Kinh tế địa phương

Hấp dẫn bán dẫn, Nghệ An cần chuẩn bị gì?

Hồng Quang 19/12/2024 17:04

Ngoài việc tiếp tục kiến tạo cơ sở hạ tầng, Nghệ An đang chú tâm phát triển nguồn nhân lực để cung ứng kịp thời cho các doanh nghiệp ngành bán dẫn.

Trước đó, các cơ chế, chính sách phù hợp đã được lãnh đạo tỉnh đưa ra kịp thời nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào địa phương.

Nguồn nhân lực đã qua đào tạo, có chuyên môn là điều cần thiết đối với các doanh nghiệp bán dẫn.
Nhân lực đã qua đào tạo, có chuyên môn cao là điều cần thiết đối với các doanh nghiệp bán dẫn.

“Dọn tổ đón đại bàng”

Những năm trở lại đây, Nghệ An nổi lên như là một hiện tượng, trở thành tâm điểm chú ý của các nhà đầu tư ngoại, nhất là các doanh nghiệp trong ngành bán dẫn. Việc dòng vốn FDI liên tục đổ về địa phương này trong suốt thời gian vừa qua đã khiến cho mục tiêu trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn của khu vực miền Trung không còn quá xa vời.

Mới đây, trong khuôn khổ buổi làm việc với Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA), ông Nguyễn Đức Trung – Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, địa phương đã chuẩn bị những điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, đáp ứng các yêu cầu của các nhà đầu tư khi đến tìm hiểu và đầu tư tại Nghệ An. Việc quy hoạch phát triển tỉnh Nghệ An cũng đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt. Đặc biệt, trong quy hoạch ngành, tỉnh đã quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp sản xuất bán dẫn.

Người đứng đầu tỉnh thông tin thêm, hiện nay Nghệ An có Khu kinh tế Đông Nam với tổng diện tích trên 20.000ha, trong đó dành khoảng 2.000 ha để phát triển các khu công nghiệp. Trong 2.000 ha này, tỉnh đã hình thành 5 khu công nghiệp, trong đó 3 khu công nghiệp đã cơ bản lấp đầy, 2 khu công nghiệp còn lại đang triển khai thực hiện đầu tư hạ tầng để đón các nhà đầu tư mới. Trong điều kiện cần thiết, tỉnh có thể hình thành khu công nghiệp chuyên biệt để thu hút các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn…

Một góc khu công nghiệp VSIP tại xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.
Một góc khu công nghiệp VSIP tại xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.

Đặc biệt, các doanh nghiệp đầu tư vào Khu kinh tế Đông Nam sẽ được hưởng ưu đãi cao nhất về thuế thu nhập doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp công nghệ cao, hiện Chính phủ Việt Nam đang áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp mức rất thấp, là 5% trong vòng 37 năm, trong đó 6 năm đầu tiên miễn hoàn toàn thuế, giảm 50% trong vòng 13 năm tiếp theo. Ngoài ra, tiền thuê đất và thuê mặt nước sẽ thực hiện miễn thuế trong vòng 22 năm và giảm 75% trong thời gian còn lại.

Ông Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh rằng, quan điểm của tỉnh Nghệ An là luôn đồng hành, hỗ trợ các nhà đầu tư khi đến tìm hiểu, khảo sát và thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh với mục tiêu “Thành công của nhà đầu tư chính là thành công của tỉnh Nghệ An”, với tinh thần “Công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư”. Tỉnh Nghệ An nhận thức được rằng, cạnh tranh trong thu hút đầu tư giữa các địa phương của Việt Nam hiện đang rất cao, nên điểm khác nhau giữa các địa phương chính là thái độ của chính quyền với doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Phát triển nguồn nhân lực

Ngành công nghiệp bán dẫn hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào chuyển đổi số với hệ thống cơ sở hạ tầng, máy móc, trang thiết bị hiện đại. Do vậy, nguồn nhân lực đã qua đào tạo, có kiến thức và kỹ năng trong ngành là điều cần thiết đối với các doanh nghiệp bán dẫn. Tuy nhiên, qua khảo sát tại Nghệ An cho thấy, vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực có chuyên môn trong ngành này đang là một thách thức không nhỏ mà tỉnh này phải đối mặt.

Đơn cử như ý kiến của Lãnh đạo Công ty TNHH công nghệ Everwin: Bắt đầu từ tháng 6/2024, công ty chính thức đi vào hoạt động, song rất khó tuyển dụng những kỹ sư lành nghề có kỹ thuật cao tại Nghệ An. Do vậy, trong giai đoạn đầu công ty đang tập trung tuyển dụng lao động nước ngoài để đáp ứng yêu cầu của công ty. Sau khi đi vào hoạt động khoảng 2 năm, công ty sẽ tuyển dụng và đào tạo lao động địa phương vào làm việc. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2024, công ty phải tuyển dụng được 4.000 lao động và đến năm 2026 tuyển dụng được 8.000 lao động. Do đó, việc tuyển dụng lao động đối với công ty rất là áp lực.

img_1685.jpeg
Các doanh nghiệp FDI "khát" lao động đã qua đào tạo, có kiến thức và kỹ năng cao.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Trung – Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An từng chia sẻ: Về nguồn nhân lực, địa phương có nguồn nhân lực khá dồi dào với hơn 1,6 triệu người trong độ tuổi lao động, bình quân hàng năm cung cấp cho thị trường khoảng 40.000 - 45.000 lao động mới. Tỉnh có hệ thống cơ sở đào tạo để thực hiện đào tạo nguồn nhân lực với 6 trường đại học, 11 trường cao đẳng, 70 trung tâm đào tạo nghề. Tuy nhiên, tỉnh đang tìm kiếm hỗ trợ đào tạo trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.

Mới đây, ông Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng đã ký, ban hành văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan chủ động triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 04/12/2024 về việc đẩy mạnh đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn và một số ngành công nghệ cốt lõi, tham mưu UBND tỉnh các nội dung thuộc thẩm quyền.

Theo đó, tại Chỉ thị số 43/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường hợp tác chặt chẽ trong mối quan hệ giữa Nhà nước, nhà trường, trung tâm đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt cho các ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ số cốt lõi. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc nghiên cứu thành lập các đơn vị chuyên môn chuyên biệt (trường, khoa, bộ môn,...) để ưu tiên tập trung đào tạo và nghiên cứu về vi mạch bán dẫn và các công nghệ số cốt lõi.

Mặt khác, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương dự báo nhu cầu nhân lực phục vụ phát triển các ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ số cốt lõi trên địa bàn và xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể đến năm 2030 để phát triển nguồn nhân lực phù hợp với điều kiện của địa phương. Ban hành theo thẩm quyền các cơ chế chính sách, giải pháp để hỗ trợ các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu trực thuộc đào tạo nhân lực các ngành công nghiệp bán dẫn và công nghệ số cốt lõi phù hợp với điều kiện của bộ, ngành và địa phương.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh các giải pháp nhằm huy động, đa dạng hóa nguồn lực cho phát triển nguồn nhân lực các ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ số cốt lõi; bố trí nguồn lực tài chính phù hợp cho các chương trình đào tạo và nghiên cứu phục vụ phát triển nhân lực các ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ số cốt lõi của ngành và địa phương…

Hồng Quang