KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO VÙNG: Xu hướng lựa chọn đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp
Xu hướng lựa chọn đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp theo hướng phát triển bền vững được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố như xã hội, thị trường, chính sách, lẫn nhà đầu tư.
Nhằm đồng hành cùng chính quyền các tỉnh/thành phố trong việc thu hút các nguồn lực hỗ trợ xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương; Kết nối thành tố nhằm thúc đẩy và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với UBND tỉnh Bến Tre tổ chức Diễn đàn thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng, đây là sự kiện nằm trong chuỗi sự kiện Ngày hội Đổi mới sáng tạo tỉnh Bến Tre năm 2024 với chủ đề: “Đổi mới sáng tạo hướng đến phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long”.
Chia sẻ tại Diễn đàn, bà Lê Phạm Quỳnh Như - Head of ecosystem và communication của Swiss EP Vietnam, cách tiếp cận của Swiss EP là xây dựng năng lực cho các tổ chức cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo (startups), những doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng, mở rộng nhanh chóng. Ví dụ như các vườn ươm, chương trình tăng tốc, quỹ đầu tư...
Bà Quỳnh Như cho rằng, xu hướng lựa chọn đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp theo hướng phát triển bền vững được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố cả từ phía xã hội, thị trường, chính sách, lẫn nhà đầu tư. Những yếu tố này tạo động lực mạnh mẽ để các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo theo đuổi con đường bền vững.
Thứ nhất, sự cần thiết và cấp thiết: Bến Tre là một trong các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, đã đang và sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Do đó việc xây dựng một hệ sinh thái doanh nghiệp phát triển bền vững là cấp thiết và cần nằm trong chiến lược phát triển đột phá của Tỉnh.
Thứ hai, nhận thức xã hội: Ý thức về các vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu, và trách nhiệm xã hội ngày càng gia tăng. Người dân và cộng đồng kỳ vọng các doanh nghiệp không chỉ mang lại lợi nhuận mà còn đóng góp vào việc giải quyết các thách thức toàn cầu.
Thứ ba, yêu cầu từ thị trường: Người tiêu dùng hiện đại ưu tiên lựa chọn các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường và có trách nhiệm xã hội. Đây không chỉ là xu hướng mà còn trở thành tiêu chuẩn bắt buộc để doanh nghiệp cạnh tranh và tồn tại.
Thứ tư, chính sách khuyến khích phát triển bền vững: Các quy định của chính phủ, đặc biệt là việc thúc đẩy áp dụng tiêu chuẩn ESG (Environmental, Social, Governance), giúp định hướng doanh nghiệp theo các mục tiêu bền vững. Điều này không chỉ tạo khuôn khổ pháp lý mà còn khuyến khích các sáng kiến đổi mới trong kinh doanh.
Thứ năm, sự chuyển hướng của nhà đầu tư: Các quỹ đầu tư ngày càng ưu tiên doanh nghiệp có chiến lược bền vững và khả năng tạo ra giá trị dài hạn. Đây là yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận nguồn vốn, đồng thời khẳng định tầm nhìn chiến lược của mình.
Chia sẻ về câu chuyện phát triển bền vững, bà Quỳnh Như cho rằng, một doanh nghiệp bền vững không thể không có đổi mới sáng tạo. Dựa vào những kinh nghiệm đúc kết trong quá trình xây dựng và hỗ trợ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo thì Swiss EP tin rằng, để hiện thực hóa xu hướng phát triển bền vững này, các doanh nghiệp và địa phương có thể cân nhắc các điểm dưới đây:
Một là, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp cần gắn với định hướng phát triển và đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời thực hiện đổi mới sáng tạo trong mô hình kinh doanh truyền thống. Việc tái cấu trúc các mô hình kinh doanh theo hướng tạo ra tác động xã hội tích cực, kinh doanh bao trùm và khai thác tài nguyên bản địa không chỉ giúp gia tăng giá trị kinh tế mà còn góp phần vào phát triển bền vững của khu vực.
