Chống lãng phí vốn xã hội
Trọng dụng nhân tài được xem là cốt lõi của quản trị và sử dụng vốn con người.
Đây là một trong những nguồn lực quan trọng hàng đầu và không thể thiếu để phát triển kinh tế xã hội, đưa đất nước vươn tầm trong kỷ nguyên mới.
Đi cùng với sử dụng vốn con người, là sử dụng vốn xã hội (social capital) - một “khái niệm” khác vừa mang nội hàm của khoa học kinh tế, vừa mang nội hàm của khoa học xã hội, được diễn giải bởi nhiều quan điểm khác nhau tùy các lĩnh vực khác nhau như đó là nguồn lực, các khía cạnh của cấu trúc xã hội, chuẩn mực không chính thức, mạng lưới xã hội, sự trao đổi qua lại, sự tin cậy… Trên hết, vốn xã hội cùng vốn kinh tế sẽ là 2 trụ cột lớn hình thành, tạo nên vốn con người cho cốt lõi của các công cuộc thay đổi.
TS Nguyễn Hoàng Hiệp, chuyên gia Kinh tế, phân tích: Chủ trương tinh gọn đang vô cùng thuận lợi với sự nhất trí của toàn Đảng, toàn dân và quyết tâm cao của các nhà lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ. Song đâu đó vẫn sẽ có những nhân sự, những con người bị ảnh hưởng xét về mặt lợi ích cá nhân, từ đó có thể có tâm tư không đáng có. Và trong công cuộc tinh gọn, việc “cân lên đặt xuống” về cắt giảm nhân sự chắc chắn sẽ cần tiêu chuẩn đánh giá về người tài một cách cụ thể ở từng lĩnh vực quản lý, từng vị trí công việc.
Do đó, thiết lập và công khai các tiêu chuẩn này sẽ giúp niềm tin của cộng đồng tạo ra sức mạnh lớn hơn để người tài không rời bỏ các công việc đang thực hiện dưới áp lực của cạnh tranh tinh gọn, ngược lại có thể tăng thu hút thêm người tài, có chuyên môn cao tham gia vào bộ máy nhà nước; cũng để những nhân sự không có nhiều đóng góp trong bộ máy thấy mình phải rời đi là hợp lí - bên cạnh sự quan tâm chăm lo động viên thỏa đáng có ý nghĩa về mặt nhân văn.
“Việc chuyển mình để quản trị quốc gia mà trong đó con người là một trong 5 yếu tố cốt lõi để tiến đến một quốc gia có nền quản trị hiện đại và để đạt được điều này cần giữ chân nhân tài đang có và thu hút nhân tài bên ngoài về khu vực công để cống hiến phát triển đất nước như trước đây Hồ Chủ tịch đã từng kêu gọi nhân tài trí thức về phục vụ nước nhà vì sự nghiệp phát triển đất nước và đúng với mục tiêu mà TBT Tô Lâm quyết tâm để nước ta vươn mình trong kỷ nguyên mới.
Theo quan điểm đó, các cơ quan trong công cuộc tinh gọn nhân sự, cần chống lãng phí vốn xã hội - khái niệm thường có cả 2 mặt tích cực (như nêu trên) và tiêu cực (có thể dẫn đến nhóm lợi ích, lợi ích cá nhân), đảm bảo sự minh bạch, công tâm trong giữ - giảm nhân sự; đồng thời là giảm sự chia rẽ giữa khối lãnh đạo, khối thực thi và khối ở lại - rời đi”, chuyên gia nhấn mạnh.
Trở lại với năm 1916, khi khái niệm vốn xã hội qua định nghĩa của Lyda Judson Hanifan lần đầu tiên được công bố. Vị Thạc sĩ Nghệ thuật của ĐH Harvard đã dùng khái niệm vốn xã hội để chỉ tình thân hữu, sự thông cảm lẫn nhau, cũng như tương tác giữa các cá nhân hay gia đình. Nhìn từ đó và rộng lớn hơn ở mỗi một cá nhân đến mỗi một tổ chức, trên nữa là bộ máy của cả quốc gia, công cuộc tinh gọn nhưng không để lãng phí giá trị nền tảng của tương thân, tương ái theo nghĩa đó, cũng chính là giữ và nhân thêm vốn xã hội.