Kinh tế địa phương

Nâng tầm giá trị sản phẩm OCOP Nam Định

Trung Thành - Minh Huệ 20/12/2024 14:48

Thời gian qua, tỉnh Nam Định đã hỗ trợ, tạo cơ hội cho các chủ thể OCOP tham gia hội chợ, sàn TMĐT, kết nối cung cầu giao thương ở các tỉnh, thành phố.

Từ đó, từng bước nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm, thúc đẩy tiêu thụ và mở rộng thị trường.

Nâng tầm giá trị

Theo UBND huyện Trực Ninh – Nam Định: Toàn huyện đã có 46 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 sao trở lên. Trong đó có 6 sản phẩm mới được công nhận OCOP 3 sao trong năm 2024 như: Tinh bột củ sen loại thượng hạng của hộ kinh doanh Vũ Văn Anh và Trà bí đao sấy lạnh Viagri, Rượu nếp cái hoa vàng Viagri của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Viagri đều ở xã Trực Chính.

7.jpg
Anh Vũ Văn Ánh xã Trực Chính giới thiệu các sản phẩm chế biến từ củ sen do cơ sở của anh sản xuất.

Rượu nho Bằng Khanh của Doanh nghiệp tư nhân rượu Bằng Khanh, xã Trực Hùng. Giò lụa Võ Gấm của hộ kinh doanh Vũ Ngọc Võ, thị trấn Cổ Lễ. Điểm nổi bật đáng ghi nhận trong số các sản phẩm mới được công nhận OCOP năm 2024 là vẫn từ nguồn nguyên liệu tại địa phương nhưng sản phẩm mang tính độc đáo, chất lượng cao; bao bì đẹp, tiện dụng, đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của Chương trình OCOP và phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Điều này thể hiện rõ ràng sự nỗ lực của các chủ thể OCOP trong việc nâng cao giá trị sản phẩm và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng khắt khe. Trong đó xã Trực Chính có thêm 3 sản phẩm là Tinh bột củ sen loại thượng hạng. Trà bí đao sấy lạnh Viagri và Rượu nếp cái hoa vàng Viagri.

Ông Vũ Văn Anh - chủ cơ sở sản xuất tinh bột củ sen cho biết: “Là kỹ sư nông nghiệp, lập nghiệp tại quê nhà, tôi luôn đau đáu việc nâng tầm nông sản địa phương, tạo nên sản phẩm đặc trưng mang đậm dấu ấn quê hương. Do đó để làm ra sản phẩm thượng hạng này chúng tôi đã trải qua nhiều quy trình thử nghiệm, hoàn thiện mới ra được. Mỗi lần cải tiến là một lần nâng tầm sản phẩm, mang lại tiện ích cho người tiêu dùng. Sản phẩm tinh bột củ sen thượng hạng không chỉ đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm mà còn đạt tiêu chuẩn ISO 22000.

Hiện tại tôi đang tiếp tục nghiên cứu kết hợp tinh bột củ sen với các thực phẩm khác; phát triển đa dạng quy cách đóng gói để sản phẩm có thể tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng hơn. Sản phẩm thực sự mở ra hướng phát triển cho người dân khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải thiện thu nhập”. Hay như sản phẩm Trà bí đao sấy lạnh Viagri được sản xuất từ sản phẩm cây vụ đông truyền thống ở địa phương. Với công nghệ sấy lạnh tiên tiến, sản phẩm giữ trọn dưỡng chất, đặc biệt là các loại vitamin tự nhiên trong quả bí đao.

Cũng trong năm 2024, các địa phương trên địa bàn tỉnh Nam Đinh đã đánh giá công nhận lại tiêu chuẩn OCOP. Những sản phẩm được đánh giá công nhận OCOP đều được cải tiến đáng kể về mặt chất lượng và mẫu mã sau khi được công nhận lần đầu, đáp ứng tốt các tiêu chuẩn khắt khe của Chương trình OCOP.

Điều quan trọng hơn là các sản phẩm đã khẳng định được giá trị thương hiệu trên thị trường và có doanh thu tăng gấp nhiều lần so với trước đây.
Có được kết quả này bên cạnh sự nỗ lực của các chủ thể, các địa phương đã xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định rõ nội dung, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để triển khai Chương trình OCOP.

Đột phá tăng trưởng sản phẩm OCOP

Tính đến tháng 12/2024, toàn tỉnh có 529 sản phẩm OCOP. Trong đó ngành chăn nuôi, thủy sản đóng góp hơn 35% số lượng sản phẩm. Các sản phẩm OCOP này là động lực phát triển, tạo làn sóng đổi mới cho nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) tại các vùng nông thôn trong tỉnh.

8.jpg
Các sản phẩm OCOP Nam Định tại Hội chợ

Sau 6 năm triển khai Chương trình OCOP, huyện Xuân Trường đã có 53 sản phẩm được Hội đồng Đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đánh giá công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó có 31 sản phẩm từ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Các sản phẩm OCOP của huyện có hình thức mẫu mã, nhãn mác bao bì đẹp, bắt mắt, chất lượng đảm bảo quy định và không ngừng được nâng lên, mang nét đặc trưng của từng địa phương, đơn vị sản xuất.

Những sản phẩm như: Cá trắm đen cắt khúc, Cá trắm cắt khúc, Cá chép cắt khúc của hộ kinh doanh Trần Thanh Năm, xã Xuân Vinh; Bánh đa nem Bảo Nguyên của HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp và cơ khí Xuân Tiến… đã trở thành thương hiệu uy tín đối với người tiêu dùng, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, tạo nguồn lực tại chỗ cho các địa phương xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Ông Anh Vũ Văn Kỷ - Giám đốc Công ty TNHH Hải sản Hải Thịnh cho biết: Sản phẩm “Nước mắm Tân Phú” của Công ty được làm từ cá cơm, cá nục đều là sản vật từ nghề khai thác của ngư dân địa phương. Để xây dựng sản phẩm OCOP Nước mắm Tân Phú, Công ty đã đầu tư đồng bộ, nâng cấp cơ sở vật chất xây dựng nhà xưởng, kho chứa nguyên liệu với quy mô 40 bể ủ nguyên liệu, mỗi bể rộng 6,5m3; mẫu mã quy cách sản phẩm...

Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao, sản phẩm được người tiêu dùng rất ưa thích, đặc biệt là thị trường các thành phố lớn. Trung bình mỗi tháng, Công ty cung ứng ra thị trường từ 700-1.200 lít nước mắm, với giá bán từ 80 đến 160 nghìn đồng/lít tùy từng loại nước mắm; tạo việc làm cho hàng chục lao động với thu nhập 7-8 triệu đồng/người/tháng.

Bà Nguyễn Thị Dung - Phó Giám đốc Công ty TNHH Công Danh chia sẻ: Từ khi sản phẩm “Thịt lợn Công Danh” được công nhận đạt OCOP 3 sao, giá trị sản phẩm được nâng cao, có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, sản phẩm xúc xích, thịt lợn Công Danh đã có mặt tại hầu khắp các siêu thị, cửa hàng tiện ích trong tỉnh và được người tiêu dùng ưa thích. Chúng tôi luôn nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm để xây dựng thương hiệu “Thịt lợn Công Danh” tạo dựng lòng tin với khách hàng, nâng tầm giá trị thương hiệu và gia tăng doanh số bán hàng của đơn vị...

Ông Trần Văn Kỳ - Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp sạch tỉnh Nam Định cho biết, sản phẩm OCOP không chỉ giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết và lựa chọn sản phẩm, dịch vụ chất lượng mà còn thể hiện sự đánh giá và công nhận chính thức của các cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm và uy tín của các chủ thể sản xuất. Nhờ lợi thế từ chương trình OCOP, các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, hộ cá thể đã đưa ra thị trường hàng trăm sản phẩm, đáp ứng đa dạng nhu cầu của người tiêu dùng.

Đặc biệt, các sản phẩm OCOP từ nông, thủy sản với giá bán ổn định không chỉ mang lại nguồn thu nhập bền vững cho các chủ thể sản xuất mà còn tạo việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động tại các địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn.

Hiện nay, các sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng theo bộ tiêu chí quốc gia về đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP dựa trên nhiều khía cạnh khác nhau như chất lượng, giá trị cộng đồng, giá trị văn hóa, năng lực sản xuất và thương mại của chủ thể. Kết quả phân hạng sản phẩm OCOP xác định cơ hội phát triển của chủ thể sản phẩm, khả năng tham gia và được thụ hưởng các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Qua 6 năm triển khai thực hiện chương trình OCOP đến nay, việc xây dựng, phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản gắn với chương trình OCOP của tỉnh Nam Định đã mang lại hiệu quả cao.

Xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP góp phần quan trọng nâng cao thu nhập cho người dân, doanh nghiệp. Với lợi thế nguồn nguyên liệu dồi dào và sự đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, các sản phẩm OCOP đã góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Tạo nền tảng vững chắc để Nam Định tiếp tục là điểm sáng trên “bản đồ” OCOP cả nước.

Trung Thành - Minh Huệ