Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 9 Luật, 1 Pháp lệnh được Quốc hội thông qua
Chiều 20/12, Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 9 Luật, 1 Pháp lệnh vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8…
Đồng chí Phạm Thanh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước chủ trì buổi họp báo. Tham dự buổi họp báo có đại diện các bộ, ngành có liên quan. Cụ thể, các luật và pháp lệnh gồm: Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Điện lực; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Đầu tư công; Luật Phòng không nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật Tư pháp người chưa thành niên và Pháp lệnh chi phí tố tụng.
Tại họp báo, đồng chí Phạm Thanh Hà đã công bố lệnh của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam về công bố các luật, pháp lệnh. Sau đó, đại diện các bộ, ngành đã trình bày những nội dung cơ bản của các luật, pháp lệnh.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu đã sửa đổi theo nguyên tắc lựa chọn những quy định có mâu thuẫn, bất cập, yêu cầu cấp bách phải sửa ngay để tháo gỡ những vướng mắc về thể chế, khắc phục điểm nghẽn, tạo không gian cho phát triển, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân quyền theo tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, tập trung vào các nội dung đã xác định rõ phương án sửa đổi, đồng thuận cao, độc lập, có thể kế thừa khi sửa đổi, bổ sung toàn diện.
Luật Điện lực được ban hành và có hiệu lực sẽ giải quyết được các khó khăn, vướng mắc của ngành điện hiện nay, bảo đảm an ninh năng lượng điện, hướng đến mục tiêu NetZero và góp phần thúc đẩy ngành điện lực phát triển bền vững, hiệu quả, bảo đảm cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội và phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Một trong những nội dung đáng chú ý của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) là quy định mức hưởng BHYT khi thực hiện thông cấp khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo hướng không phân biệt địa giới hành chính theo tỉnh, giữ ổn định tỷ lệ mức hưởng BHYT theo quy định của luật hiện hành và mở rộng với một số trường hợp. Theo đó, người tham gia BHYT được hưởng 100% mức hưởng khi khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT cấp ban đầu trong toàn quốc; 100% mức hưởng khi đi khám bệnh, chữa bệnh nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT cấp cơ bản trong toàn quốc; 100% mức hưởng khi khám bệnh, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT cấp cơ bản, cấp chuyên sâu mà trước ngày 1/1/2025 đã được cơ quan có thẩm quyền xác định là tuyến hyện. Đặc biệt, trong một số trường hợp bệnh hiểm, bệnh hiểm nghèo... người bệnh được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu. Đồng thời, Luật đã mở rộng một số phạm vi quyền lợi cho người có thẻ BHYT trong đó có điều trị lác, tật khúc xạ của mắt cho người dưới 18 tuổi.
Luật Phòng không nhân dân được ban hành tạo khung pháp lý cho việc xây dựng, huy động, tổ chức hoạt động phòng không nhân dân, quản lý các hoạt động liên quan đến tàu bay không người lái, phương tiện bay khác và bảo đảm an toàn phòng không, nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật về phòng không nhân dân; góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, phát huy tổng hợp sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc vùng trời Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội để phát triển kinh tế, xã hội.
Luật Địa chất và khoáng sản tập trung vào 5 nhóm chính sách trọng tâm gồm: Chính sách về tài nguyên địa chất, khoáng sản, điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản, thông tin, dữ liệu địa chất, khoáng sản; hoàn thiện chính sách về bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản, chiến lược, quy hoạch địa chất, khoáng sản; hoàn thiện chính sách về khu vực khoáng sản; hoàn thiện chính sách trong quản lý hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản và hoàn thiện chính sách tài chính về địa chất và khoáng sản.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đã điều chỉnh tăng từ 11 lên 17 chức vụ cơ bản của sĩ quan; bổ sung các cấp phó: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Tổng Tham mưu trưởng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và các chức vụ cấp phó của cấp trưởng đến Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó Đại đội. Đồng thời, Luật nâng hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ theo cấp bậc hàm như sau: Cấp úy từ 46 lên 50 tuổi, Thiếu tá từ 48 lên 52 tuổi, Trung tá từ 51 lên 54 tuổi, Thượng tá từ 54 lên 56 tuổi, Đại tá nam từ 57 lên 58 tuổi, nữ từ 55 lên 58 tuổi; cấp tướng nam 60 tuổi giữ nguyên, nữ từ 55 lên 60 tuổi. Luật cũng đã quy định số lượng cấp tướng ở từng cấp nhưng không quy định vị trí cụ thể từ cấp Trung tướng trở xuống; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh có cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tướng, gia Chính phủ quy định cụ thể vị trí cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Phó Đô đốc Hải quân, Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân...
Luật Đầu tư công thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ theo phương châm thay đổi tư duy và phương thức quản lý từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, từ “quản lý” sang “quản lý cho kiến tạo phát triển” và “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát; bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tránh tạo cơ chế “xin-cho”...
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược được ban hành đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật trong hoạt động quản lý thuốc, trong đó có việc bảo đảm thuốc cho phòng, chống dịch bệnh và các trường hợp cấp bách phát sinh trong thực tiễn và tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động về dược, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận thuốc của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Luật Tư pháp người chưa thành niên quy định về xử lý chuyển hướng, hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội; thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng; thi hành án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.