Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Năm 2024, hệ sinh thái ĐMST của VN xếp hạng thứ 56 trong bảng xếp hạng Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu của Startup Blink...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh tại Techfest 2024: “Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, coi đây là một trong những quốc sách hàng đầu cho phát triển nhanh và bền vững. Trong đó, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một trong những động lực tăng trưởng mới.”
Đó là chia sẻ của ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) với Doanh Nhân.
- Ông đánh giá như thế nào về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam thời gian qua?
Có thể nói, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong 1 thập kỷ qua. Năm 2024, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam xếp hạng thứ 56 trong bảng xếp hạng Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu của Startup Blink; Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh lọt vào top 200 thành phố khởi nghiệp toàn cầu. Một số doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam được định giá hàng trăm đến hàng tỷ USD.
Nhờ đó Việt Nam đang nổi lên là một trong những nền kinh tế năng động mới nổi và là trung tâm phát triển cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Đầu tiên, phải kể đến sự hoàn thiện dần của hệ thống chính sách hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Các văn bản luật như Luật Chuyển giao Công nghệ, Luật Đầu tư, Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa, cùng các nghị quyết đặc thù cho TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đã tạo nền tảng pháp lý quan trọng. Bên cạnh đó, các đề án lớn như 844, 1665, và 939 đã cung cấp những công cụ hỗ trợ thực tiễn cho startup, từ hoàn thiện công nghệ, nâng cao năng lực, đến kết nối đầu tư và mở rộng thị trường.
Thứ hai là hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo rộng khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Hiện có 60/63 tỉnh, thành đã ban hành kế hoạch về khởi nghiệp sáng tạo, với 40 tỉnh có quy định nội dung và định mức chi hỗ trợ startup. Các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và cơ sở ươm tạo đã được thành lập ở nhiều địa phương, tạo nên một mạng lưới phát triển rộng khắp...
Thứ ba, các sự kiện về khởi nghiệp sáng tạo ngày càng đa dạng, hiệu quả cả về số lượng, quy mô và chất lượng, trong đó TECHFEST là sự kiện hàng đầu của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam, là cầu nối giữa hệ sinh thái trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, hệ sinh thái này đang đối mặt với không ít thách thức. Thị trường vốn toàn cầu suy giảm đã ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn của các startup. Dù vậy, với nền tảng hiện có, tôi tin rằng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam có tiềm năng phát triển bền vững hơn nữa.
- Vai trò của các tổ chức hỗ trợ và quỹ đầu tư đối với khởi nghiệp sáng tạo được thể hiện ra sao và cần làm gì để vai trò này được phát huy mạnh hơn nữa, thưa ông?
Tôi cho rằng, các tổ chức hỗ trợ và quỹ đầu tư vừa là "bà đỡ" và cũng là "ngọn lửa dẫn đường" cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam. Vai trò của họ không dừng ở việc cung cấp vốn mà còn ở khả năng định hướng chiến lược, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn và xây dựng một nền tảng bền vững cho các startup vươn xa. Trong 10 năm qua, hệ sinh thái KNST quốc gia đã có những bước tiến đáng kể và một phần lớn thành công đó đến từ sự đồng hành mạnh mẽ của các tổ chức hỗ trợ và quỹ đầu tư.
Hiện tại, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam có hơn 208 quỹ đầu tư, 79 cơ sở ươm tạo và 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Đây là những trụ cột quan trọng giúp startup vượt qua giai đoạn khởi đầu khó khăn và có thể tiến xa hơn trong việc mở rộng quy mô và chinh phục thị trường quốc tế. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đối mặt với một số hạn chế như sự thiếu kết nối giữa các quỹ đầu tư và tổ chức hỗ trợ, cùng sự giảm sút vốn đầu tư vào các startup công nghệ.
Để phát huy vai trò của họ, có ba hướng chính có thể xem xét: Thứ nhất, các tổ chức hỗ trợ và quỹ đầu tư cần đẩy mạnh các chương trình "ươm tạo giá trị" thay vì chỉ tập trung vào vốn. Điều này bao gồm tổ chức các chương trình đào tạo chuyên sâu, mentoring trực tiếp, và xây dựng các trung tâm hỗ trợ theo mô hình hợp tác công-tư. Những sáng kiến này sẽ giúp startup cải thiện kỹ năng quản trị và chuẩn bị tốt hơn cho quá trình gọi vốn.
