Thừa Thiên Huế: Sức bật mới
Thừa Thiên Huế quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cấp bách tạo nền tảng vững chắc để xây dựng TTH trở thành thành phố trực thuộc Trung ương năm 2025.
Trong những năm qua, Thừa Thiên Huế đã tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cấp bách tạo nền tảng vững chắc để xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương năm 2025.
Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trò chuyện với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương xung quanh nội dung này.
- Sau 04 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025, đến nay, Thừa Thiên Huế đã đạt những thành tựu quan trọng nào, thưa ông?
Sau 04 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương cùng với quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, tỉnh Thừa Thiên Huế đã từng bước khắc phục khó khăn và đạt nhiều thành tựu quan trọng, góp phần tạo nền tảng vững chắc để xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Đến nay, kinh tế - xã hội của tỉnh đã phục hồi tích cực trên hầu hết các ngành, lĩnh vực; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021-2024 ước đạt 7,06%/năm. GRDP bình quân đầu người năm 2024 đạt 3.150 USD. Thu ngân sách tăng bình quân 8%/năm; kết cấu hạ tầng đô thị được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, có tác động lan tỏa; Các lĩnh vực văn hóa xã hội có nhiều chuyển biến rõ nét; nhiều chỉ số hành chính quan trọng của tỉnh luôn nằm trong nhóm “Tốt” của cả nước; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao.…
Trong đó, các Đề án phục vụ mục tiêu xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đến nay đã cơ bản hoàn thành. Đặc biệt, ngày 30/11/2024, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 175/2024/QH15 về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1314/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Huế giai đoạn 2023 - 2025. Theo đó, Thừa Thiên Huế chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương kể từ ngày 01/01/2025.
- Khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trong bối cảnh mới, tỉnh sẽ ưu tiên phát triển những lĩnh vực nào, thưa ông?
Nghị quyết 54-NQ/TW và Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị cùng với Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định rõ quan điểm, mục tiêu, các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển của tỉnh.
Khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Thừa Thiên Huế là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam; đô thị hạt nhân cấp vùng và tiểu vùng, là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước, kết hợp với Đà Nẵng thành cực tăng trưởng của Vùng động lực miền Trung; hướng tới thành phố Festival, là điểm đến an toàn, thân thiện, xứ sở của hạnh phúc và tràn đầy năng lượng. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp.
Trên cơ sở đó, tỉnh tập trung phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp. Phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển du lịch; phát triển kinh tế biển và đầm phá trên cơ sở tăng trưởng xanh, các ngành dịch vụ được cơ cấu lại đồng bộ, hiệu quả dựa trên nền tảng ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại.
- Thưa ông, PCI Thừa Thiên Huế 3 năm liên tiếp duy trì trong Top 10 của cả nước. Để tiếp tục giữ và nâng cao thứ hạng PCI, tỉnh có những giải pháp cụ thể nào?
Cuộc đua cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết khi mà hầu hết các tỉnh, thành phố đều rất quyết liệt trong các hành động. Chính vì vậy, để duy trì và nâng cao hơn nữa vị trí xếp hạng của tỉnh đang đặt ra khá nhiều thách thức. Tỉnh Thừa Thiên Huế phải thực hiện nhanh hơn, mạnh hơn, quyết liệt hơn nữa trong triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Tỉnh đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP của Chính phủ, trọng tâm tập trung vào các giải pháp cụ thể: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chính quyền điện tử với các sáng kiến trong phát triển đô thị thông minh, hướng các hoạt động quản lý và điều hành địa phương trở nên phù hợp và thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; triển khai đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở ban ngành và địa phương (DDCI).
Khai thác hiệu quả trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) với các trang thiết bị hiện đại, tích hợp các công nghệ tiên tiến… giám sát, điều hành, chỉ huy các hoạt động của tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế; môi trường sống và làm việc của người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, Tỉnh còn tập trung phát huy vai trò, trách nhiệm của 04 Tổ công tác để kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để khởi công các dự án đã chấp thuận nhà đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trong và ngoài ngân sách. Tăng cường thực hiện các công tác đối thoại, tiếp xúc doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ và giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Đồng thời, tỉnh thực hiện quyết liệt các chính sách của Trung ương, HĐND tỉnh về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới, chính sách hỗ trợ thuê mua các giải pháp chuyển đổi số, đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp, hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp,…
Thừa Thiên Huế sẽ luôn đồng hành xuyên suốt cùng cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và đảm bảo tính cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt giữa các doanh nghiệp, cùng nhau kiến tạo môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch, hấp dẫn.
- Trân trọng cảm ơn ông!