Chẳng hạn, tại Bến Tre, một ví dụ điển hình là việc khai thác tài nguyên địa phương như dừa và năng lượng tái tạo để phát triển các mô hình nông nghiệp bền vững. Đồng thời, tỉnh có thể xây dựng nền tảng cho ngành năng lượng xanh, trở thành một trung tâm về năng lượng tái tạo trong khu vực (đã và đang phát triển chuẩn bị cơ sở hạ tầng, nguồn lực cho các nguồn năng lực xanh, sạch đặc biệt là nguồn năng lượng mới hydro xanh) . Việc kết hợp giữa khai thác tài nguyên địa phương và mô hình kinh doanh sáng tạo sẽ giúp Bến Tre không chỉ phát triển kinh tế mà còn đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững lâu dài.
Hai là, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần tổ chức và định hướng: Hệ sinh thái này đa dạng các thành tố, mỗi tổ chức và cá nhân lại theo đuổi mục tiêu và có động lực riêng. Bởi thế, việc tổ chức và định hướng các thành tố phối hợp nhịp nhàng theo một định hướng chung là rất quan trọng. Điều này nhằm tối ưu chi phí nguồn lực cho các nỗ lực hợp tác. nhau. Để các thành phần phối hợp hiệu quả, cần sự ủng hộ và định hướng từ lãnh đạo địa phương, với tầm nhìn dài hạn không chỉ 10-20 mà phải hướng tới tác động dài hạn sau đó. Và chính tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ từ những người lãnh đạo địa phương sẽ là nguồn động lực bền bỉ thúc đẩy hệ sinh thái tiến về phía trước.
Ba là, gắn kết và hợp tác hệ sinh thái vùng và quốc gia: Phát triển bền vững đòi hỏi sự liên kết vùng chặt chẽ. Bến Tre có thể liên kết với các tỉnh ĐBSCL để tạo thành cụm khởi nghiệp, tận dụng các chương trình hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ. Ngoài ra, sự hợp tác với các doanh nghiệp lớn và quỹ đầu tư bền vững sẽ đóng vai trò “bảo trợ” cho các dự án khởi nghiệp địa phương.
Bốn là, thúc đẩy hợp tác theo mô hình Triple Helix: Các quốc gia phát triển như Thụy Điển, Thụy Sỹ và một số nước Châu Âu đã thành công trong việc áp dụng mô hình này để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, kết nối Nhà nước, Doanh nghiệp và Viện trường. Bến Tre có thể học hỏi bằng cách thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tận dụng khoa học và công nghệ với các trường đại học và tổ chức nghiên cứu nhằm làm đòn bẩy cho các dự án khởi nghiệp.
Năm là, vai trò của cộng đồng và giáo dục: Khởi nghiệp bền vững cần gắn liền với cộng đồng địa phương, giải quyết các vấn đề xã hội như việc làm và môi trường. Các hợp tác xã kiểu mới tại Bến Tre là một ví dụ nổi bật, vừa thúc đẩy sự tham gia của người dân vừa xây dựng chuỗi giá trị. Song song đó, việc nâng cao nhận thức và đào tạo thế hệ trẻ về đổi mới sáng tạo sẽ tạo nền móng bền vững lâu dài.
Sáu là, định vị Bến Tre như một hình mẫu phát triển bền vững: Với các sáng kiến dựa trên thế mạnh địa phương, Bến Tre có thể trở thành hình mẫu cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, thu hút đầu tư và nguồn lực, đồng thời khẳng định thương hiệu là “thủ phủ khởi nghiệp bền vững” của khu vực.
Việc phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp theo hướng bền vững tại Bến Tre không chỉ giúp giải quyết các thách thức địa phương mà còn mở ra cơ hội lớn trong việc định vị khu vực trên bản đồ đổi mới sáng tạo quốc gia.
Bảy là, định lượng và đánh giá. Đặt ra các mục tiêu và chỉ số đánh giá thiết thực và có tính định lượng. Mục tiêu cuối cùng của một hệ sinh thái hoạt động hiệu quả là hỗ trợ tạo ra được nhiều doanh nghiệp hơn, chất lượng doanh nghiệp tốt hơn, qua đó tạo ra công ăn việc làm và đóng góp vào GDP và phát triển kinh tế xã hội địa phương nói riêng và cả nước nói chung.