con kỹ năng tư duy tài chính, sự kỷ luật với bản thân, xử lý vấn đề phức tạp một cách khéo léo; là cách chấp nhận và vượt qua thất bại, là tinh thần doanh nhân, là sự đổi mới sáng tạo và tâm thế sẵn sàng khởi nghiệp. Có những phẩm chất đó, con cái của họ có thể thành công trong bất cứ một lĩnh vực và ngành nghề nào mà các con lựa chọn.

Nhưng để trao truyền những giá trị truyền thống, cũng như định hướng những giá trị, kỹ năng hiện đại của thời đại ngày nay, bố mẹ hơn ai hết phải tự thay đổi và vượt qua khoảng cách thế hệ. Họ cần ý thức và vượt qua những định kiến sai lầm về nhau. Ví dụ như con cái thường cảm thấy bố mẹ là những người bảo thủ, cố chấp, chậm chạm, khó thay đổi, không tôn trọng sự sáng tạo, thiếu sáng tạo và thiếu thích nghi với những xu hướng. Trong khi đó, trong mắt bố mẹ, con cái ngày nay luôn nghi ngờ những quyết định của bố mẹ; là những người hay than vãn, thiếu ý chí, lười vận động và lao động, tôn trọng chủ nghĩa vật chất và thiếu sự cam kết hay trung thành. Tất cả chỉ là những góc nhìn của sự thiếu thấu hiểu. Ở bên con, trước những suy nghĩ này, cha mẹ cần thực hành 5 N (Ngưng – Nghe – Ngẫm – Nghĩ trước khi Nói).

- Trân trọng cảm ơn ông!

Tiêu chí ứng xử chung: Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ.

- Nguyên tắc “Tôn trọng”: Đánh giá đúng mực, coi trọng danh dự, phẩm giá, quan điểm, sự lựa chọn và lợi ích của nhau; tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau.

- Nguyên tắc “Bình đẳng”: Có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.

- Nguyên tắc “Yêu thương”: Có tình cảm gắn bó, quan tâm chăm sóc nhau.

- Nguyên tắc “Chia sẻ”: Cùng nhau vun đắp tình cảm, chia sẻ vui buồn, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn.

logo gd

Minh Phong thực hiện