Thứ hai, hình thành một liên minh hỗ trợ toàn diện giữa các quỹ đầu tư, tổ chức hỗ trợ và cơ quan nhà nước, hỗ trợ các startup ở giai đoạn đầu, và đồng hành trong quá trình mở rộng quy mô.
Thứ ba, các quỹ đầu tư cần nhắm đến các lĩnh vực mang tính chiến lược và tác động tích cực đến xã hội như trí tuệ nhân tạo, chip, bán dẫn, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn. Đây là những ngành mang lại giá trị kinh tế lâu dài, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới.
- Theo ông, đâu là giải pháp để hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam phát triển tăng tốc và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới?
Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đã cơ bản bước qua giai đoạn đầu tiên, đang bước sang giai đoạn mở rộng và kết nối với các hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên thế giới. Để tăng tốc và phát triển hiệu quả hơn, chúng ta cần xem xét tập trung vào một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế và chính sách. Cần đồng bộ hóa các quy định pháp luật, tạo ra các khuôn khổ hỗ trợ phù hợp, đặc biệt, cần tách bạch nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo do những khác biệt về giai đoạn phát triển, cách tiếp cận kinh doanh, khả năng chịu rủi ro,… để có cơ chế hỗ trợ và quy định pháp lý riêng biệt. Cùng với đó, cần có sự điều chỉnh linh hoạt về cơ chế đối với sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới hình thành từ các thành tựu của khoa học công nghệ và trong các lĩnh vực mới như chuyển đổi xanh, tài chính xanh, v.v..
Thứ hai, tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy sự kết nối, chia sẻ và hỗ trợ đa chiều giữa các bên. Để hiện thực hóa điều này đòi hỏi sự đột phá mạnh mẽ về tư duy và hành động từ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, doanh nghiệp FDI đến các tổ chức tài chính, quỹ đầu tư và ngân hàng. Các tập đoàn và doanh nghiệp cần chủ động đưa ra các bài toán thực tiễn, nhu cầu công nghệ và "đặt hàng", tạo cơ hội để cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo phát triển các giải pháp.
Thứ ba, cần đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư quốc tế, các tổ chức toàn cầu để tận dụng nguồn vốn, tri thức và kinh nghiệm quốc tế.
Thứ tư, cần đặt ưu tiên đặc biệt việc kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn,… cùng với những công nghệ tiên phong như trí tuệ nhân tạo và chip bán dẫn vì đây là các ngành công nghiệp của tương lai, là nền tảng để xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo bền vững.
Thứ năm, cần khuyến khích sự tham gia của các tập đoàn đa quốc gia, quỹ đầu tư, ngân hàng và tổ chức tài chính quốc tế trong việc hỗ trợ và đầu tư cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo, đặc biệt là trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải nhà kính và trung hòa carbon. Đây vừa là cơ hội đầu tư, nhưng cũng là trách nhiệm để thúc đẩy các sáng kiến xanh và công nghệ sạch, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế mà nhiều quốc gia đã đưa ra, trong đó có Việt Nam.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ đạo và được Tạp chí Diễn đàn Doanh Nghiệp triển khai từ năm 2002. Chương trình Phát triển Dự án Khởi nghiệp Quốc gia năm 2024 đã thu hút được nhiều dự án có tính sáng tạo, có khả năng khai thác các tiềm năng của địa phương, lợi thế hoặc giải quyết các vấn đề cụ thể, thực tiễn của xã hội.
Năm 2024, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam xếp hạng thứ 56 trong bảng xếp hạng Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu của Startup Blink. Hà Nội và TP HCM lọt vào top 200 thành phố khởi nghiệp toàn cầu.
Từ năm 2017 đến nay, chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam liên tục được cải thiện, tăng từ vị trí 59 (năm 2016) lên 44 năm 2024. Kết quả GII 2024 của Việt Nam có ba chỉ số đứng đầu thế giới, trong đó lần đầu tiên có chỉ số Xuất khẩu hàng hóa sáng tạo.
Bên cạnh đó, đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam có xu hướng phát triển tốt thể hiện qua Chỉ số số thương vụ đầu tư mạo hiểm cải thiện từ thứ hạng 77 năm 2022 lên thứ hạng 50 năm 2024, Chỉ số số thương vụ nhận được vốn đầu tư mạo hiểm từ thứ hạng 54 năm 2021 lên vị trí 44 năm 2024.