Xây dựng gia đình văn hóa là xây dựng xã hội văn minh
Giáo dục và xây dựng văn hóa gia đình là nền tảng của xã hội văn minh và tiến bộ. Cần nhìn nhận như một nhiệm vụ cấp thiết để bảo tồn, nâng cao chất lượng sống, sự tiến bộ xã hội.
Theo Chuyên gia tâm lý Chử Thị Thanh Hương, gia đình là cái nôi nuôi dưỡng và phát triển nhân cách con người, là môi trường đầu tiên định hình hệ giá trị, đạo đức và hành vi của mỗi cá nhân. Trong bối cảnh hiện đại hóa và toàn cầu hóa, gia đình Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức như sự rạn nứt trong mối quan hệ giữa các thành viên, áp lực kinh tế, và sự mai một các giá trị truyền thống.
Một gia đình chỉ thực sự hạnh phúc khi mỗi cá nhân đều cảm nhận được an toàn, yêu thương và được người thân đồng hành trong mọi khía cạnh của cuộc sống.
- Theo bà, những giá trị truyền thống của gia đình là gì và đã có sự thay đổi ra sao trong guồng quay của cuộc sống hiện đại?
Hệ giá trị gia đình bao gồm các chuẩn mực đạo đức, nguyên tắc ứng xử và cách sống được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ở Việt Nam, những giá trị truyền thống như hiếu thảo, tôn trọng người lớn tuổi, đoàn kết giữa các thế hệ đã tạo nên bản sắc văn hóa đặc trưng. Tuy nhiên, những giá trị này đang chịu áp lực từ lối sống hiện đại.
Sự phát triển nhanh chóng của xã hội khiến nhiều gia đình không sống quây quần ba thế hệ như trước. Cha mẹ bận rộn với công việc, con cái chịu sự ảnh hưởng lớn từ mạng xã hội, dẫn đến khoảng cách thế hệ ngày càng lớn.
Hướng đi mới là bên cạnh việc duy trì giá trị truyền thống, cần giúp các thành viên trong gia đình hiểu rõ ý nghĩa của tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ, từ đó thúc đẩy mối quan hệ tích cực trong gia đình.
Một gia đình chỉ thực sự hạnh phúc khi mỗi cá nhân đều cảm nhận được an toàn, yêu thương và được người thân đồng hành trong mọi khía cạnh của cuộc sống.
- Làm thế nào để gìn giữ những giá trị tốt đẹp để mỗi thành viên trong gia đình luôn cảm thấy được thấu hiểu và hạnh phúc, thưa bà?
Gia đình không thể hòa thuận nếu thiếu đi sự thấu hiểu và những kỹ năng ứng xử đúng đắn. Trong xã hội Việt Nam, nhiều mâu thuẫn gia đình xuất phát từ việc các thành viên không có cơ hội hoặc không biết cách thể hiện cảm xúc và giải quyết vấn đề. Các kỹ năng nào cần trang bị.
Kỹ năng lắng nghe tích cực: Mỗi thành viên cần biết cách lắng nghe một cách tôn trọng và đồng cảm, tránh phán xét hay áp đặt. Điều này đặc biệt quan trọng trong mối quan hệ cha mẹ – con cái, nơi sự khác biệt về tư duy và khác biệt về thế hệ có thể dẫn đến hiểu lầm.
Kỹ năng tôn trọng sự khác biệt: Mỗi cá nhân trong gia đình có sở thích, quan điểm và mục tiêu sống riêng. Việc chấp nhận và khuyến khích sự khác biệt sẽ tạo môi trường lành mạnh để mọi người phát triển.
Kỹ năng thể hiện tình yêu thương: Trong văn hóa Việt, việc thể hiện tình cảm bằng lời nói hay hành động thường bị xem nhẹ. Các gia đình cần vượt qua rào cản tâm lý để thể hiện sự quan tâm bằng những cử chỉ đơn giản như lời động viên, cái ôm, hay bữa ăn quây quần.
Những tranh cãi thường thấy trong gia đình Việt Nam có thể xuất phát từ áp lực tài chính, sự kỳ vọng của cha mẹ lên con cái, hay cách ứng xử của các thế hệ với nhau. Nhiều gia đình chỉ nhận ra giá trị của việc ứng xử khéo léo khi đã xảy ra mâu thuẫn lớn. Việc nâng cao nhận thức và thực hành các kỹ năng này là rất cần thiết.
Trong một gia đình, quan hệ giữa ông bà, cha mẹ, con cháu không chỉ là sợi dây gắn kết mà còn là cầu nối để truyền tải giá trị văn hóa và tri thức.
