Dẫn vốn hiệu quả vào “tam nông”
Thời gian qua, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã tích cực triển khai, cụ thể hóa chỉ đạo của Chính phủ, của tỉnh về việc dẫn vốn vào “tam nông”.
Theo đó, thông qua Hội Nông dân các cấp, Agribank chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát triển mô hình cho vay qua tổ để hỗ trợ các hộ nông dân tiếp cận được nguồn vốn vay đúng hướng. Bên cạnh đó, Chi nhánh đã triển khai các điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng về các vùng sâu, vùng xa nơi giao thông khó khăn và không có trụ sở giao dịch ngân hàng, phát triển thẻ ghi nợ nội địa, thẻ tín dụng nội địa Lộc Việt, VietQR tại chợ dân sinh, lắp đặt các máy ATM và CDM về tận vùng sâu vùng xa để đưa dịch vụ tài chính ngân hàng phủ sóng khu vực nông thôn, giúp bà con nông thôn thuận lợi tiếp cận các tiện ích ngân hàng 4.0.
Đáng chú ý, Agribank chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức. Từ nguồn vốn vay đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và đóng góp quan trọng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Qua đó, góp phần đẩy mạnh các chương trình tín dụng chính sách, hạn chế nạn tín dụng đen, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp xanh, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ nguồn lực xây dựng nông thôn mới.
Ông Trần Đình Khoái, Phó Giám đốc Agribank chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ, thông qua điểm giao dịch lưu động, Chi nhánh tiếp tục mở rộng mạng lưới tại các vùng xa xôi trên địa bàn toàn tỉnh, giải thiểu tín dụng đen, thu hẹp khoảng cách giữa vùng sâu vùng xa với các đô thị trung tâm, tạo thuận lợi cho người dân vay vốn để sản xuất, nâng cao thu nhập người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững của nông thôn tỉnh nhà.
“TT-Huế là mảnh đất thường xuyên xảy ra bão lụt hằng năm dẫn đến bà con thiệt hại mất mùa, kinh doanh hiệu quả thấp. Cùng với đó, kiến thức về canh tác của bà con còn nhiều hạn chế; câu chuyện “được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa”, do đó, để nguồn vốn đầu tư tam nông có hiệu quả, Agribank rất cần sự chung tay từ chính quyền địa phương, trong đó, tiếp tục nhận được sự phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ từ Hội Nông dân và Hội LHPN tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc triển khai mô hình cho vay qua tổ; Chính quyền địa phương hỗ trợ sinh kế để bà con mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập; Hỗ trợ ngân hàng trong công tác đảm bảo an ninh trật tự tại các điểm giao dịch và các nơi lắp đặt ATM, đặc biệt là khu vực đưa xe chuyên dùng về giao dịch lưu động”, ông Khoái nói.