Phân tích - Bình luận

Hiệp định CEPA (Kỳ III): Những lưu ý với doanh nghiệp

Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế 22/12/2024 11:02

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào UAE cũng như thị trường Trung Đông.

chanh long an
Chanh Long An được xuất khẩu trực tiếp sang nhiều quốc gia khu vực Trung Đông. Ảnh: Thanh Liêm

Các Tiểu vương quốc Ả - rập thống nhất (UAE) là đất nước có vị trí chiến lược nằm tại cửa ngõ giao thương giữa 3 châu lục Á - Âu - Phi và là một trong những trung tâm thương mại - tài chính của thế giới. UAE là đồng minh thân cận của Mỹ, nhưng đối tác thương mại lớn nhất của quốc gia này là Trung Quốc. GDP bình quân đầu người của UAE vượt xa Anh hoặc Pháp. Họ cũng được coi là trung tâm giao thương của các doanh nghiệp Ấn Độ và châu Phi, nên quốc gia này được mệnh danh là Singapore của Trung Đông.

Nhiều tiềm năng hợp tác

Nhờ có chính sách cởi mở, môi trường kinh doanh thông thoáng, UAE đang trở thành một thị trường trung chuyển quốc tế quan trọng qua đường hàng hải và hàng không. Nhờ đó, nền kinh tế UAE luôn có mức tăng trưởng ổn định với thu nhập bình quân đầu người đạt mức rất cao.

UAE là một trung tâm logistics lớn nhất toàn cầu, nên CEPA sẽ giúp Việt Nam tăng cường hợp tác với UAE về dịch vụ vận tải, logistics và chuỗi cung ứng, giúp hàng hóa Việt Nam được vận chuyển nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Việt Nam luôn xuất siêu sang thị trường UAE với giá trị trên 4 tỷ USD/năm. Trong cơ cấu giao thương giữa 2 nước, nhập khẩu của Việt Nam từ UAE chiếm khoảng 8-10% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu; còn xuất khẩu từ Việt Nam sang UAE chiếm trên 90%. Điều này sẽ giúp Việt Nam tăng xuất siêu, mang lại nguồn ngoại tệ.
Đặc biệt, Hiệp định CEPA có 1 chương riêng về hợp tác kinh tế.

Theo đó, hai bên nhất trí sẽ triển khai các hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực như: du lịch, vận tải, các ngành sản xuất, dịch vụ tài chính, phát triển năng lượng... thông qua nhiều hình thức đa dạng như tổ chức các hội nghị, hội thảo; trao đổi đoàn, chuyên gia, kỹ thuật viên và chuyên gia học thuật; đối thoại và trao đổi kinh nghiệm giữa khu vực tư nhân của các bên. Đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp, chuyên gia của Việt Nam học tập kinh nghiệm, cũng như tiếp thu các công nghệ mới, tiên tiến từ UAE.

trùn dong
trùn dong


Ngoài ra, việc ký kết FTA với một đối tác phát triển mạnh về công nghệ, dịch vụ, tài chính như UAE cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội tiếp cận nguồn công nghệ hiện đại, nguồn vốn dồi dào, cơ hội học hỏi kỹ năng quản lý, kinh doanh dịch vụ, tạo thêm việc làm cho người lao động, giúp ổn định an sinh - xã hội cho Việt Nam, mang lại thêm nhiều cơ hội đầu tư vào Việt Nam từ các doanh nghiệp UAE.

Những vấn đề không thể ngó lơ

Doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu các cam kết của Hiệp định CEPA cũng như nắm rõ tập quán kinh doanh của thị trường UAE nói riêng và Trung Đông nói chung để dễ dàng thâm nhập thị trường UAE. Chẳng hạn như thời gian làm việc của UAE từ Chủ nhật đến thứ Năm, nghỉ thứ Sáu và thứ Bảy. Người UAE thích gặp mặt trực tiếp hơn là gọi điện thoại hoặc email. Thậm chí đôi khi người UAE xem chỉ gọi điện thoại hoặc email thể hiện thái độ không mấy nhiệt tình hoặc không quan tâm.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần thường xuyên tham gia chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, trong quá trình tìm kiếm, thâm nhập thị trường xuất khẩu mới trong khu vực và đáp ứng các yêu cầu tại nước nhập khẩu, trong đó có chứng chỉ Halal.

Đặc biệt, các sản phẩm xuất khẩu sang UAE cần có tem mác dán trên bao bì thực phẩm, nên cần được dịch sang tiếng Ảrập, trong đó nêu rõ tên, xuất xứ sản phẩm, hàm lượng...

Ngoài ra theo luật UAE, khi muốn kinh doanh tại quốc gia này, các doanh nghiệp có thể chọn một trong những phương thức, như tham gia vào một công ty hoặc tổ chức thương mại tại địa phương; thành lập một văn phòng chi nhánh; ủy nhiệm một đại lý thương mại hoặc một nhà phân phối; thành lập chi nhánh hoặc công ty con tại một trong những khu vực tự do của UAE.

Về quyền sở hữu, khi tham gia vào một công ty hoặc tổ chức thương mại UAE, doanh nghiệp nước ngoài chỉ được sở hữu 49% cổ phần; 51% còn lại phải được sở hữu bởi tổ chức hoặc công dân UAE. Tại UAE có 7 hình thức tổ chức thương mại công nhận.

Nếu doanh nghiệp muốn thành lập một văn phòng chi nhánh, cần có sự chấp thuận của Bộ Kinh tế UAE và phải đặt cọc 50.000 AED phí bảo lãnh ngân hàng. Các văn phòng chi nhánh phải được đăng ký thành lập bởi cá nhân có quốc tịch UAE. Một số hình thức công ty nhất định sẽ cần phải nhận được sự cho phép của một số cơ quan đặc biệt, ví dụ như Ngân hàng Trung ương nếu công ty liên quan đến tài chính, hoặc Ủy ban đô thị ở Dubai nếu công ty liên quan đến kỹ thuật và xây dựng.

Nếu doanh nghiệp chỉ có ý định xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ cho UAE, thì có thể ủy nhiệm cho một đại lý, hoặc một nhà phân phối tại UAE. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần lưu ý rằng đại lý hoặc nhà phân phối được ủy nhiệm phải hoàn toàn thuộc sở hữu của công dân UAE và được đăng ký bởi công dân UAE.

Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế