Nghiên cứu - Trao đổi

Hoàn thiện chính sách thuế để giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp

Yến Nhung 21/12/2024 04:00

Các chuyên gia đưa ý kiến nhằm hoàn thiện các sắc thuế, tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp, thuận tiện trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

Theo Tổng cục Thuế, tính từ năm 2021 đến hết năm 2024, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt khoảng 7,2 triệu tỷ đồng, đạt 86,5% so mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 là 8,3 triệu tỷ đồng, trong đó tổng thu ngân sách nhà nước do cơ quan thuế quản lý luỹ kế giai đoạn 2021 - 2024 ước đạt khoảng 6,1 triệu tỷ đồng, bằng 119% so với dự toán, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn khoảng 8,6%/năm.

thue (1)
Tính từ năm 2021 đến hết năm 2024, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt khoảng 7,2 triệu tỷ đồng - Ảnh: ITN

Trong giai đoạn 2021 - 2024, ngành Thuế đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn cho gần 3,7 triệu lượt người nộp thuế với 8 loại thuế và 36 loại phí với tổng số tiền gần 730.000 tỷ đồng. Từ năm 2021 đến nay, ngành Thuế đã triển khai đơn giản hoá thủ tục hành chính từ 304 xuống 235 thủ tục, tiết kiệm gần 600 tỷ đồng chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế cho người nộp thuế, tích hợp 122/235 thủ tục hành chính lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Đến nay, có 100% doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, 99% doanh nghiệp đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử với cơ quan thuế, 99% doanh nghiệp đang hoạt động tham gia hoàn thuế điện tử. Triển khai dịch vụ thuế điện tử dành cho cá nhân đối với hoạt động cho thuê tài sản, khai lệ phí trước bạ điện tử đối với ô tô, xe máy đã đạt gần 50% trên tổng số tờ khai.

Tiếp bước những giải pháp đồng bộ, thống nhất, hiệu quả những năm qua, năm 2025 là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch tài chính ngân sách trung hạn 2021 - 2025, Tổng Cục thuế sẽ cải cách mạnh mẽ hơn nữa, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp về lĩnh vực thuế để góp phần vào sự ổn định, thời gian, chi phí cho người nộp thuế.

Đánh giá cao những kết quả cải cách quan trọng của ngành Thuế, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong bối cảnh đầy khó khăn này, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận các cơ quan nhà nước đã kịp thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp trong khắc phục khó khăn, củng cố niềm tin và giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi, ổn định và gia tăng hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, từ thực tế triển khai chức năng, nhiệm vụ của VCCI với tư cách là tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, VCCI nhận thấy vẫn còn nhiều doanh nghiệp hiện đang gặp khó khăn trong thực hiện thủ tục thuế. Ghi nhận mới nhất từ khảo sát môi trường kinh doanh do VCCI tiến hành trong năm 2024, vẫn có tới 31% doanh nghiệp gặp phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính thuế, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

“Theo đó, để hoàn thiện chính sách thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp cần tăng cường minh bạch, có hướng dẫn cụ thể và triển khai chính sách thuế đơn giản, tăng cường đối thoại và tham vấn. Đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa như có các chính sách đặc thù về miễn giảm thuế, hỗ trợ đào tạo về tuân thủ thuế, hoặc tư vấn trực tiếp”, ông Hoàng Quang Phòng đề nghị.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2024 ước đạt 44 tỷ USD - Ảnh: ITN
Các chuyên gia đưa ý kiến nhằm hoàn thiện các sắc thuế, tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp, thuận tiện trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước - Ảnh: ITN

Đề xuất một số giải pháp để xây dựng một hệ thống thuế hiện đại và bền vững, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nguồn thu ngân sách nhà nước, đặc biệt là nguồn thu thuế. Nguồn thu thuế nội địa đã tăng lên mức khoảng 83%, nhưng chưa thực sự ổn định, chưa đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 07-NQ/TW năm 2016 là 84-85%. Nguồn thu từ khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh đã tăng lên, nhưng cơ cấu nguồn thu giữa khu vực doanh nghiệp Nhà nước, khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với khu vực kinh tế ngoài quốc doanh vẫn chưa phù hợp.

Theo chuyên gia này, cơ cấu thu thuế chưa có sự cân đối hợp lý giữa các khoản thuế trực thu và thuế gián thu. Một số sắc thuế trực thu đã được ban hành nhiều năm qua, cần xem xét thay đổi theo xu hướng chung của các quốc gia trong khu vực và thế giới theo hướng khuyến khích phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ và người lao động nâng cao năng suất lao động, nâng cao mức sống như thuế thu nhập doanh nghiệp cần có mức giảm phù hợp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, thuế thu nhập cá nhân cần có những thay đổi căn bản cả về ngưỡng chịu thuế, số bậc thuế, mức giảm trừ gia cảnh, mức thuế suất cao nhất.

“Các loại thuế gián thu như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt cần xem xét để mở rộng đối tượng chịu thuế, nâng mức thuế suất phù hợp với từng nhóm hàng hóa, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc Nhà nước nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, góp phần thu đúng, thu đủ, thu kịp thời cho ngân sách nhà nước...”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh bày tỏ.

Đánh giá về công tác quản lý thuế và tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế của Việt Nam, ông Noguchi Daisuke, Cố vấn trưởng dự án (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản JICA) nhận định, quản lý thuế của Việt Nam đang phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc và các nỗ lực để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế cũng đang được triển khai tích cực. Tuy nhiên, vẫn cần có các biện pháp để giải quyết một số thách thức còn tồn tại. Trong đó, việc thúc đẩy chuyển đổi số sâu hơn nữa trong quản lý thuế, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời mở rộng mạng lưới hành chính thuế nhằm cung cấp dịch vụ nộp thuế đồng bộ trên toàn quốc sẽ là chìa khóa để hỗ trợ sự tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai.

Yến Nhung