- Tuy nhiên, việc duy trì văn hoá gia đình của từng thành viên với nhiều vai trò, nhiều trách nhiệm sẽ không thể tránh khỏi những mâu thuẫn, áp lực. Đặc biệt, với mối quan hệ vợ - chồng, chúng ta cần tháo gỡ ra sao khi xảy ra tình cảnh "Cơm không lành, canh chẳng ngọt”, thưa bà?
Trong một gia đình, quan hệ giữa ông bà, cha mẹ, con cháu không chỉ là sợi dây gắn kết mà còn là cầu nối để truyền tải giá trị văn hóa và tri thức. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, những giá trị này đang đứng trước nguy cơ mai một do sự khác biệt lớn giữa các thế hệ.
Khi có những mâu thuẫn giữa các thế hệ, chúng ta cần xác định rõ vai trò từng thế hệ. Thế hệ ông bà - người lớn tuổi có thể đóng vai trò truyền tải kinh nghiệm sống và giá trị truyền thống, nhưng cũng cần thích nghi với những thay đổi của thời đại để hiểu và gần gũi hơn với con cháu.
Cha mẹ là nhân tố quyết định trong việc xây dựng môi trường gia đình. Họ cần làm gương về cách ứng xử, giáo dục con cái nhưng cũng cần tôn trọng ý kiến của thế hệ trước. Con cháu là thế hệ được giáo dục về truyền thống gia đình nhưng cũng cần được khuyến khích phát triển theo cách riêng, từ đó dung hòa giữa cũ và mới.
Đặc biệt, với mối quan hệ vợ chồng, đây là nền tảng của một gia đình và là hình mẫu cho các thành viên khác. Tuy nhiên, thực trạng mâu thuẫn hôn nhân, ly thân và ly hôn ngày càng gia tăng ở Việt Nam đặt ra câu hỏi lớn về cách duy trì một mối quan hệ vợ chồng vững bền.
Nhiều cặp vợ chồng rơi vào tình trạng "chung nhà nhưng không chung tiếng nói", với nguyên nhân phổ biến là thiếu giao tiếp, khác biệt về quan điểm sống hoặc áp lực tài chính. Phụ nữ thường chịu gánh nặng kép khi vừa phải đi làm, vừa phải đảm nhiệm hầu hết công việc nhà.
Giải pháp là xây dựng sự bình đẳng. Mỗi người cần tôn trọng vai trò và đóng góp của đối phương. Bình đẳng không chỉ trong việc chia sẻ tài chính mà còn ở trách nhiệm nuôi dạy con cái và làm việc nhà. Bên cạnh đó, cần giải quyết mâu thuẫn bằng đối thoại. Thay vì trốn tránh hoặc tranh cãi, các cặp vợ chồng cần học cách giao tiếp cởi mở để giải quyết vấn đề một cách tích cực. Một mối quan hệ chỉ có thể bền vững khi cả hai dành đủ thời gian để kết nối và nuôi dưỡng tình cảm.
- Mỗi gia đình tốt là xã hội tốt, mỗi gia đình giàu mạnh là góp phần cho xã hội phồn vinh. Bà có ý quan điểm thế nào về vấn đề này?
Giáo dục gia đình không chỉ là dạy các thành viên về đạo đức, mà còn là việc cung cấp kiến thức và kỹ năng để họ đối mặt với áp lực cuộc sống. Điều này cần sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, và các tổ chức xã hội.
Những nội dung cần tập trung để phát triển và xây dựng gia đình đúng nghĩa chính là giá trị bình đẳng giới trong gia đình, kỹ năng quản lý xung đột và giao tiếp tích cực và kiến thức tâm lý để nuôi dưỡng con cái và xây dựng gia đình.
Bên cạnh đó, xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường các chương trình giáo dục cộng đồng và xây dựng các mô hình gia đình văn hóa điển hình để lan tỏa.
Một gia đình hòa thuận không chỉ đem lại hạnh phúc cho từng cá nhân mà còn góp phần xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ. Từ những giá trị cốt lõi, kỹ năng ứng xử đến trách nhiệm của từng thành viên, việc xây dựng văn hóa gia đình là nhiệm vụ cần được ưu tiên hàng đầu trong hành trình phát triển của xã hội Việt Nam.
- Trân trọng cảm ơn bà!
Tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: Gương mẫu, yêu thương.
- Cha mẹ, ông bà làm gương tốt cho con, cháu trong cử chỉ, hành động, lời nói; có tình cảm gắn bó gần gũi với con cháu.
- Quan tâm, nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy bảo con cháu khi con cháu còn nhỏ; khi con, cháu không có khả năng tự nuôi sống, chăm sóc bản thân.
- Trao truyền các giá trị truyền thống, kinh nghiệm sống cho con cháu; giáo dục, động viên con cháu thực hiện lối sống văn hóa, ý thức công dân, giữ gìn nền nếp, gia phong.