Thừa Thiên Huế: Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Xác định doanh nghiệp là xương sống của nền kinh tế, tỉnh Thừa Thiên Huế xác định sẽ tập trung huy động và phân bổ nguồn lực đầu tư, đẩy nhanh các công trình, dự án trọng điểm.
3 năm trở lại đây, tỉnh Thừa Thiên Huế liên tiếp lọt vào danh sách những tỉnh, thành phố có chỉ số PCI hàng đầu cả nước. Điều này minh chứng cho những nỗ lực của tỉnh Thừa Thiên Huế về linh hoạt, sáng tạo trong quá trình thực thi chính sách, pháp luật tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động ổn định và nhất quán.
Tạo thuận lợi tối đa
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XVI về công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện bằng các quyết định, kế hoạch, chỉ thị về tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp và tăng cường đẩy mạnh cải cách hành chính, đẩy nhanh tiến trình xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số.
Trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh (Sở KH&ĐT) thường xuyên rà soát đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình, thời gian giải quyết hồ sơ. Sở KH&ĐT đã thành lập Tổ Công tác Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động 24/7 giúp doanh nghiệp thực hiện các thủ tục được nhanh chóng, giảm các chi phí. Đến nay, 100% hồ sơ đăng ký kinh doanh của tỉnh Thừa Thiên Huế được nộp qua mạng điện tử, 100% kết quả hồ sơ được trả qua dịch vụ bưu chính công ích với chi phí chuyển phát được UBND tỉnh hỗ trợ 100%.
Ông Phan Quốc Sơn, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có gần 6.200 doanh nghiệp đang hoạt động. Xác định doanh nghiệp là xương sống của nền kinh tế, tỉnh Thừa Thiên Huế xác định sẽ tập trung huy động và phân bổ nguồn lực đầu tư, đẩy nhanh các công trình, dự án trọng điểm: Tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An; Đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt Sông Hương, Đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài; đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 2; các dự án thuộc Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục khởi công một số thiết chế phục vụ cộng đồng: quảng trường văn hóa – thể thao, giao thông nội thị,… quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công nhằm mục đích hoàn thiện hạ tầng, thiết chế xã hội,.. tạo điều kiện để các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng như các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tỉnh để đầu tư, kinh doanh.
Không ngừng cải thiện môi trường đầu tư
Theo lãnh đạo Sở KH&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở luôn nỗ lực không ngừng để cùng tỉnh cải thiện môi trường kinh doanh, tạo đà nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Sở KH&ĐT là cơ quan thường trực 04 Tổ công tác giám sát, quản lý các dự án đầu tư do Chủ tịch và 03 Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các vướng mắc. Qua đó, hạn chế tối đa tình trạng doanh nghiệp phải tự xoay xở để thực hiện các thủ tục hành chính liên quan dự án, dứt điểm tình trạng kéo dài thời gian xử lý thủ tục hành chính của các sở ngành; xử lý dứt điểm các vướng mắc mà dự án đang gặp phải để đẩy nhanh tiến độ”, ông Sơn cho biết.
Để duy trì và nâng cao PCI, hàng năm Sở KH&ĐT Thừa Thiên Huế tiến hành rà soát, báo cáo những đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp thông qua bộ Chỉ số PCI, tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch cải thiện, nâng hạng bộ Chỉ số một cách phù hợp. Để sâu sát hơn đến từng cấp, ngành, Sở KH&ĐT tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở ban ngành và địa phương (DDCI), đưa kết quả vào để đánh giá, xếp loại công tác CCHC của các cơ quan, đơn vị.
Bên cạnh đó, Sở KH&ĐT đã triển khai thực hiện quyết liệt các chính sách của Trung ương, chủ động tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tăng cường đối thoại, tiếp xúc doanh nghiệp bằng nhiều hình thức nhằm kịp thời tháo gỡ và giải quyết các khó khăn, vướng mắc; xây dựng Hệ thống giải pháp quản lý rủi ro về theo dõi, giám sát hoạt động của doanh nghiệp nhằm xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật.
Trong 10 tháng đầu năm 2024, Thừa Thiên Huế có 660 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 2.700 tỷ đồng, tăng 11% về lượng so với cùng kỳ. Toàn tỉnh hiện có khoảng 6.200 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ chiếm 63,9%.