Thời điểm ươm mầm cho các startup Việt bứt phá
Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững, cần xây dựng hệ sinh thái và vườn ươm tập trung vào hai yếu tố lớn là mạng lưới coach - mentor và mạng lưới các nhà đầu tư thiên thần.
Đó là chia sẻ của ông Đỗ Minh Phương - CEO/Founder – người sáng lập cho dự án kinh doanh Cơm 9 Phút của Công ty Cổ phần Công nghệ và Thực phẩm Siêu tốc; Huấn luyện viên khởi nghiệp – Coach, Ban Giám khảo vòng Bán kết Chương trình Phát triển dự án khởi nghiệp Quốc gia năm 2024 với Doanh Nhân.
- Sau hai năm đồng hành cùng Chương trình Phát triển dự án khởi nghiệp Quốc gia và gần nhất là Vòng bán kết của chương trình 2024, cảm nhận của ông ra sao, thưa ông?
Tôi nhận thấy, Chương trình Phát triển dự án khởi nghiệp Quốc gia có sự thay đổi và nâng cấp chất lượng theo từng năm. Đặc biệt, các dự án khởi nghiệp (startup) được nâng cấp theo thời gian, không chỉ là những startup của các nhóm bạn sinh viên, thanh niên mà còn mở rộng với các đội nhóm đa ngành nghề, đa lứa tuổi và có nhiều kinh nghiệm chinh chiến tại nhiều chương trình khởi nghiệp khác nhau.
Tham gia Chương trình Phát triển dự án khởi nghiệp Quốc gia, các startup sẽ có cơ hội được huấn luyện, được phản biện và có cơ hội kết nối sâu rộng với các môi trường khác nhau. Khi vượt qua được các câu hỏi của ban giảm khảo, các startup cũng được nhìn nhận lại những điểm mạnh/yếu và được cho lời khuyên để giải quyết các vấn đề của startup như: vấn đề về con người, về cách thức hoạt động, về vốn,...
Nhiều startup sau khi tham gia chương trình, nhận được những kiến thức chia sẻ và nhận định của đội ngũ ban giám khảo đã nhận ra nhiều thiếu sót cần phải được bổ sung và hoàn thiện lại để đủ khả năng vận hành, hoàn toàn có thể quay trở lại chương trình vào năm sau. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều ý tưởng, tư duy của startup đã khiến hội đồng ban giám khảo vô cùng bất ngờ về phần thể hiện xuất sắc và đem đến nhiều cảm xúc cho chúng tôi.
Tôi cho rằng, cơ hội sẽ đến khi doanh nghiệp có đủ tiềm năng từ bên trong. Cơ hội được tạo ra khi tham gia các chương trình khởi nghiệp là sự liên kết giữa startup và các chuyên gia, nhà cố vấn, nhà đầu tư,...Từ đó, các startup sẽ được rèn luyện và được hoàn thiện, nâng cấp thông qua những kiến thức thực tế, từ những trải nghiệm thực chiến của mạng lưới Coach – Mentor.
- Với kinh nghiệm là một doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, theo ông, đâu là yếu tố quan trọng tác động tới hướng đi của khởi nghiệp tại Việt Nam?
Theo tôi, muốn xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững, cần xây dựng hệ sinh thái và vườn ươm tập trung vào hai yếu tố lớn là mạng lưới coach – mentor và mạng lưới các nhà đầu tư thiên thần.
Thứ nhất, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam có mạnh đều do lực lượng huấn luyện viên, đội ngũ cố vấn, những con người đứng đằng sau giúp giải quyết những vấn đề gặp phải của startup.
Do đó, các chính sách của Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc VCCI cần tập trung đầu tư nguồn lực đào tạo vào yếu tố con người, đầu tiên và quan trọng nhất là đào tạo mạng lưới Coach – Mentor. Đội ngũ này cần được đào tạo chuyên môn sâu và bài bản để thúc đẩy, áp dụng và triển khai đổi mới sáng tạo. Theo đó, chúng ta cũng cần có những chương trình đào tạo huấn luyện chuyên sâu tiếp cận theo hướng tập trung vào ứng dụng thực tế đi, tạo môi trường nuôi dưỡng cho các startup và không thể thiếu sự đồng hành chính thống của chính phủ và các tổ chức quốc tế.
Thứ hai, các cơ quan chính phủ và tổ chức tài chính phải tập trung vào việc đầu tư vào hạ tầng cần thiết cho khởi nghiệp hơn nữa, bao gồm các trung tâm ươm tạo và các quỹ đầu tư thiên thần, nhà đầu tư mạo hiểm. Trung tâm ươm tạo có vai trò cung cấp không gian làm việc chung, tổ chức các chương trình tư vấn và hỗ trợ tài chính cho các startup. Những trung tâm này không chỉ hỗ trợ về mặt vật chất mà còn cung cấp các dịch vụ tư vấn cần thiết, giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp vượt qua những giai đoạn khó khăn ban đầu.
Bên cạnh đó, các quỹ đầu tư mạo hiểm đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp vốn cho các startup, giúp họ có nguồn lực tài chính để phát triển và mở rộng quy mô hoạt động.
- Ông đánh giá ra sao về những tiềm năng của khởi nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt trong tiến trình hội nhập hiện nay, thưa ông?
So với các thị trường đầu tư mạo hiểm sôi động như Mỹ, Việt Nam vẫn còn khá non trẻ, với lịch sử phát triển chỉ khoảng 20 năm. Tuy nhiên, những lợi thế vốn có của Việt Nam như dân số đông, nguồn nhân lực chất lượng cao... vẫn luôn là điểm sáng thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhiều chuyên gia tin rằng, cùng sự tham gia của các quỹ đầu tư lớn, Việt Nam đang là trung tâm đổi mới sáng tạo của Đông Nam Á.
Để gọi được vốn, các startup cần tập trung phát triển sản phẩm/dịch vụ chất lượng cao, có tính ứng dụng thực tế, giúp giải quyết các vấn đề thiết yếu của cuộc sống, có khả năng phát triển ra thị trường quốc tế.
Đây là thời điểm tuyệt vời để Việt Nam tạo bối cảnh ươm mầm cho các startup Việt Nam bứt phá. Các startup cần có sự thích ứng và chuyển hướng sang mô hình tăng trưởng bền vững. Bên cạnh đó, cần tăng cường kết nối giữa startup với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp và các doanh nghiệp khác để học hỏi kinh nghiệm, mở rộng hợp tác.
- Trân trọng cảm ơn ông!