Nền tảng của hạnh phúc gia đình Việt Nam
Sự sum vầy, đề huề là biểu hiện chân phương của gia đình hạnh phúc.
Sau khoảng thời gian rất dài, nhân loại lấy mục tiêu phát triển kinh tế làm thước đo cho sự phát triển và tiến bộ xã hội. Điều đó vô hình dung - các vấn đề về nhân sinh, con người và hạnh phúc không được quan tâm đầy đủ. Chính vì vậy, các trào lưu triết học hiện đại kịp thời vá lỗ hổng - thường lấy xuất phát điểm vấn đề từ nội tại con người.
Những thập kỷ gần đây, nhiều bộ chỉ số đo đếm sự tiến bộ đời sống tinh thần đã ra đời, ví dụ: Chỉ số phát triển con người (HDI), bảng xếp hạng các quốc gia hạnh phúc, chỉ số văn minh trên không gian mạng. Ở Việt Nam, những ngày lễ liên quan đến giới tính, nghề nghiệp, gia đình được truyền thông mạnh mẽ, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu.
Từ xa xưa, từ khi con người có mặt trên trái đất - phạm trù gia đình cũng có lịch sử lâu đời như vậy. Gia đình hình thành và phát triển, thay đổi song song với sự tiến bộ của phương thức sản xuất, thiết chế nhà nước, bám chặt lấy mọi diễn tiến của thượng tầng kiến trúc và hạ tầng cơ sở.
Mỗi quốc gia, dân tộc, mỗi vùng miền thường có những nét riêng trong văn hóa gia đình. Ở nước ta, nhiều thế kỷ tiếp xúc với tư tưởng Nho giáo, triết học phương Đông, phương Tây; hòa quyện cùng văn hóa dân tộc,… tạo nên đời sống gia đình vô cùng phong phú, đa dạng.
Trong khuôn khổ bài viết rất nhỏ này, tác giả nhận thấy rằng: để rường cột gia đình bền vững, người Việt cần ứng dụng những điểm tích cực của Nho giáo; khéo léo tiếp thu lối sống hiện đại trên cơ sở không lãng quên truyền thống văn hóa sẵn có được đúc kết qua hàng nghìn năm.
Nho giáo khuyên con người nhận thức đúng vai trò và vị trí của mình trong xã hội, trong đó đã đề xuất những “bộ tiêu chí” dành riêng cho phụ nữ/người vợ; nam giới/người chồng; khuôn khổ thứ bậc của ông bà, cha mẹ, con cái trong gia đình.
Sự sum vầy, đề huề là biểu hiện chân phương của gia đình hạnh phúc.
Tinh thần của Nho gia đề cao tính “tôn ti trật tự”. Quả thật,không ít trường hợp trong đời sống gia đình Việt ngày nay có dấu hiệu bất tuân “trật tự”. Người lớn không gương mẫu, trẻ con thiếu lễ nghĩa; những người già bị coi “hết tác dụng”. Đâu đó cho rằng, ai làm ra nhiều của cải mới là người có tiếng nói quyết định!
Phan Bội Châu, trong cuốn “Khổng học đăng” đã khái quát rất chính xác tư tưởng đó của Nho giáo rằng, “nhà tức là cái nước nhỏ, nước tức là cái nhà lớn”; “Tề, trị” chỉ có một lẽ, “gia, quốc” chung nhau một gốc. Do đó, nếu ba mối quan hệ trong gia đình “cha - con, chồng - vợ, anh - em” được củng cố, duy trì tốt sẽ góp phần làm cho nước ổn định, có trật tự và phép tắc.
Bỏ qua những tác động ngoại cảnh, nếu người phụ nữ trong gia đình biết “tam tòng” - “theo cha, theo chồng, theo con” thì xã hội tránh được rất nhiều cảnh ly tán; nếu người đàn ông biết “tu thân, tề gia” thì người bạn đời của mình có chỗ dựa vững chắc.
Điểm hạn chế của Nho giáo là sự hà khắc, khuôn khổ ngặt nghèo, có phần phân biệt giai tầng, giới tính. Để dung hòa phù hợp với thời đại, cần gạt bỏ những điều luật cổ hủ, chấp nhận và thúc đẩy “bình đẳng giới”, dân chủ hóa trong gia đình, tôn trọng quyền cá nhân của mỗi thành viên.
Nếu như ngày xưa phụ nữ không được bàn chuyện đại sự gia đình, dòng họ, thì nay xã hội hoàn toàn khuyến khích ủng hộ. Con trai có toàn quyền chọn làm nghề mình yêu thích, con gái được sống tự do với lựa chọn tình yêu của mình. Tôn ti được quyền góp ý với ông bà cha mẹ mà không bị quy tội bất kính.
Truyền thống người Việt ta luôn đề cao tính đoàn kết theo chiều dọc, “lấy trên răn dưới - dưới hướng về trên”. Có những gia đình, dòng họ thờ phụng nhiều đời tiên tổ, đó là cách để giữ cái gốc gác con người, để hậu thế biết mình sinh ra từ đâu, tiếp nối như vậy tạo ra mạch ngầm chảy mãi không dứt.
Do vậy, sự sum vầy, đề huề là biểu hiện chân phương của gia đình hạnh phúc. Nếu như ngày xưa chỉ có ngày Tết, giỗ chạp gia đình mới đoàn tụ, thì nay mỗi năm có rất nhiều ngày lễ để các thành viên xích lại gần nhau. Đây mới là nơi để tình cảm gia đình sinh sôi nẩy nở.
Trong một xã hội được thể chế hóa mạnh mẽ như hiện nay, chính sách vĩ mô của Đảng, Nhà nước cũng tác động không ít đến xu hướng tồn tại và phát triển của gia đình. Ví dụ, tại Đồng bằng sông Cửu Long, cần có quyết sách lớn ổn định kinh tế - xã hội tại chỗ, giảm thiểu tình trạng di cư.
Một quốc gia giàu mạnh, luật pháp minh bạch, lấy nhân trị song hành với pháp trị trong quản lý điều hành xã hội, sẽ tạo ra môi trường tươi tốt cho từng cá nhân có cơ hội công bằng để phát triển, từ đó vun đắp nền tảng tốt đẹp cho gia đình.
Tiêu chí ứng xử của anh, chị, em: Hòa thuận, chia sẻ.
- Anh, chị, em tôn trọng, bảo nhau điều hay, lẽ phải.
- Anh chị bao dung đối với em, em kính trọng anh chị.
- Cùng chia sẻ với nhau công việc chung trong gia đình, giúp đỡ nhau khi khó khăn, hoạn nạn.