Chính sách - Quy hoạch

Cấp thiết tăng cung nhà ở xã hội

Diệu Hoa 21/12/2024 05:00

Giá nhà tăng cao, nguồn cung 100% đến từ sản phẩm cao cấp đang khiến thị trường bất động sản TP HCM thiếu sự lành mạnh, bền vững.

Nhiều dự án tại TP HCM được hồi sinh sau nhiều năm.
Trong 11 tháng đầu năm 2024, TP HCM chỉ có 12 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư.

HoREA cho rằng, việc giá nhà tăng liên tục trong các năm qua là do nguồn cung dự án nhà ở thương mại quá ít dẫn đến nguồn cung sản phẩm nhà ở thương mại khan hiếm theo quy luật “cung - cầu” với mức tăng giá căn hộ chung cư vào khoảng 15-20% trong giai đoạn 2015-2023 và theo Bộ Xây dựng nhận định, với “Bảng giá đất điều chỉnh” năm 2024 thì giá nhà còn có thể tăng 15-20% trong năm 2025.

Giá nhà trung bình 9,39 tỷ đồng/căn

Tổng hợp các số liệu từ Sở Xây dựng, HoREA cho biết trong 11 tháng đầu năm 2024, TP HCM chỉ có 12 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư. HoREA cho rằng đây là con số quá ít, chỉ bằng khoảng 1/5 số lượng dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư vào các năm trước đại dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, cũng theo HoREA, trong 11 tháng đầu năm 2024, TP HCM không có dự án nhà ở thương mại, dự án nhà ở xã hội được giao đất, cho thuê đất và chỉ cấp Giấy phép xây dựng cho 2 dự án nhà ở thương mại và không có dự án nhà ở xã hội được cấp Giấy phép xây dựng. Và cũng không có dự án nhà ở thương mại được chuyển nhượng (M&A).

Những vướng mắc trong cơ chế chính sách, hoạt động cấp phép xây dựng, chấp thuận dự án mới, ách tắc về giá đất đã dẫn đến việc số lượng dự án và căn hộ nhà ở thương mại đang triển khai thực hiện và số lượng dự án và căn hộ nhà ở thương mại đủ điều kiện huy động vốn trong 11 tháng giảm thấp nhất trong giai đoạn 2020-11/2024.

TP cũng chỉ ghi nhận 4 dự án nhà ở thương mại đủ điều kiện huy động vốn đưa sản phẩm ra thị trường, giảm 75% số lượng dự án với tổng số chỉ có 1.611 căn nhà và tất cả đều là nhà ở cao cấp, giảm 90% số lượng nhà ở so với cùng kỳ năm 2023.

"Lần đầu tiên phân khúc nhà ở cao cấp chiếm lĩnh toàn bộ thị trường bất động sản TP HCM, sự biến mất của nguồn cung nhà ở trung cấp, nhà ở bình dân làm cho cơ cấu sản phẩm nhà ở trên thị trường thêm “méo mó”" - HoREA cho biết.

Sớm "tháo gông" cho nhà ở xã hội

Để "đảo ngược tình thế", theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cần thêm các cơ chế, giải pháp để thực hiện chỉ tiêu phát triển từ 69.700 - 93.000 căn nhà ở xã hội đến năm 2030 trên địa bàn.

Đề xuất miễn quỹ đất 20% cho các dự án cao cấp sẽ trở thành bước đột phá trong chiến lược phát triển nhà ở xã hội tại TP HCM
Cần thêm cơ chế thiết thực hơn cho nhà ở xã hội.

Trong đó, giải pháp thiết thực nhất hiện nay là các sở, ban ngành, quận, huyện, TP Thủ Đức cùng chung tay phối hợp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để triển khai thực hiện ngay dự án mà các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đang có sẵn quỹ đất, nhất là quỹ đất 20% dành để phát triển nhà ở xã hội.

Theo ông Châu, vướng mắc lớn nhất hiện nay lại là sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa các sở, ban ngành, quận, huyện nơi có dự án nhà ở xã hội. Chẳng hạn, trường hợp dự án nhà ở xã hội Lê Thành - Tân Kiên đã được UBND TP HCM chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư trên cơ sở quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 đã được điều chỉnh cục bộ.

Dự án đã được động thổ ngày 29/8 nhưng đến nay đã hơn 3 tháng vẫn chưa làm được giấy phép xây dựng, do quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/5.000 của dự án chưa được UBND huyện Bình Chánh phê duyệt. Nguyên nhân chậm trễ là do huyện Bình Chánh phải làm văn bản xin ý kiến Sở Quy hoạch Kiến trúc.

Hoặc trường hợp dự án Nhà lưu trú công nhân Khu Chế xuất Linh Trung 2 (giai đoạn 2) do Công ty CP Đầu tư Xây dựng Sản xuất Dịch vụ Du lịch Thiên Phát làm chủ đầu tư, đã được UBND TP HCM chỉ đạo nhưng đến nay vẫn chưa được Ban Quản lý Khu Chế xuất Linh Trung và Ban Quản lý khu chế xuất khu công nghiệp TP HCM hỗ trợ hoàn thành thủ tục để có thể sớm khởi công giai đoạn 2.

Để rút ngắn thời gian thực hiện quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng, HoREA đề nghị UBND TP HCM chỉ đạo các sở, ban ngành, UBND quận, huyện, TP Thủ Đức tăng cường phối hợp đồng bộ, khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc pháp lý và xây dựng quy trình đầu tư dự án nhà ở xã hội đơn giản, rút gọn.

Đồng thời, HoREA đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho phép thí điểm thực hiện cơ chế giao Sở Xây dựng thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở xã hội tương tự như dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Diệu Hoa