“Bà đỡ” và chính sách cơ chế
Chip ảnh nhiệt không chỉ mang đến công nghệ hoàn chỉnh mà từ công nghệ lõi đã mở ra hướng phát triển mới, là cơ sở quan trọng để chúng tôi quyết định thành lập công ty spin-off.
Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ trên thế giới cho thấy cần có lực lượng đông đảo các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo xuất phát từ trường đại học (doanh nghiệp spin-off).
Trao đổi với Doanh Nhân, PGS.TS Nguyễn Trần Thuật - sáng lập InfraSen, Phó Giám đốc Trung tâm Nano và năng lượng (trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: những thay đổi của nền kinh tế hiện nay phần lớn đều xuất phát từ nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và phát triển thành công nghệ, sản phẩm hướng tới phục vụ xã hội, tạo giá trị cho xã hội. Trong đó, chíp bán dẫn hay AI - những công nghệ hiện đại nhất đều được phát triển phòng thí nghiệm và thương mại hoá thành sản phẩm trên thị trường.
- Chip ảnh nhiệt, một sản phẩm của InfraSen cũng bắt đầu từ một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Ông đã đưa con chip này ra thị trường bằng cách nào?
Chip ảnh nhiệt là công nghệ được sử dụng phổ biến tại nhiều quốc gia phát triển và được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực khác nhau như an ninh quốc phòng, giao thông thông minh, y tế, xây dựng… Từ dự án “Nghiên cứu phát triển công nghệ chế tạo cảm biến ảnh hồng ngoại nhiệt ứng dụng trong an ninh quốc phòng và dân dụng”, chúng tôi đã kêu gọi từ một quỹ hỗ trợ để có kinh phí tiếp tục đầu tư phát triển công nghệ. Quá trình nghiên cứu kéo dài từ năm 2019 đến nay với nhiều thử nghiệm, cải tiến, thay đổi, sáng tạo, chúng tôi đã giải quyết được nhiều bài toán đặt ra trong thiết kế và sản xuất chip ảnh nhiệt, trong đó có cả vấn đề giá thành để đảm bảo sức cạnh tranh cho sản phẩm. Chip ảnh nhiệt không chỉ mang đến công nghệ hoàn chỉnh mà từ công nghệ lõi đã mở ra hướng phát triển mới, là cơ sở quan trọng để chúng tôi quyết định thành lập công ty spin-off.
- Là “người trong cuộc”, ông đánh giá thế nào về những điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy thành lập các doanh nghiệp spin-off tại Việt Nam hiện nay?
Với InfraSen, chúng tôi khá thuận lợi trong việc gọi vốn ở thời điểm này khi công nghiệp bán dẫn phát triển và Chính phủ có nhiều chính sách ưu đãi cho ngành công nghệ cao này. Trước khi thành lập InfraSen, tôi và các cộng sự đã khởi nghiệp với công việc liên quan đến phát triển phần mềm và thụ hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước cho các startup nên hoạt động của doanh nghiệp khá thuận lợi. Ở lần khởi nghiệp thứ 2 này, với loại hình doanh nghiệp mới thì phức tạp hơn nhiều, nhất là chính sách, quy định pháp luật chưa đồng bộ.
Về cơ bản, doanh nghiệp spin-off cần bắt đầu từ nghiên cứu khoa học trong một tổ chức có chức năng R&D tại Việt Nam, sau đó phát triển công nghệ và có thể thương mại hoá. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, vướng mắc lớn nhất là chưa có “danh chính ngôn thuận” cho loại hình doanh nghiệp này. Bởi, trước khi thương mại hoá nghiên cứu khoa học cần phải định giá công nghệ. Đây không phải là công việc đơn giản vì quy định pháp luật coi các kết quả nghiên cứu là tài sản công nên cơ chế quản lý phức tạp và không có cơ sở định giá. Không định giá được thì không có “danh chính ngôn thuận” để phát triển công nghệ ra ngoài. Rào cản này lý giải một phần lý do tại sao các các startup công nghệ hay phải ra nước ngoài để thành lập doanh nghiệp.
Thứ hai, viên chức trong các viện, trường đại học công lập không được phép tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp. Quy định này khiến cho những cán bộ, trong đó có các giáo sư, tiến sĩ có năng lực không thể tham gia hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu cùng doanh nghiệp. Tại Hà Nội, với Luật Thủ đô sửa đổi có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 với quy định cởi mở hơn đã cho phép viên chức tại cơ sở giáo dục, tổ chức khoa học công nghệ công lập được tham gia góp vốn, quản lý, điều hành doanh nghiệp để thương mại hoá kết quả nghiên cứu, phát triển công nghệ thuộc quyền sở hữu trí tuệ của mình.
- Quan trọng và cần thiết nhất hiện nay để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp spin-off là tháo gỡ thể chế, thưa ông?
Kinh nghiệm từ các nước cho thấy, để loại hình doanh nghiệp spin-off phát triển cần một hành lang pháp lý đầy đủ với những quy định rõ ràng và cụ thể; có cơ chế kết nối giữa nhà khoa học và doanh nghiệp cùng chính sách hỗ trợ cho nghiên cứu phát triển công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ lõi mà Việt Nam có khả năng làm chủ. Chỉ khi những vướng mắc, rào cản hiện nay được tháo gỡ sẽ phát huy được nguồn lực cho tất cả các bên, từ vai trò dẫn dắt và hiệu quả của đầu tư công đến các chính sách hỗ trợ của nhà nước cho các startup để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phát triển và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn thay vì để trong… ngăn kéo.
Trong thời gian vừa qua, chúng tôi đã làm việc và mua chip từ một đồng nghiệp là nhà khoa học ở Thổ Nhĩ Kỳ. Vị giáo sư này vừa là trưởng khoa tại trường đại học vừa là giám đốc của công ty spin-off, kinh doanh chip trên toàn thế giới. Để làm được như vậy, tôi cho rằng, cần cả cơ chế, chính sách pháp luật và niềm tin. Trong đó, hành lang pháp lý đầy đủ góp phần hạn chế, xử lý các trường hợp cố tình vi phạm, lợi dụng chính sách để thực hiện hành vi bất minh; đồng thời có tác dụng khuyến khích, động viên những cá nhân, tổ chức thực hiện minh bạch, đàng hoàng.
- Trân trọng cảm ơn ông!