24h

Bộ Tài chính nâng mức nợ thuế bị hoãn xuất cảnh lên 50 triệu đồng

Khôi Nguyên 20/12/2024 21:00

“Tiếp thu ý kiến góp ý, Bộ Tài chính đã nâng mức đề xuất cá nhân, chủ hộ kinh doanh nợ thuế quá hạn 120 ngày với mức 50 triệu đồng trở lên sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh…”

Đây là thông tin đại diện Bộ Tài chính cho biết tại buổi họp báo công bố các luật đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 diễn ra tại Văn phòng Chủ tịch nước ngày 20/12/2024.

bo-tai-chinh-nang-muc-no-thue-bi-tam-hoan-xuat-canh-len-50-trieu-dong-1.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận tại buổi họp báo

Theo đó, báo cáo về những điểm mới của Luật tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết Luật vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 đã sửa đổi, bổ sung 14 điều của Luật Quản lý thuế. Một trong những nội dung được sửa đổi, bổ sung là quy định về thẩm quyền quyết định hoàn thuế; mức tiền phải trả lãi, hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh; biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế; quy tắc xác định thời gian tính tiền chậm nộp.

Theo quy định của Luật, cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuộc trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, trước khi xuất cảnh từ Việt Nam phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Thông tin rõ hơn, ông Hoàng Thái Sơn, Vụ trưởng Pháp chế Bộ Tài chính cho biết, sau khi tiếp thu ý kiến của truyền thông và các cơ quan liên quan, trong dự thảo nghị định mới nhất, Bộ Tài chính đã nâng mức đề xuất cá nhân, chủ hộ kinh doanh nợ thuế quá hạn 120 ngày với mức 50 triệu đồng trở lên, sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh.

Mức cá nhân nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh này đã tăng thêm 40 triệu đồng so với dự thảo hồi đầu tháng 12. Theo ông Sơn, toàn quốc còn khoảng 81.000 cá nhân, chủ hộ kinh doanh nợ thuế từ 50 triệu đồng. Mức này, theo ông Sơn tương đương với nhiều nước và theo kinh nghiệm quốc tế là phù hợp. Ông cũng khẳng định, tạm hoãn xuất cảnh người nợ thuế "là biện pháp hữu hiện trong quản lý thuế". Biện pháp này để đảm bảo người dân và chủ hộ kinh doanh thực hiện quyền và nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước.

Theo Luật Quản lý thuế 2019 và Nghị định 126/2020, thủ trưởng các cơ quan thuế, hải quan có quyền ra quyết định hoãn xuất cảnh với cá nhân, đại diện doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế. Tuy nhiên, các quy định hiện nay không nêu ngưỡng nợ cụ thể khi áp dụng biện pháp cưỡng chế này, tức nợ thuế quá hạn 1 đồng cũng có thể bị tạm hoãn xuất cảnh.

Dự thảo nghị định của Bộ Tài chính cho biết, biện pháp cấm xuất cảnh sẽ được áp dụng ngay với người nộp thuế không còn hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký. Tức là, việc áp dụng sẽ không cần theo ngưỡng quy định. Việc này nhằm thu hồi được nợ thuế vào ngân sách nhà nước.

Cơ quan thuế sẽ thông báo tạm hoãn xuất cảnh bằng phương thức điện tử cho người nộp thuế. Trường hợp không gửi được thông báo bằng cách này, cơ quan quản lý thuế sẽ thông báo trên trang thông tin điện tử của ngành thuế. Sau đó 30 ngày, nếu người nộp thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ, nhà chức trách sẽ gửi văn bản về việc tạm hoãn xuất cảnh cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để thực hiện.

Các biện pháp cưỡng chế tạm hoãn xuất cảnh được cơ quan thuế, hải quan áp dụng có xu hướng tăng thời gian qua. Số liệu từ Tổng cục Thuế cho biết, từ đầu năm đến nay trên 6.500 trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế, gấp 3 lần so với năm ngoái. Nhà chức trách đã thu 1.341 tỷ đồng của 2.116 người nộp thuế bị tạm hoãn xuất cảnh.

Theo Bộ Tài chính, một số nước như Trung Quốc, Malaysia, Mỹ... cũng áp dụng chính sách hạn chế đi lại với các cá nhân có nợ thuế lớn và thời gian nợ dài.
Mặt khác, đây cũng là biện pháp tích cực để thu hồi nợ thuế tồn đọng lâu nay.

Khôi Nguyên